![]() |
1. Nguyễn Duy Cần (1907-1998), hiệu Thu Giang, là một học giả, nhà biên khảo kỳ cựu bậc nhất Việt Nam. Ông nổi bật không chỉ về số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở độ sâu học thuật và sức ảnh hưởng về mặt tư tưởng đến các tầng lớp thanh niên trí thức. Sinh thời, ông viết khá nhiều sách, chủ yếu là sách biên khảo, nghệ thuật sống (thời đó gọi là sách “Học làm người”) và Đạo học phương Đông. Các tác phẩm của ông được viết không phải với mục đích “sống bằng ngòi bút”, mà với ông một tác phẩm ra đời phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nó đang thiếu thốn, nhân sinh đang đợi chờ. Để thành nhà văn (NXB Trẻ tái bản) là cuốn sách hướng dẫn người đọc cách trở thành nhà văn, không chỉ giỏi về kỹ thuật viết mà còn về nhân cách, tinh thần của một nhà văn chân chính. Qua cuốn sách này, tác giả Nguyễn Duy Cần trao đổi với bạn đọc một cách chân tình về những kinh nghiệm và bí quyết để trở thành nhà văn, nhà phê bình văn học đứng đắn và xứng đáng với tên gọi của nó.
![]() |
2. Tay chơi (NXB Trẻ) là tập tản văn mới nhất của tác giả Mai Lâm viết về Hà Nội. Tác giả vốn là người làm âm nhạc, viết ra chữ theo đúng giọng “Con giai phố cổ”. Cũng từ xa Hà Nội để nhớ về, nhưng không giống với các nhà văn xa xứ khác, ông không làm văn. Chỉ là những câu chuyện hay, được nén lại thành chữ, rất có duyên hút người đọc, từ lối nói đặc trưng người Hà Nội, và từ những chi tiết “độc lạ”. Cái đặc biệt thú vị trong những tản văn, những câu chuyện của Mai Lâm, đó là những khắc họa sống động về một thế giới là những… tay chơi Hà Nội.
Tác giả chia sẻ: “Với tôi, Hà Nội giống như cuộc sống của mình. Không thể chỉ nói là quê hương đơn thuần được, mà mình có thể viết về nó bất tận. Và cái dấu ấn của nó thật đồ sộ và mãnh liệt. Thành ra tôi có viết thì cũng chỉ viết về Hà Nội. Cả cái cuốn mới này dù có tên khác thì cũng là viết về Hà Nội. Hầu hết là tất cả những gì mình có đều gắn liền với Hà Nội. Vì bạn bè, gia đình, ký ức của mình ở đấy”.
HẢI ÂU