Những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng cùng sự thiếu quan tâm của phụ huynh tạo kẽ hở có thể khiến học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo, trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy; nhiều gia đình rơi vào bi kịch mất con, mất hạnh phúc, khánh kiệt kinh tế vì con em mình sử dụng ma túy.
Nhiều thủ đoạn tinh vi tiếp cận giới trẻ
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương V. (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vừa trải qua những chuỗi ngày khó khăn khi cậu con trai đang học lớp 12 “dính” vào ma túy đá. Chị V. kể, tháng 5-2020, chị để ý mỗi ngày, cứ đến một giờ nhất định nào đó, dù đang bận việc gì, con cũng kiếm cớ đi khỏi nhà. Vốn miệng mồm lanh lợi, hay chia sẻ với ba mẹ, con bỗng thích ở một mình, không thích đi cùng ba mẹ. Khi chị bày tỏ nỗi lo lắng thì chồng gạt đi, cho rằng con đang ở “độ tuổi ẩm ương”, cư xử như vậy là bình thường, đừng làm quá lên! Đến một ngày, chị lục cặp con thì phát hiện một “gói lạ”, có màu hơi vàng, hăng hắc mùi xăng. Chị vào mạng tìm hiểu thì mới biết, loại keo này tên là keo con chó. Sau khi hít sẽ tạo cảm giác hưng phấn, ảo giác, lú lẫn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì nó có tính chất gây nghiện. Những chất có trong keo tác động lên hệ thần kinh làm trẻ em hay quên, chóng mặt, nhức đầu, ói mửa và khi sử dụng càng lâu thì tác hại càng nặng.
Đ.T (con trai chị V.) thú nhận với ba mẹ rằng, em mua loại keo này từ một nhóm kín trên mạng xã hội. Một số cá nhân (em không biết vì sao họ có nick Facebook của em?!) vào mời gọi dùng thử một số thứ như kẹo thuốc lá, nấm thức thần, bóng cười... Họ bảo các loại thuốc này không phải là ma túy, không gây nghiện, dùng 1, 2 lần nếu không muốn dùng nữa thì… thôi. Nó sẽ giúp em luôn trong tình trạng vui vẻ, hưng phấn. Điều này khiến em tò mò và… thử.
Những câu chuyện "người thật việc thật" về tội phạm ma túy từ các chiến sĩ công an đem lại hiệu quả tuyên truyền cao. TRONG ẢNH: Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Trường THPT Ngô Quyền. Ảnh: Q.T |
Trung úy Hoàng Tiến Dũng, Bí thư Chi đoàn Phòng Tham mưu, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, việc mời gọi các bạn trẻ dùng thử từ kẹo thuốc lá, nấm thức thần cùng nhiều loại ma túy khác đang được thực hiện tinh vi trên môi trường mạng xã hội. Đơn cử, “tem giấy” hay còn gọi là “bùa lưỡi” gây ảo giác đang được một bộ phận không nhỏ học sinh sử dụng. Núp bóng dưới con tem đặt lưỡi là loại ma túy gây ảo giác mạnh nhất hiện nay mà nhiều phụ huynh, học sinh chưa lường hết được.
Lần đầu chơi tem, cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Chỉ cần ngậm vào miệng, chất ở giấy sẽ tan ra tạo cảm giác “phê” thuốc. Ban đầu, cơ thể thấy hưng phấn, tinh thần sảng khoái, vui vẻ. Tuy vẫn còn tỉnh để nói chuyện với những người xung quanh, nhưng nói cái gì thì không nhớ rõ. “Đối tượng tội phạm buôn bán ma túy đánh đúng tâm lý tò mò, muốn khám phá bản thân của giới trẻ. Điều nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ dễ dẫn đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự. Khi quen cảm giác “phê” với ảo giác, các bạn trẻ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn”, Trung úy Hoàng Tiến Dũng nói.
