Đại dịch Covid-19 giúp mọi người nhận ra thế giới bắt đầu vào giai đoạn dân số già bởi nhóm dân số dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 nhất là những người cao tuổi.
Dân số già và tỷ lệ sinh giảm có thể làm tốc độ tăng dân số toàn cầu chậm hơn dự báo. Ảnh: AFP |
Dân số già, tỷ trọng người cao tuổi lớn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng Covid-19. Chẳng hạn, ngày 20-2, Ý - quốc gia có dân số già nhất châu Âu - ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên. Đến ngày 16-3, Ý có hơn 24.000 ca nhiễn, hơn 1.800 ca tử vong, hầu hết bệnh nhân là những người cao tuổi. Hiện quốc gia châu Âu này có khoảng 61 triệu dân, trong đó có gần 14 triệu người cao tuổi (65 tuổi trở lên).
Nhật Bản: Số lượng người già tăng quá nhanh
Nhật Bản nói nhiều về dân số già kể từ sau khi bong bóng bất động sản vỡ tung vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Số lượng người già ở Nhật Bản tăng quá nhanh khi bắt đầu thống kê số lượng người 100 tuổi trở lên từ năm 1963. Lúc đó, Nhật Bản chỉ có 153 người trên 100 tuổi và con số này nhanh chóng vượt ngưỡng 10.000 vào năm 1998 phần lớn nhờ các tiến bộ y học. Tính đến ngày 15-9-2020, Nhật Bản có hơn 80.400 người từ 100 tuổi trở lên; dự kiến tới năm 2040 sẽ có tới 300.000 người. Hơn nữa, tỷ lệ sinh giảm rất mạnh: một phụ nữ có trung bình 5 người con hồi năm 1920 thì giờ đây chỉ có chưa tới 1 con.
Dân số già khiến nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu suy yếu bởi hai yếu tố chính là chi phí lương hưu và chăm sóc y tế quá lớn. Chẳng hạn, 1/3 dân số ở tỉnh Akita trên 65 tuổi khiến ngân sách cho y tế tăng mạnh. Tình trạng bất bình đẳng giữa các thế hệ bắt đầu xuất hiện vì những người trẻ tuổi thắc mắc vì sao họ phải gánh vác tiền lương hưu và chi phí y tế cho người già.
Người trẻ tuổi dần dần bỏ quê lên phố dẫn tới tình trạng nhà cửa, trường học, chợ… ở những vùng nông thôn bị bỏ hoang quá nhiều. Vùng quê còn lại chủ yếu người già nên chính quyền địa phương khá vất vả trong việc chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế. Ước tính có tới 8 triệu ngôi nhà “ma” càng làm thị trường bất động sản thêm ảm đạm.
Nhật Bản đã có kinh nghiệm ứng phó với dân số già trong 30 năm qua. Chính phủ qua các thời kỳ thành công trong việc duy trì tương đối ổn định xã hội và nâng cao mức sống cho người dân mà không cần tăng dân số. Họ không hồ hởi chào đón lao động nhập cư từ các nước do không muốn phá vỡ nét văn hóa lâu đời của mình. Người lớn tuổi được khuyến khích tiếp tục làm việc vừa sức để duy trì lực lượng lao động, tăng cường tập thể dục giúp giảm bệnh tật, thực hiện chủ trương phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách chủng ngừa rộng rãi cho người dân.
EU: Gần 1/5 dân số hơn 65 tuổi
Thế giới đang nói về một khái niệm mới là “Nhật Bản hóa dân số già” khi quá nhiều nước ở châu Âu, Hàn Quốc, Brazil… đang bước theo “vết xe đổ” của Nhật Bản. Gần 1/5 dân số của Liên minh châu Âu (EU) hơn 65 tuổi và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những thập niên kế tiếp. Người từ 60 tuổi trở lên trên cả thế giới tăng gấp đôi kể từ năm 1980 và nay có khoảng 1 tỷ người, dự kiến sẽ tăng lên 2 tỷ người vào năm 2050. Hồi tháng 7, các chuyên gia dự báo dân số thế giới sẽ đạt 8,8 tỷ người vào năm 2100, ít hơn 2 tỷ người so với dự báo của Liên Hợp Quốc do tỷ lệ sinh giảm và tình trạng già hóa dân số. Liên Hợp Quốc dự báo dân số toàn cầu đạt 10,9 tỷ người vào năm 2100.
Lực lượng lao động nhập cư lấp đầy khoảng trống thiếu hụt lao động trước đây giờ phải chịu cảnh thất nghiệp. Các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan có chính sách khuyến khích sinh bằng nhiều đòn bẩy kinh tế - xã hội, nhưng mức sinh không tăng được bao nhiêu. Giới phân tích kinh tế thế giới nhận định, EU, Brazil, Hàn Quốc… sẽ chấp nhận một thực tế dai dẳng là tăng trưởng thấp, lạm phát hầu như bằng không, nợ công cao vì luẩn quẩn với bài toán dân số già.
Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, Nhật Bản là một trong những nước chịu tác động với hơn 151.000 ca mắc Covid-19 và 2.185 ca tử vong (tính đến ngày 2-12). Trong quý 2-2020, GDP của xứ sở hoa anh đào giảm tới 28,1% so quý 1. |
ANH THƯ (theo Financial Times, BBC)