Tôi từng viết về góc chợ nhỏ ở thành phố này, nơi có những quán ăn vặt buổi chiều khá đông khách. Nhờ có góc chợ này, tôi nhận ra không phải người phụ nữ nào cũng từ cơ quan lao thẳng về nhà. Không phải người phụ nữ nào cũng đầu tắt mặt tối từ sáng đến đêm.
Rất nhiều người phụ nữ đã kéo nhau đến góc chợ này gọi một đĩa bánh tro đỏ au mật ngọt, bánh cuốn nóng hổi, bánh giò cắt nhỏ chấm tương ớt rồi ngồi đó nhẩn nha thưởng thức. Cái ngõ nhỏ dài chưa đến trăm mét mà đủ khuôn mặt đàn bà. Có người giàu, người nghèo. Có người váy vóc phấn son, người quần áo xuề xòa nói cười phớ lớ. Người đi một mình, người dắt theo con.
Cũng có khi đi cả nhóm người í ới gọi đồ ăn, kêu “thêm tí ớt chị ơi”, “cho em xin thêm vài quả quất”, “bánh tro của em nhớ thêm nhiều mật”. Trong số họ có những người vừa đi bắt cáy ngoài biển về. Có chị lao công vừa mới tan ca. Có cô dựng tạm sọt rau củ vệ đường. Hồi đó, trong xóm trọ của tôi có vợ chồng chị Định, chồng làm xe ôm, vợ thu mua đồng nát. Chị dậy từ sáng sớm, rong ruổi khắp các ngõ ngách. Nhưng cứ 5 giờ chiều chị trở về nhà, tắm giặt thơm tho, dắt xe đi ăn quà vặt. Chị bảo: “Ai cũng có quyền được thảnh thơi. Quyền được yêu mình”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Họ đến đó, gạt bỏ hẳn chuyện công việc, cơm nước, chồng con. Họ rủ rỉ bàn tán chuyện một cô hoa hậu nào đó vừa mới đăng quang. Họ khoe mới mua được mảnh vải may áo dài đẹp. Họ bày nhau cách tự làm mặt nạ dưỡng da, làm dầu dừa, dầu gấc. Họ kể về một bộ phim đang “hot” trên truyền hình. Họ khúc khích bàn về bụng sáu múi của một nam diễn viên đẹp trai nào đó.
Họ khác với chính mình của buổi sáng vội vàng, tất bật, khác với chính mình những khi gặp áp lực công việc hay con cái nheo nhóc vây quanh. Để khi đứng dậy ra về, cơ mặt họ giãn ra, đầu óc thư thái. Tôi gọi những hàng quà chiều là trạm trung chuyển cảm xúc. Bao nhiêu thứ xấu xí, bực dọc suốt một ngày dài mưu sinh được trút bỏ ở đây. Họ bước về nhà, ùa vào căn bếp nhỏ nấu cho chồng con mình những món ăn ngon. Đã có lúc tôi tự hỏi, mình mải mê những gì khi rất nhiều người mỗi ngày đều mưu cầu sống chậm!
Quê tôi giờ phát triển hơn xưa. Không thiếu các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Nhiều chị em phụ nữ ở quê bắt đầu biết “tự thưởng” cho mình bằng việc ra quán gội đầu, làm móng tay chân, chăm sóc da mặt. Ít dần đi những bàn tay bám đầy phèn đỏ, nhựa cây. Ít dần những đôi môi nhợt nhạt, lông mày thưa mỏng. Không chỉ làm đẹp mà họ còn dành thời gian rèn luyện sức khỏe. Thôn, xóm nào cũng có sân bóng chuyền, cầu lông. Cứ chiều đến, công việc đồng áng xong xuôi, họ rủ nhau đi đánh bóng. Hằng năm có nhiều giải đấu bóng chuyền được tổ chức giữa các xã, các huyện.
Ở quê tôi, mỗi khu có một nhà văn hóa - nơi họp hành, sinh hoạt chung của cả khu. Bình thường nhà văn hóa chỉ mở cửa ban ngày, nhưng dạo này thường xuyên sáng đèn vào buổi tối bởi chị em phụ nữ thường rủ nhau đến tập văn nghệ. Hát cho nhau nghe để thấy cuộc sống bớt nhọc nhằn và để tình làng nghĩa xóm thêm phần gắn kết. Họ bảo: “Thay vì ngồi nhà đợi chồng đi nhậu về, rồi lời qua tiếng lại, thì thôi mình tự tìm lấy niềm vui. Tâm thư thái thì tối ngủ mới ngon, mà ngủ ngon thì ngày mai mới có sức để làm việc”.
Càng ngày tôi càng nhận ra, dù cuộc sống bận rộn thế nào thì mỗi ngày chúng ta nên dành thời gian để yêu bản thân. Nghe một bản nhạc mình thích, xem một bộ phim hay, gọi cho người bạn thân lâu ngày chưa gặp lại. Hoặc đơn giản chỉ là chải chuốt, rủ chồng con ra khỏi nhà kiếm một quán quà ngon. Nhà không lau một hôm cũng vẫn ổn. Tiền kiếm ít một chút cũng không sao.
Bữa cơm có thể bớt cầu kỳ một chút vẫn đầm ấm. Sống chậm đâu có gì khó nhỉ. Cũng chẳng cần đi đâu xa xôi cả. Như mẹ tôi chiều nào từ đồng ruộng về cũng dành thời gian để chăm sóc vườn hoa, nhổ cỏ, bón phân, tỉa cành, ngắm nghía từng chùm hoa mới nở. Mẹ là người yêu hoa. Ngay cả khi mẹ vất vả nhất thì hoa vẫn nở đâu đó trong nhà. Có khi hoa xuyên cả qua bức tường đất nứt toác để tỏa hương vào nhà. Nhờ bàn tay của mẹ mà vệ đường trước nhà tôi là cả một vạt hoa bốn mùa tỏa sắc. Thành ra đời người ít nhất cũng phải có thứ gì đó phù phiếm dành riêng cho mình.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG