Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, xem phim về đề tài chiến tranh để chúng ta có kiến thức sâu rộng về lịch sử và tự hào về dân tộc với những câu chuyện đầy cảm xúc về những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã hy sinh vì độc lập dân tộc, hòa bình cho hôm nay.
Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. |
Bùi Tuấn Dũng là một trong số ít đạo diễn điện ảnh thành công với dòng phim về đề tài chiến tranh, cách mạng và đoạt nhiều giải thưởng uy tín như Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng tại Liên hoan phim quốc gia và giải nghề nghiệp thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam.
* Anh là một trong số rất ít đạo diễn thành công ở thể loại phim về đề tài chiến tranh - một thể loại phim khó - với nhiều tác phẩm được người xem đón nhận như: Đường thư, Những người viết huyền thoại… Vì sao anh chọn thể loại này mà không chọn những thể loại phim khác dễ làm hơn?
- Thực ra tôi làm đủ loại phim, từ tâm lý đến hình sự hành động chứ không chỉ có phim về đề tài chiến tranh. Chỉ có điều, rất ít người thành công khi làm phim về chiến tranh vì hầu hết họ chỉ cố mô phỏng, né tránh những hiệu ứng và chi tiết của chiến tranh.
Tôi thì luôn cố hiểu về chiến tranh và cố gắng thể hiện chiến tranh một cách trực diện nhất. Làm phim về chiến tranh với tôi đầu tiên phải thật, phải tạo được những hiệu ứng tốt nhằm đưa người xem vào trung tâm của trận chiến thì khán giả mới cảm thấy thực sự là chiến tranh. Tuy nhiên, tất cả những hiệu quả đó phải được xử lý tốt, phải an toàn và cần nhiều tới kỹ thuật...
Phim về đề tài chiến tranh mang lại cho chúng ta kiến thức sâu rộng về lịch sử và lòng tự hào dân tộc, để hiểu về một thế hệ những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã không tiếc tuổi xuân hy sinh vì độc lập dân tộc, hòa bình cho hôm nay.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (phải) cùng cộng sự trong một buổi làm phim Khúc mưa. Ảnh: Q.H |
* Theo anh, thế nào là một bộ phim hay?
- Rất khó xác lập khái niệm phim hay vì “hay” chỉ là tính từ. Phim có thể hay với người này mà chưa hay với người kia, vậy nên tôi luôn có chủ đích và định hướng giai tầng khán giả riêng cho mình và chẳng phim nào giống phim nào. Có lẽ một bộ phim hấp dẫn, đưa ta qua nhiều cung bậc cảm xúc cùng chiều sâu tư duy sẽ là phim hay. Để làm được một bộ phim như thế, người đạo diễn phải nghiên cứu rất sâu về vấn đề bộ phim quan tâm. Ví dụ, khi quay về một quả táo, với nhiều người thì đó chỉ là ghi hình quả táo.
Nhưng người đạo diễn có nghề phải giúp người xem thấy được đó không chỉ đơn thuần là quả táo mà còn thấy trong cái đỏ mọng của nó có cả nắng, mưa, mùi thơm của đất trời từ mẹ thiên nhiên mang tới cho quả táo.
* Anh có thể chia sẻ dự định làm phim sắp đến trong năm 2021, đặc biệt là về những bộ phim sắp được chiếu?
- Tôi có một phim đang trong giai đoạn sản xuất kịch bản, cuối năm mới quay, xin được giữ bí mật cho đến khi nhà sản xuất công bố dự án.
Ngày 26-4, tôi có một bộ phim ra rạp mang tên Khúc mưa - phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất vào tháng 10-2020 và chiếu trong hệ thống phát hành phim Quân đội. Bộ phim là bi kịch gia đình của một thuyền nhân, một câu chuyện gia đình thú vị mang thông điệp nhân văn về hòa giải dân tộc.
* Theo anh, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực điện ảnh hay không và thành phố cần đầu tư thêm những gì?
- Đà Nẵng ở xa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nguồn nhân công và điều kiện làm phim tốt nhất. Theo tôi, thành phố Đà Nẵng không nên đầu tư làm phim mà nên khuyến khích, tạo điều kiện, mời các nhà đầu tư điện ảnh tới và dành cho họ những chính sách ưu đãi khi đầu tư vào điện ảnh. Như vậy sẽ hiệu quả và khả thi hơn là tự bỏ tiền ra làm phim.
Tuy nhiên, nếu có dự án về liên hoan phim tổ chức ở đây thì có thể thực hiện vì một sự kiện như thế sẽ kích cầu du lịch rất tốt.
* Anh có dự định làm phim tại Đà Nẵng?
- Quay nguyên một phim ở đây, tại thời điểm này thì tôi chưa nghĩ tới, nhưng một vài cảnh thì được. Đà Nẵng có nhiều cảnh đẹp và thông qua điện ảnh sẽ lan tỏa hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ có cảnh đẹp và sự nhiệt tâm thôi thì chưa đủ. Làm phim luôn cần đội ngũ nghệ sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề, tài năng và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi hy vọng các bạn trẻ ở Đà Nẵng sẽ xây dựng một tương lai tốt cho điện ảnh ở thành phố của mình.
* Xin cảm ơn anh!
PHƯƠNG TRÀ thực hiện