Nhật Bản quyết tổ chức Olympic

.

Các vòng tròn Olympic đã được hình thành. Đồng hồ đếm ngược đã được đặt trở lại cho người qua đường biết Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sắp bắt đầu.

Vòng tròn biểu tượng của Olympic Tokyo tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Vòng tròn biểu tượng của Olympic Tokyo tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Thế vận hội ban đầu được lên kế hoạch năm 2020 ở Tokyo, song bị hoãn đến mùa hè năm nay. Trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo Yoshiro Mori tuyên bố: Nhật Bản quyết đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm nay, dù Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ông nhấn mạnh, nước chủ nhà và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn liên lạc chặt chẽ với nhau để bàn các phương án tổ chức.

“Chúng tôi sẽ tổ chức Olympic, bất kể Covid-19 như thế nào”, ông Mori phát biểu trong cuộc họp với Ủy ban Nghiên cứu thể thao Nhật Bản. Theo ông, vấn đề đối với Olympic Tokyo là sự kiện này sẽ được tổ chức như thế nào, chứ không phải có diễn ra hay không.

Hồi tháng 1-2021, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục chuẩn bị cho việc tổ chức các thế vận hội. Ông Suga cho hay, chính phủ đang phối hợp với IOC và các tổ chức khác để nghiên cứu các biện pháp phòng, chống Covid-19 nhằm bảo đảm Olympic Tokyo và Paralympic Tokyo sẽ diễn ra an toàn. Văn phòng nội các Nhật Bản cũng xác nhận việc sẵn sàng cho “sự kiện thể thao an toàn và bảo đảm an ninh ngay cả khi không có điều kiện tiêm vắc-xin”.

Olympic Tokyo dự kiến diễn ra từ ngày 23-7 đến 8-8. Paralympic Tokyo được tổ chức từ ngày 24-8 đến 5-9. Tổng chi phí của chính phủ Nhật Bản dành cho việc tổ chức 2 sự kiện này có thể sẽ lên tới hơn 390 tỷ yen (khoảng 3,76 tỷ USD).

Vấn đề là người dân Nhật Bản dường như đang quay lưng với việc tổ chức Olympic vào mùa hè năm nay. Khảo sát gần đây của Kyodo News cho thấy khoảng 80% số người được hỏi muốn hủy hoặc hoãn sự kiện này.

Một khó khăn nữa, theo ông Satoru Arai, Giám đốc Hiệp hội Y tế Tokyo (TMA) của Nhật Bản, các y, bác sĩ đang ứng phó với làn sóng thứ 3 của Covid-19 và không thể tham gia phục vụ kỳ Olympic tới. Ủy ban Tổ chức Olympic và chính quyền thủ đô Tokyo đã đề nghị TMA bố trí hơn 3.500 nhân viên y tế phục vụ Olympic Tokyo và mới đây đã yêu cầu số nhân viên y tế lên đến 10.000 người.

Tuy nhiên, số ca lây nhiễm ở Tokyo tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2021 khiến đội ngũ nhân viên y tế luôn hoạt động trong tình trạng quá tải. TMA cho rằng, việc tổ chức Olympic không có khán giả sẽ giảm gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế.

Nhiều nước bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho các vận động viên tham dự Olympic Tokyo. Ông Thomas Bach, Chủ tịch OIC, khuyến khích các vận động viên, ban tổ chức và người có ý định tham dự Olympic Tokyo nên tiêm phòng trước ở quê nhà, theo hướng dẫn tiêm chủng quốc gia trước khi đến Nhật Bản. Song, giới chức Nhật cho rằng, điều này là không cần thiết vì xứ sở hoa anh đào “đang chuẩn bị một giải đấu hoàn hảo mà không cần đến vắc-xin”.

Đài NHK và nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đều đưa tin chính phủ nước này có kế hoạch bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 5-2021, tức là chỉ 2 tháng trước khi diễn ra Olympic Tokyo. Theo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản đặt mục tiêu đến tháng 7, tất cả người dân nước này sẽ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trước thời điểm diễn ra Olympic.

Ủy ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo vừa công bố bộ quy tắc các biện pháp phòng, chống Covid-19 nhằm bảo đảm các thế vận hội này diễn ra an toàn. Theo đó, các quan chức thể thao sẽ không cần cách ly nhưng họ phải tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày sau khi đến Nhật Bản.

Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản, các quan chức sẽ phải thực hiện một loạt các quy tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, ở trong các khu vực được chỉ định và tuân thủ việc theo dõi tiếp xúc. Các quan chức sẽ được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ít nhất 4 ngày/lần, được xét nghiệm cả trước khi rời nước họ và khi nhập cảnh vào Nhật Bản...

HOÀNG ĐẶNG (theo The Guardian, Kyodo News)

;
;
.
.
.
.
.