ĐÀ NẴNG TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Đặt hàng nguồn nhân lực

.

Đầu tháng 3-2021, UBND thành phố Đà Nẵng công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025 với 57 dự án. Dưới tác động của Covid-19, thành phố xác định phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, làm nền tảng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin (CNTT)…

Tuy nhiên, bài toán nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao vẫn còn là thách thức đối với thành phố.

Chuyển dịch của các trường khối ngành STEM

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, nguồn nhân lực liên quan đến các ngành STEM: Khoa học (Science) - Công nghệ (Technology) - Kỹ thuật (Engineering) - Toán học (Mathematics), được nhắc đến là nhóm ngành tiềm năng, đặc biệt khi Việt Nam xác định công nghệ 4.0 là nền tảng phát triển của tương lai.

Nhu cầu về nhân lực phục vụ công cuộc đổi mới tăng đáng kể, nhất là khi các dự án phát triển liên quan đến công nghệ số mở ra tiềm năng phát triển ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ý thức được tầm quan trọng của ngành STEM, nhu cầu giáo dục, tạo ra nguồn lực cho khối ngành này được ưu tiên, đặt lên hàng đầu.

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt giáo dục đại học (ĐH) trước những thách thức rất lớn, các trường ĐH không thể dự đoán được những yêu cầu mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai do tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra quá nhanh.

Nhiều năm qua, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng phải thay đổi cả chương trình lẫn phương thức đào tạo. Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL) được đánh giá là phương pháp phù hợp giúp sinh viên (SV) áp dụng các kỹ năng liên môn, liên ngành để đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy.

Trước đây, chương trình đào tạo SV các môn học gần như riêng lẻ với nhau, SV học từng môn một và cuối khóa làm đồ án tốt nghiệp. Giảng viên phải dạy những kiến thức, kỹ năng căn bản nhưng số lượng kiến thức đó SV không thể áp dụng nhiều sau khi ra trường. Trong khi đó, có nhiều kiến thức khác các em lại không được học trong trường, nhiều kỹ năng ít được tập luyện như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu…

Dạy học theo dự án đặt SV vào những vai trò học tập tích cực như: giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. SV không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết các vấn đề thực tế.

Nghiên cứu khoa học cũng là cách sinh viên triển khai các ý tưởng mới, tiệm cận với yêu cầu từ sản xuất thực tế. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tham gia triển lãm Techshow 2021. Ảnh: H.N
Nghiên cứu khoa học cũng là cách sinh viên triển khai các ý tưởng mới, tiệm cận với yêu cầu từ sản xuất thực tế. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tham gia triển lãm Techshow 2021. Ảnh: H.N

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, hiện chương trình học một số ngành được bổ sung thêm các môn liên quan đến trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0; không chỉ đào tạo liên môn học, liên ngành, mà còn liên thông những ngành mang tính chuyển đổi số.

Ví dụ, ngành xây dựng, kiến trúc sẽ liên ngành với ngành điều khiển, cơ khí, hay cơ khí liên ngành với tự động hóa… Sau nhiều năm triển khai, trường có 14 ngành đào tạo chất lượng cao. Từ năm 2020, chương trình chất lượng cao đã lan tỏa sang chương trình đại trà khi trường có sẵn cơ sở vật chất, thiết bị và giảng viên.

“Học theo dự án, trường xác định quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, họ hỗ trợ SV trong đào tạo, thực hành, doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình học. Cũng từ khóa 2020, trường yêu cầu SV có chứng chỉ TOEIC 450 (đối với hệ cử nhân) và 600 (hệ kỹ sư), chú trọng kỹ năng tiếng Anh để SV có thể học trên slide…”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho biết thêm.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết, với khối ngành công nghệ cao, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường tăng 10% so với năm trước. Song, nhà trường chú trọng chất lượng hơn số lượng, để vài năm nữa có lứa kỹ sư tinh hoa đầu tiên phục vụ cho các ngành công nghệ cao của thành phố.

Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn cũng là đơn vị đào tạo bắt nhịp sớm yêu cầu nguồn lực chất lượng cao của xã hội. Trường hiện có nhiều chuyên ngành đào tạo về các lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, kinh tế số như: CNTT, Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, IoT & Robotics, Kỹ thuật máy tính, An toàn thông tin, Mạng máy tính, Thiết kế mỹ thuật số… PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng trường cho hay, năm nay, nhà trường dự kiến tuyển 1.200 chỉ tiêu cho các ngành/chuyên ngành trên. Đặc biệt, các chương trình đào tạo đều hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình giảng dạy, thực tập, đồ án…

Liên kết đào tạo 

Việc liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các tập đoàn công nghệ chính là hướng đi mà các doanh nghiệp lựa chọn để giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đầu năm 2019, đại diện Tập đoàn UAC Hoa Kỳ đã nhiều lần đến làm việc với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). UAC Việt Nam kết hợp việc tuyển dụng và triển khai đào tạo kỹ thuật lập trình gia công cho một số tân kỹ sư thuộc chuyên ngành cơ khí chế tạo của trường.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) triển khai mô hình Học kỳ doanh nghiệp, giúp SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế thông qua việc tham gia làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp hay cùng giảng viên giải quyết một vấn đề phát sinh trong dây chuyền sản xuất trên cơ sở đề cương hướng dẫn của giảng viên… Ngoài ra, giảng viên phải tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông qua làm việc tại doanh nghiệp. Đây là một giải pháp để giảng viên lấy kinh nghiệm thực tế cho bài giảng của mình.

Trong năm 2020, các tập đoàn lớn như FUJIKIN, LG, HITACHI ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo với các trường ĐH, cao đẳng tại Đà Nẵng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm đầu ra có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Để vận hành dự án “Fujikin Danang R&D Center” tại Khu công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng, FUJIKIN phối hợp với Trường ĐH Bách khoa đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sản xuất các chủng loại robot, thiết bị y tế tiên tiến thế hệ mới, sử dụng năng lượng hydro, công nghệ mới sử dụng LED, công nghệ mới liên quan đến thông tin và truyền thông, thành phố thông minh, vật liệu nano và vật liệu tiên tiến…

Hay mới đây, Trường ĐH Bách khoa và Hitachi Systems Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Phòng thí nghiệm công nghiệp số hiện đại đầu tiên tại Đà Nẵng, có thể đón SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc các khoa cơ khí, cơ khí giao thông, điện, điện tử viễn thông, CNTT, khoa học kỹ thuật tiên tiến, quản lý dự án… đến trải nghiệm công nghệ tự động hóa, số hóa mà các công ty toàn cầu đang sử dụng để thiết kế những sản phẩm tân tiến nhất hiện nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đồng hành với nhà trường ngay từ khâu thiết kế chương trình, mở ngành đào tạo mới, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cử chuyên gia hướng dẫn sinh viên thực hành, tiếp cận công nghệ ngay trên giảng đường”, ông Vũ chia sẻ. 

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho rằng, hiện nay sự phối hợp giữa một số trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng nhân lực còn hạn chế. Có thể nhìn nhận ở một số ngành nghề như cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo, cơ khí tự động hóa, điện tự động hóa, công nghệ sinh học (nano)… được đào tạo quá ít, không đủ so với nhu cầu doanh nghiệp.

“Để thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và nhu cầu tuyển dụng thực tế, doanh nghiệp nên chủ động liên hệ, đặt hàng đào tạo từ các trường ĐH, cho phép các chuyên gia, lao động lành nghề tham gia giảng dạy một số học phần để nâng cao tính ứng dụng, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”, ông Tỵ phân tích.

Hiện Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có 21 dự án đầu tư, trong đó 16 dự án đang xây dựng hoặc đi vào hoạt động, ông Trần Văn Tỵ dự báo sắp tới nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ còn thiếu nhiều. “Điều này đặt ra vấn đề chương trình đào tạo phải sát thực tế”, ông Tỵ nhấn mạnh.

Thị trường nhân lực các ngành công nghệ cao đang rộng mở, vấn đề còn lại là lựa chọn của phụ huynh và học sinh, đặc biệt là trước mùa tuyển sinh năm nay khi cơ hội chia đều cho tất cả mọi người.

Trong năm 2020, tỷ lệ lao động có trình độ phổ thông tại Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng là 70,17%, lao động trình độ đại học chiếm 9,5%, lao động trình độ trung cấp chiếm 6,01%, cao đẳng 6,48%.

Khảo sát của Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho thấy, lao động được đào tạo đúng chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng vẫn phải đào tạo lại, bổ sung kỹ năng trước khi chính thức nhận công việc.


HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích