Từ giảng đường đến chiến trường và con đường đến với khoa học

.

Từ một sinh viên “xếp bút nghiên” lên đường ra trận, trải qua những năm tháng chiến đấu, tôi may mắn được trở về tiếp tục học tập, công tác và thành công có được trong khoa học là nhờ sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, đồng đội. Đó là điều mà tôi không bao giờ và không được lãng quên.

Từ năm 1970-1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ. Trong ảnh: Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11-7-1969. (Ảnh tư liệu/TTXVN)
Từ năm 1970-1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ. TRONG ẢNH: Lễ xuất phát của đoàn thanh niên xung phong Hà Nội lên đường chống Mỹ, cứu nước, tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 11-7-1969. (Ảnh tư liệu/TTXVN)

Sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Mỹ tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khốc liệt làm thực lực cách mạng bị tổn thất nặng nề, thế và lực cách mạng suy giảm nghiêm trọng. Năm 1970, chiến tranh lan ra toàn cõi Đông Dương. Miền Bắc - hậu phương lớn không chỉ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, mà còn chi viện cả sức người, sức của cho nhiệm vụ quốc tế. Hạt gạo miền Bắc phải chia tư, người nông dân miền Bắc được quán triệt tinh thần “đánh đến úp nồi vẫn đánh”.

Xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ

Trước khí thế hào hùng của cả non sông, do yêu cầu của chiến trường, chúng tôi - những sinh viên đại học thấy mình đến lúc phải “xếp bút nghiên” lên đường ra trận thông qua những lá đơn xin nhập ngũ. Đầu tháng 9-1971, chúng tôi nhận được quyết định của Khu đội Hoàn Kiếm gọi nhập ngũ. Số đi nghĩa vụ lúc ấy rất đông, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có khoảng 350 người từ năm thứ nhất đến năm thức ba. Riêng khoa Sử và Văn ở Mễ Trì chỉ có năm thứ nhất và hai. Trước ngày nhập ngũ, lãnh đạo khoa Sử có buổi gặp mặt động viên số sinh viên lớp G1, K15; lớp G2, K14 của khoa Sử nhập ngũ đợt này. Trong lời căn dặn của PTS. Phan Hữu Dật - Trưởng khoa, tôi mãi nhớ câu: Muốn viết lịch sử, trước hết, phải làm nên lịch sử. Đây là “tuyên ngôn” về sử học đối với chúng tôi, những người tạm xếp bút nghiên để cầm súng, nó không chỉ theo tôi trong thời gian ở quân ngũ mà đã theo tôi suốt cuộc đời.

Sáng 6-9-1971, tại khu Thượng Đình, Ban giám hiệu, Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp tổ chức lễ giao quân long trọng. Phát biểu ý kiến dặn dò chúng tôi trước lúc nhập ngũ, thầy Hiệu trưởng, GS. Ngụy Như Kon Tum nói về trách nhiệm, nghĩa vụ và vinh dự của thanh niên khi Tổ quốc cần. Ông động viên chúng tôi phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và hẹn sau ngày chiến thắng sẽ long trọng đón anh em trở về trường tiếp tục học tập.

Đợt nhập ngũ ngày 6-9-1971, hơn 3.500 sinh viên tất cả các trường đại học toàn miền Bắc nhập ngũ. Phần lớn họ được huấn luyện ở Sư đoàn 325 - một sư đoàn ra đời từ vùng đất Bình Trị Thiên khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vùng trung du tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ (nay là tỉnh Bắc Giang), từ Tân Yên, Yên Thế đến Mai Xiu đông nghịt những người lính mới từ sinh viên năm thứ hai đến năm thứ tư, có cả hàng chục giảng viên, phó tiến sĩ. Trong bộ quân phục màu xanh lá cây với một số người còn rộng thùng thình, chúng tôi nhắc đến câu thơ của Vũ Cao mà lòng đầy tự hào, kiêu hãnh: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường. Sau này, nhà văn - cựu chiến binh Nguyễn Thế Tường nói về tâm trạng của những sinh viên chúng tôi nhập ngũ ngày ấy: Một chút tự trọng, một chút tự ái, một chút kiêu hãnh và quyết tâm, chúng tôi gác bút nghiên, khoác ba lô ra chiến trường, hình thành đội quân sinh viên, góp phần cùng cả dân tộc có ngày ca khúc khải hoàn!

Nhiều khó khăn, thử thách

Nửa cuối tháng 9-1971, đơn vị chúng tôi hành quân bằng tàu quân sự đến Thái Nguyên, sau đó xuống Ga Mỏ Trạng, huyện Yên Thế và về đóng quân ở xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc để huấn luyện. Chúng tôi bước vào huấn luyện chiến đấu, làm nhiệm vụ của người lính, từ học chính trị, tập điều lệnh, bắn súng bài một, bài hai và tập đánh mục tiêu công sự. Sau khi hoàn thành bắn đạn thật bài một, chiến sĩ nào bắn được 30 điểm thì được thưởng 3 ngày phép.
Sau hơn 2 tháng huấn luyện ở vùng rừng núi, trung du, cuối tháng 11-1971, chúng tôi được chuyển về các quân binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đến các chiến trường và cả làm nhiệm vụ quốc tế.

