Thiết bị điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người. Tại Đà Nẵng nói riêng cũng như Việt Nam nói chung, rác điện tử đang được thải ra chủ yếu từ các hộ gia đình, hầu hết được các vựa ve chai thu gom. Và việc xử lý không đúng cách loại rác đặc biệt này sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Người dùng thường liên tục thay đổi máy tính và có xu hướng giữ lại hoặc nhượng lại máy tính cũ cho người cần. Ảnh: MAI HIỀN |
Chủ yếu bán ve chai
Tại Đà Nẵng, các vựa ve chai có thể xem là điểm “quá giang” sơ chế một lần của rác điện tử để đi đến các điểm khác. Bà N., chủ một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) cho biết: “Ngoài các loại phế liệu như giấy, nhựa, nhôm, sắt… tôi còn thu mua tivi, máy in… cũ, hư hỏng về rồi cho công nhân bóc tách, phân loại nhựa, đồng, nhôm, bo mạch để bán”. Chị Trương Thị Thu Huyền (ngụ xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho hay: “Chiếc máy tính đầu tiên của tôi được mua cách đây 5 năm. Hiện tôi đã mua máy tính mới nhưng vẫn giữ lại máy cũ để thỉnh thoảng sử dụng.
Với các thiết bị điện, điện tử nói chung như tivi, nồi cơm điện… đã quá cũ, dù còn dùng được hay không thì gia đình tôi đều cất vào kho với những vật dụng có giá trị tinh thần, còn lại thì bán cho những người mua đồ điện cũ”. Vốn tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, chị Huyền hiểu tác hại của rác điện tử nếu không được xử lý đúng cách.
Còn với chị Nguyễn Lê Cẩm Tú (ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), khi những thiết bị, đồ dùng điện, điện tử trong gia đình quá cũ, chị sẽ nhượng lại hoặc cho những người cần, còn không sử dụng được nữa thì bán cho ve chai. Riêng với máy tính, khi đổi máy cũ đã sử dụng 7 năm qua máy mới, chị vẫn giữ máy cũ trong thùng carton vì không nỡ bán. Chị Tú chia sẻ: “Tôi biết rác thải điện tử là những đồ dùng điện, điện tử đã cũ, không còn sử dụng được nữa và bị con người bỏ đi. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu sâu về tác hại của nó nếu bị bỏ bừa bãi ra môi trường”.
Ảnh hưởng đến con người và môi trường
Hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, cadmium, bari, các chất chống cháy... Các chất này nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng toàn diện tới con người và môi trường, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Khi chất thải điện tử bị phân hủy sẽ giải phóng các kim loại nặng độc hại như chì, asen và cadmium... vào đất, ngấm vào đất và nguồn nước sẽ ảnh hưởng xấu đến cây cối, hoa màu; hoặc giải phóng vào không khí thì gây ô nhiễm không khí, tăng hiệu ứng nhà kính. Nhiều loài động vật sinh sống dựa vào các nguồn nước nhiễm độc có thể bị bệnh, gây ra sự mất cân bằng trong hệ sinh thái. Nếu sử dụng nguồn nước này, trẻ em có thể bị dị tật bẩm sinh và người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe.
Theo bà Mai Thị Thu Hằng, đại diện quản lý chương trình Việt Nam Tái chế: “Rác thải điện tử là loại chất thải vô cùng độc hại, nếu chúng ta bỏ rác điện tử cùng rác sinh hoạt hoặc rác điện tử được tháo dỡ bởi những người thực hiện không chuyên nghiệp thì nguy cơ những chất thải độc hại này sẽ thấm vào đất, nước và không khí. Điều này tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống con người.
Tuy nhiên, việc tái chế sẽ giúp chúng ta giảm lệ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Kim loại, nhựa và thủy tinh chứa trong các thiết bị có thể được tái sử dụng nếu được thu hồi hợp lý bằng phương pháp tái chế”. Bà Hằng cũng bày tỏ ý kiến: “Chính phủ Việt Nam cần có thêm quy định và chế tài rõ ràng trong việc thu hồi và tái chế rác thải điện tử nhằm thúc đẩy việc phát triển hệ thống thu hồi hiệu quả hơn trong tương lai”.
Th.S Võ Diệp Ngọc Khôi, giảng viên bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng bày tỏ: “Rác thải điện tử là cơn ác mộng của những nước phát triển. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy giải quyết vấn đề này không chỉ là chuyện của chính quyền, người dân, mà bắt buộc phải có vai trò của nhà sản xuất.
Cần xác định trách nhiệm của các nhà sản xuất sản phẩm điện tử trong việc quản lý vòng đời của sản phẩm. Các ban, ngành liên quan cần sát sao hơn trong việc kiểm soát, quản lý, xử phạt các cơ sở thu gom, xử lý rác thải nói chung, rác điện tử nói riêng; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác hại của rác điện tử đối với môi trường, từ đó chủ động, tích cực hợp tác trong việc xử lý”.
Theo Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” được Liên Hợp Quốc công bố, trong năm 2019, toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất: khoảng 24,9 triệu tấn. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030, trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn. (Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam) |
MAI HIỀN