Giáo dục - buồn từ chuyện đề thi

.

Dư luận vẫn chưa thôi bàn tán về đề thi chọn học sinh giỏi (HSG) văn lớp 9 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội với nhiều cung bậc cảm thán: “choáng”, “sốc”, “muốn khóc”.

Với thang điểm 20, phần 1 (6 điểm) là một đoạn trích được dịch từ tác phẩm nước ngoài. Theo đó, một cô bé đi học về muộn, giải thích với mẹ rằng phải dừng lại trên đường để giúp một bạn bị hỏng xe đạp. Trả lời câu hỏi “Nhưng con đâu biết sửa xe?”, cô bé nói: “Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”. Đề thi yêu cầu viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự “khóc giùm”. Phần 2 (14 điểm) dẫn một đoạn trích trong sách Lý luận văn học: “Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem là “chủ ngữ”, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là “vị ngữ”. Đề thi hỏi: “Em hiểu như thế nào về nhận định trên?”…

Tôi đọc đề thi mà… toát mồ hôi, vì quá khó, nhất là phần 2. Ngay cả học sinh giỏi (HSG) văn lớp 12 cũng không chắc làm được, nói gì trình độ lớp 9.

Chợt nhớ, tầm 7 năm trước, Phòng GD&ĐT huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) ra đề thi chọn HSG văn lớp 6, trong đó câu chính trích một đoạn từ bút ký Cô Tô của nhà văn Nguyễn Tuân, yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận. Phong cách viết ký văn học của Nguyễn Tuân hẳn nhiều người biết “phức tạp” cỡ nào, người ra đề lại chọn đoạn trích khó hiểu nhất trong Cô Tô, khiến học sinh lớp 6 giỏi đến mấy cũng phải ngồi cắn bút.

Đành rằng mục đích của câu hỏi khó là gạn đục khơi trong nhằm chọn được HSG nhưng ra đề thi quá hóc búa như vậy để làm gì? Hai yêu cầu cơ bản của đề thi là phải vừa sức thí sinh và có trọng tâm. Khi thí sinh bất lực trước câu hỏi thì sẽ viết lan man, mất hẳn cảm xúc chân thật, không còn là “trình bày suy nghĩ của em” nữa mà là viết theo ý muốn của thầy cô chấm bài, cốt để có điểm. Làm thế là giết chết mục tiêu dạy và học môn văn, là khai tử tình yêu trong sáng của học sinh đối với văn chương.

Người viết bài này cũng nhiều lần thi HSG văn, từ cấp huyện, tỉnh đến quốc gia. Hồi 25-30 năm về trước, đề thi thường không thiên về phần nghị luận xã hội, tức là các vấn đề thời sự của cuộc sống chưa được đưa vào đề nhiều và phổ biến như bây giờ. Dung lượng chính của đề thi nằm trong “hệ sinh thái” văn chương, dữ liệu và câu hỏi thường rất sâu sắc, giàu tình cảm, khơi gợi nhiều cảm xúc, khiến thí sinh dễ thả hồn theo câu chữ. Còn bây giờ, dường như nhiều người cố tình ra đề thật khó, chưa hẳn vì mục đích phân hóa - chọn lọc thí sinh mà để chứng tỏ mình giỏi, cao siêu, khác người. Tư duy ra đề kiểu như vậy là đánh đố học sinh. Các em sẽ bị triệt tiêu sáng tạo, kém động não, dựa vào ăn may.

* * *

Cũng phải bàn đến chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ của đề thi nữa, nhất là đề thi văn. Vậy mà, mới đây, một trường THCS ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ra đề thi văn lớp 9 cuối kỳ năm học 2020-2021 có nội dung và hàm ý khá dung tục. Dữ liệu là truyện dân gian “Cắn răng mà chịu”, sau đó yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi theo truyện. Nội dung: “Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu “Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu”. Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”.

Thật, cạn lời với ngữ liệu được chọn này! Nó vừa nhạy cảm, vừa thô tục, vừa bày dạy người ta thói lừa bịp, trí trá…; thế mà lại “áp” vào đối tượng cảm thụ là học sinh đang tuổi mới lớn. Đại văn hào Nga Maxim Gorki đã đúc kết: “Văn học là nhân học”. “Nhân” ở đây chẳng đơn thuần là thực-thể-sinh-học mà là tâm hồn, tấm lòng, bản chất, phẩm giá tốt đẹp của con người. Học văn là học làm người, là để sống tốt. “Văn chương là người thầy dạy ta và đồng thời cũng là tấm gương để ta tự soi mình”, đẹp đẽ là vậy, chứ có đâu đến với văn chương để rồi bị tha hóa, bị tăm tối tâm hồn. Thế thì còn ai yêu văn chương nữa, làm sao “đất nước hóa thành văn” được?!

Đáng buồn hơn là, riêng vụ ở Chư Sê, Phòng GD&ĐT huyện này đã yêu cầu giáo viên soạn đề phải giải trình, làm kiểm điểm. Đề thi cho cả khối 9 của một trường đâu phải chỉ do một người tự quyết, ít nhất là phải thảo luận trong tổ bộ môn, lãnh đạo nhà trường duyệt, thậm chí phải nộp về Phòng GD&ĐT địa phương thẩm định để quyết định. “Dùi đánh đục, đục đánh săng/ Đánh đòn lý trưởng thì văng cả làng” - muốn xử lý những ai mắc sai sót thì cứ bám theo quy trình mà truy là rõ, chứ đổ lỗi cho một người như thế này có khác nào né tránh trách nhiệm.

Ngành GD&ĐT đang tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương. Chính những người trong ngành giáo dục từ nhà quản lý đến từng giáo viên phải tiên phong đổi mới trước đã. Như chuyện ra đề thi kể trên, một khi đề thi chỉ thỏa mãn được cái tôi của ai đó ắt là đề thi thất bại, nghĩa là cuộc sàng lọc đó cũng thất bại, dẫn tới hoạt động dạy và học tiếp theo cũng đi sai đường.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.