Những ngày cuối tháng 11, có 100 tân binh được chuyển sang quân chủng Phòng không - Không quân, ưu tiên sinh viên năm thứ hai và ba. Trong danh sách 100 người được chuyển binh chủng lúc đó có tên tôi. Chiều 30-11, sau cơm chiều, chúng tôi chia tay anh em trong đại đội, chuẩn bị hành quân vào Thanh Hóa. Đơn vị mới là một trung đoàn pháo phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng và cầu Tào Xuyên (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), tôi được biên chế vào tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly - một đơn vị cơ động của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Sau Tết Nhâm Tý (1972), khi tàu quân sự chở bộ đội Sư đoàn 325 vào Nam, khi qua địa phận Thanh Hóa, tàu chạy ngang qua trận địa đại đội 7 tiểu đoàn 9 ở đồi Không tên (phía nam cầu Hàm Rồng), anh em trên tàu gọi to và vẫy tay tạm biệt chúng tôi để vào chiến trường. Chúng tôi cũng không biết rằng đó là buổi chia tay và những kỷ niệm cuối cùng.

Thử thách khốc liệt đầu tiên đối với thế hệ lính sinh viên là khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai vào năm 1972, thả ngư lôi phong tỏa cảng Hải Phòng, sử dụng thành quả mới nhất về khoa học là tia lazer để ném bom bắn phá miền Bắc. Trong cuộc chiếu đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, binh nhất Huỳnh Văn Thái, sinh viên năm hai Đại học Nông nghiệp I cùng 7 đồng đội hy sinh ở Hàm Rồng - Nam Ngạn ngày 16-4-1972.

Cuối tháng 9-1972, tiểu đoàn của tôi được lệnh hành quân vào chiến trường B3 (Tây Nguyên). Tôi vào chiến trường Tây Nguyên đầu năm 1973, nhưng thời kỳ đó vật lộn với bao khó khăn: đói, bệnh tật (sốt rét rừng) hoành hành, nhiều người hy sinh vì sốt rét. Năm 1974, đơn vị tôi làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông ở vùng Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Đầu năm 1975, tôi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với hai chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đơn vị tôi trong đội hình binh chủng hợp thành đánh Đức Lập (9-3-1975), sau đó đánh Buôn Mê Thuột, và tiến về giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ngày 2 và 3-4-1975.

Đóng quân ở Cam Ranh một tuần, chúng tôi hành quân theo đường rừng xuyên qua khu căn cứ Bác Ái, Ninh Thuận (vì lúc đó Phan Rang - Tháp Chàm chưa giải phóng) ngược lên Đà Lạt rồi về Gia Nghĩa (bây giờ là Đắk Nông), xuôi Phước Long, Tây Ninh để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26 đến 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn trên cánh quân phía tây, từ Đồng Dù, theo đường 22 về Hóc Môn, Ngã tư Bảy Hiền, sân bay Tân Sơn Nhất.

Thực hiện ước mơ khoa học

Sau ngày Giải phóng miền Nam,thống nhất đất nước, thời kỳ này sinh viên trở lại trường đại học đông, đến ngày 6-9-1976, tôi mới được nhận tiếp nhận trở về trường tiếp tục học tập. Khi đó, tôi mới biết tin cả bốn bạn Lê Văn Doan, Phan Sĩ Tài, Nguyễn Xuân Toản, Trần Anh Tuấn đã hy sinh ở Mặt trận Quảng Trị năm 1972 trong cuộc chiến đấu để giữ Thành cổ 81 ngày đêm, từ ngày 28-6 đến 16-9-1972.

Trở về tiếp tục học tập với sinh viên khóa XX, đến cuối năm 1979, tôi tốt nghiệp và ngày 1-4-1980 nhận công tác tại Trường Nguyễn Ái Quốc 4 (Học viện Chính trị khu vực III) cho đến nay.

Từ một sinh viên gác lại bao ước mơ và hoài bão để “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, sau chiến tranh, tôi trở về tiếp tục thực hiện ước mơ khoa học của mình. Năm 1985, sau khi đỗ nghiên cứu sinh và học ngoại ngữ ở Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); từ năm 1976-1990, nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1990, bảo vệ luận án phó tiến sĩ, năm 2003 được phong phó giáo sư.

Trong chặng đường 50 năm, từ một sinh viên của khoa Sử khóa 15, giữ lời hứa với thầy cô, bạn bè và cả chính mình trước khi nhập ngũ, tôi đã nỗ lực không ngừng. Khi viết những dòng này nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhập học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-2020), tôi không cầm được nước mắt. Tôi luôn nhớ các bạn, các đồng đội của tôi và tri ân hàng triệu đồng bào, đồng chí đã ngã xuống để dân tộc được độc lập, tự do. Từ một quân nhân, anh “Bộ đội cụ Hồ”, được tôi luyện và trưởng thành qua những năm tháng chiến đấu ở chiến trường, tôi may mắn được trở về tiếp tục học tập, công tác và thành công có được trong khoa học là nhờ sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, đồng đội. Đó là điều mà tôi không bao giờ và không được lãng quên. 

PGS.TS TRƯƠNG MINH DỤC

;
;
.
.
.
.
.