Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn hiện nay còn lưu dấu rất nhiều bút tích của các bậc tiền nhân, trong đó có hệ thống ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) đang được giới chuyên môn lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Di sản tư liệu thế giới.
Các bia ma nhai được khắc trên các hang động Ngũ Hành Sơn.Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có, mà từ xa xưa ngay sau khi cuộc Nam chinh năm 1471 của vua Lê Thánh Tông, vùng đất này đã sớm định hình là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt. Ngũ Hành Sơn còn là một quần thể di tích văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, bao gồm một phức hợp di tích danh thắng với các ngôi cổ tự danh tiếng một thời: Thái Bình, Vân Phong, Phổ Đà, Bình An, sau này là Tam Thai, Linh Ứng, Từ Tâm, Tam Tôn, cùng với hệ thống hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Ngoa Nghiêm, Vân Không.
Có thể nói, bia ma nhai Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, lưu lại trên hệ thống bia ký qua nhiều đời chúa Nguyễn, đánh dấu một nét son đáng tự hào, trên bản đồ ma nhai Việt Nam. Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn gồm 6 ngọn núi đá vôi, Thiên Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa quần thể danh sơn này từng có tên là Ngũ Chỉ Sơn tức 5 ngón tay của Phật, hay Ngũ Uẩn Sơn 5 thành tố cấu thành thanh tâm con người theo quan niệm Phật giáo, ngày nay cái tên cổ này vẫn được lưu lại trên bia đá Ngũ Uẩn Sơn.
Qua khảo sát văn bản ma nhai hiện lưu tại 5 hang động thuộc Ngũ Hành Sơn, bước đầu thống kê cho thấy hiện có hơn 90 văn bản. Các văn bia ma nhai này chủ yếu trên vách các hang động trong ngọn Thủy Sơn, gồm: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham và Âm Phủ. Trong đó, động Huyền Không có đến 60 văn bản, động Tàng Chơn có 20 văn bản, động Vân Thông 2, động Linh Nham 3, động Âm Phủ 3 và vị trí khác có 3 văn bản. Xét về ngữ nghĩa ma là mài giũa, nhai là vách núi. Theo đó, ma nhai là một loại hình thạch thất mà về nội dung, phương thức chế tác đó là những áng văn được khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên.
Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huỳnh Văn Hùng cho biết, so với các địa phương khác trong cả nước, hệ thống văn khắc Hán Nôm trên các hang động của Ngũ Hành Sơn vượt trội về số lượng, đa dạng về thể loại, đặc biệt về tác giả có nhà vua, đại thần, các danh nhân, các nghệ sĩ nổi tiếng của 3 vùng Nam Trung Bắc. Tìm hiểu văn khắc Hán Nôm, chúng ta có thể tìm hiểu được lịch sử phát triển của một vùng đất, của xứ Đàng trong và sự phát triển đời sống, văn hóa tín ngưỡng của vùng đất này. Ngoài hệ thống ma nhai, Ngũ Hành Sơn hiện còn lưu giữ khá nhiều hoành phi - liễn đối, chuông, tượng, pháp khí liên quan đến văn hóa Phật giáo, đặc biệt vai trò của vua Minh Mạng trong phát triển văn hóa Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, những đợt khai quật khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật gắn với văn hóa Chăm.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1980, trải qua 40 năm nhân dân thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng ra sức gìn giữ và nâng cấp danh thắng này với tất cả niềm tự hào đối với một báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng, đồng thời là nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ta đã dày công gầy dựng và trao truyền lại cho đời sau. Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia đặc biệt. Gần đây nhất, ngành văn hóa thành phố đang xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Quốc gia chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa ma nhai Ngũ Hành Sơn vào Danh mục ký ức quốc gia, đồng thời đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thế giới.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thông, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, hiện vẫn còn rất nhiều văn bia, tuy không còn sáng rõ, toàn diện nguyên vẹn như ban đầu, nhưng vẫn cung cấp đầy đủ về cơ bản các nội dung, cũng như giúp cho các nhà nghiên cứu khai thác một cách tốt nhất các tư liệu dưới góc độ sử liệu và mang giá trị lịch sử to lớn. Có thể nói mỗi tư liệu văn khắc Hán Nôm trên vách đá, hang động ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có thể được xem là một tác phẩm nghệ thuật, tiêu biểu là hai tác phẩm Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc và Phổ Đà Sơn linh trung Phật, cả hai bia này có niên đại vào thế kỷ thứ XVII sớm nhất trong số các bia hiện có ở đây. Mang đậm dấu ấn thời chúa Nguyễn, và đặc biệt hơn hai bia này có ý nghĩa rất lớn về mặt sử liệu là mốc thời gian quan trọng của quá trình phát triển Phật giáo của Việt Nam thời bấy giờ.
Giá trị rất lớn của hai văn bia này là cho phép khẳng định rằng sự lưu truyền, sự truyền bá của Phật giáo Đại Việt từ Đàng ngoài đi vào Đàng trong và vẫn tiếp tục cái mạch nguồn của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Phật giáo dân tộc truyền từ ngoài Bắc vào, nó tạo ra một tâm thế về mặt văn hóa, cho người Việt ở trên vùng đất mới, trước khi các thiền sư Trung Hoa vào đàng trong một cách có thể nói là nhộn nhịp, vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII…
Nguồn di sản văn khắc này là minh chứng sinh động cho thấy Ngũ Hành Sơn như một lực hút đối với đông đảo các bậc trí thức và quan lại thế kỷ thứ XIX đến thế kỷ XX, cho đến nay nó vẫn mang vẻ đẹp đầy ma mị, của một trong những núi non, hang động hiểm trở do tạo hóa ban tặng cho vùng đất Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung.
PHƯƠNG UYÊN