Trọng tâm là phòng ngừa
Theo số liệu từ Công an thành phố Đà Nẵng, đối tượng phạm tội về ma túy ngày càng trẻ hóa (78,9% ở độ tuổi từ 18-30), chủ yếu không có nghề nghiệp và có sử dụng trái phép chất ma túy khi thực hiện tội phạm (chiếm 99%). Trung úy Hoàng Tiến Dũng cho hay, phòng ngừa tội phạm là không để tội phạm xảy ra, không để các thành viên xã hội chịu hình phạt của pháp luật, xã hội không phải gánh chịu hậu quả của tội phạm, các cơ quan pháp luật không tốn kém cho chi phí điều tra, khám phá, xử lý người phạm tội và điều quan trọng hơn là bảo đảm cuộc sống bình yên cho mọi công dân.
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 (ngày 13-11-2020), các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến sôi nổi về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Nhiều đại biểu nêu thực trạng số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp với nhiều hình thức, từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)... Trong khi đó, luật hiện hành chỉ quy định quản lý đối với người nghiện, không quy định quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Nếu bị phát hiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1 triệu đồng theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; và sau đó không có bất cứ chế tài quản lý nào đối với họ. Về vấn đề này, ông Lương Vĩnh Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng cho hay, thực tế, công tác phòng ngừa ma túy, phòng ngừa tội phạm mới là chính, chứ không chỉ đấu tranh, không chỉ bắt giữ, làm sao ngăn chặn, giảm được nguồn cung ma túy, tiếp đến làm giảm nguồn cầu, từ đó giúp người dân và cộng đồng xã hội nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của ma túy, nhất là đối với giới trẻ.
Đổi mới cách tuyên truyền
Để ngăn chặn vòi “bạch tuộc ma túy” len lỏi vào học đường, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của phụ huynh, học sinh về tác hại của các loại ma túy, nhất là ma túy mới và cách thức tiếp cận giới trẻ của các đối tượng buôn bán ma túy. Các năm trước, trong kế hoạch tuyên truyền được ban hành từ đầu năm, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phát hành hàng nghìn cuốn sổ tay tuyên truyền kỹ năng phòng tránh ma túy trong học đường; treo hàng trăm băng-rôn và hơn 80.000 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy.
Năm 2020, lần đầu tiên Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội lập trang Facebook và xây dựng 2 phim ngắn về kỹ năng phòng tránh ma túy trong học đường. Chỉ trong thời gian ngắn phát sóng, bộ phim đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và tải về. “Hiệu ứng từ 2 phim ngắn khiến chúng tôi rất phấn khởi. Trong thời đại 4.0, không phương thức nào dễ tiếp cận giới trẻ hơn mạng xã hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố để tổ chức cuộc thi làm phim, phóng sự ngắn với chủ đề phòng tránh ma túy học đường cho lứa tuổi THCS, THPT. Khi là chủ thể tìm hiểu tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội, các em sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn về ma túy. Từ đó, chúng ta sẽ đạt được hiệu quả tuyên truyền”, ông Lương Vĩnh Thái nói.
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, nhiều năm nay, Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện “Trường học xanh, trường học không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội”; các phong trào “Nói không với ma túy, mại dâm”, “Tuổi trẻ chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội”. Tiếp tục phát huy hiệu quả cuộc vận động lớn trong nhà trường với chủ đề “Tất cả vì mái trường không có ma túy và các loại tội phạm” bằng hình thức phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: thi hùng biện, thuyết trình, văn nghệ, tiểu phẩm, thi tìm hiểu kiến thức, thi vẽ tranh cổ động, tranh biếm họa với nội dung phòng chống ma túy.
Trong quá trình tuyên truyền, tuyên truyền viên sử dụng phương pháp “cùng tham gia” để cán bộ, giáo viên, học sinh được hỏi, được trả lời về những vấn đề liên quan, nhằm làm tăng hiệu quả của việc tuyên truyền; đan xen “Đố vui có thưởng” xung quanh những kiến thức đã truyền đạt, tạo không khí sôi nổi, thu hút, lôi cuốn giáo viên, học sinh tham gia. Ngoài ra, các trường mời báo cáo viên là chính lực lượng Công an. Những thông tin về các vụ án, hậu quả của ma túy, những câu chuyện bên lề trong chuyên án của lực lượng Công an tạo sự thích thú, tin tưởng nơi các em, góp phần phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, đẩy lùi ma túy trong giới trẻ.
QUỲNH TRANG