Trong giai đoạn 2015-2020, hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng tăng trưởng đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt khoảng 1,630 tỷ USD, tương đương năm 2019; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,683 tỷ USD, trung bình tăng 5,9%/năm. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch tích cực từ nhóm hàng nông sản, thủy sản sơ chế, thô sang nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
Chuyến tàu container STRIDE mang Teu thứ 500.000 đến Cảng Đà Nẵng ngày 4-12-2020. (Ảnh do Cảng Đà Nẵng cung cấp) |
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp (DN) thành phố duy trì, khai thác tốt các thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới. Đến nay, hàng hóa của DN Đà Nẵng đã xuất khẩu đến khoảng 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cơ cấu thị trường xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020: Nhật Bản chiếm 30 - 35%, Mỹ chiếm 17 - 20%, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 15-16%, Trung Quốc chiếm 10-11%... trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, vẫn còn nhiều tồn tại cần tập trung khắc phục như cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, chậm xuất hiện những mặt hàng xuất khẩu mới, các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng còn thấp; công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ DN địa phương còn nhiều hạn chế; công tác đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực nói chung chưa đáp ứng được đòi hỏi cả về số lượng lẫn chất lượng; năng lực cạnh tranh của DN nói chung và mặt hàng xuất khẩu của thành phố nói riêng còn hạn chế. Theo đó, cần có một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa ở Đà Nẵng đến năm 2025, bảo đảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 7-8%/năm.
Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu
Cần tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao (CNC), Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đi đôi với việc tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNC, công nghiệp hỗ trợ; triển khai xã hội hóa hoạt động dịch vụ logistics; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh việc tham gia cung cấp dịch vụ logistics của các nhà đầu tư có kinh nghiệm và hệ thống quản lý tốt trong lĩnh vực này; đầu tư, mở rộng kho bãi chứa hàng, trang bị các phương tiện bốc dỡ hiện đại, công suất lớn; nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, theo dõi hàng xuất, hàng nhập; hình thành các khu, kho dịch vụ logistics (Trung tâm Logistics với diện tích 20ha tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang; Trung tâm Phân phối hàng hóa Đà Nẵng với diện tích 50ha…) phục vụ hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất; xây dựng mức giá hợp lý như cước phí qua cảng, kho bãi, cước phí vận tải... góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh cho hàng hóa của thành phố.
Tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ xuất khẩu. Cải tạo, nâng cấp cảng Đà Nẵng, cảng Tiên Sa; xây dựng mới cảng Sơn Trà (thay thế cho cảng Sông Hàn đã được chuyển đổi thành cảng du lịch), cảng Liên Chiểu; nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng, di dời và xây dựng ga đường sắt mới. Hình thành sự liên kết giữa các loại hình vận tải nhằm khai thác và tận dụng ưu thế của mỗi loại hình vận tải trong từng khu vực. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư cơ sở kỹ thuật, hệ thống xử lý chất thải, nước thải bảo đảm yêu cầu về môi trường trong quá trình sản xuất.
Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại
Về thị trường, tập trung đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại để phát triển xuất khẩu, xây dựng thiết kế các chương trình xúc tiến chất lượng, hiệu quả cao, theo từng ngành hàng, tập trung vào một số thị trường trọng điểm mà trọng tâm là thị trường EU; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại giữa Đà Nẵng với các địa phương và các quốc gia; tăng cường công tác thông tin dự báo về tiềm năng, cơ hội thị trường, chú trọng tận dụng ưu đãi từ các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia; đẩy mạnh kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu, hình thành mạng lưới liên kết DN thương mại - dịch vụ - vận tải; nghiên cứu đưa hàng của thành phố tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của các siêu thị lớn ở châu Âu; thí điểm triển khai mô hình cơ quan xúc tiến thương mại thành phố ở nước ngoài nhằm chủ động trong phát triển hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; khuyến khích hình thức hợp tác giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm khai thác thế mạnh về vốn, mặt bằng, kinh nghiệm quản trị hiện đại của các nhà bán lẻ nước ngoài để đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước.
Về tài chính, chú trọng các chính sách ưu tiên hỗ trợ vốn cho DN đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Các chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai và khuyến khích các DN tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; hằng năm ưu tiên dành vốn tín dụng để đầu tư cho các đối tượng: DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu. Giải quyết nhanh thủ tục khai báo hải quan, áp dụng hải quan điện tử cho hàng hóa xuất khẩu. Thực hiện tốt việc hoàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu tương ứng với tỷ lệ sản phẩm thực tế xuất khẩu và không thu thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu và các chính sách thuế khác theo quy định hiện hành.
Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực
Triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030; trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo lực lượng công nhân lành nghề và đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao phục vụ Khu CNC và Khu Công nghiệp CNTT tập trung. Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với DN. Chú ý “đào tạo theo dự án”, đào tạo “đón đầu các dự án”; chủ động trong việc nắm bắt thông tin đón đầu các dự án. Tăng cường phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho DN để tận dụng các ưu đãi trong cam kết quốc tế và có biện pháp chủ động phòng tránh các hàng rào kỹ thuật trong thương mại để phát triển xuất khẩu hiệu quả. Nâng cao năng lực quản trị chất lượng, quản trị công nghệ, quản trị đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cho các DN công nghệ vừa và nhỏ.
Về tổ chức bộ máy và phát triển nhân sự, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước, đào tạo đội ngũ các chuyên gia tư vấn chính sách và chuyên gia kinh tế, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước; đổi mới, hiện đại hóa nền hành chính và thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính có năng lực, hiệu quả. Xây dựng cơ chế đặc thù, đẩy mạnh thực hiện các chế độ, chính sách và các ưu đãi khác của thành phố như có chế độ lương, thưởng thỏa đáng và một số chính sách ưu tiên đặc biệt, nhằm nâng cao năng lực hoạt động lao động sáng tạo thông qua quy hoạch, quản lý, sử dụng lao động để thu hút nhân tài, nhân tài nỗ lực cống hiến, tránh tình trạng làm thui chột hay nhân tài tìm hướng ra đi sau khi đã về thành phố công tác.
Kim ngạch xuất khẩu thành phố đang dần có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Cùng với đó, xu thế hội nhập đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, với đặc điểm các DN thành phố đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, còn nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, có nhiều hạn chế về kinh nghiệm quản lý và hiểu biết về thị trường thế giới cũng như thông lệ quốc tế, việc đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu và tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của thành phố vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và đặc biệt là EU (vốn rất khó tính) sẽ còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Do đó, chính quyền thành phố phải là giá đỡ, tạo nền tảng và tiền đề giúp DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, gia tăng xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là thị trường EU, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa nói riêng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thành phố nói chung.
TS. LÊ ĐỨC VIÊN