CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

Trải nghiệm để hình thành kỹ năng

.

Học kỹ năng sống cũng giống như học bơi. Muốn bơi được, không còn cách nào khác là buộc phải xuống nước. Phụ huynh và nhà trường hướng học sinh vào những hoạt động trải nghiệm thực tế để từ đó các em hình thành và tích lũy những kỹ năng mềm.

Với hình thức tổ chức buffet, trẻ sẽ hình thành được nhiều kỹ năng xã hội. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Bình Minh tháng 4-2021). Ảnh: HÀ TRẦN
Với hình thức tổ chức buffet, trẻ sẽ hình thành được nhiều kỹ năng xã hội. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Bình Minh tháng 4-2021). Ảnh: HÀ TRẦN

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”

Mỗi tháng một lần, Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu) tổ chức tiệc buffet cho trẻ ở các độ tuổi. Cô Trần Thị Như Lai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Bữa ăn tổ chức theo hình thức buffet là cơ hội cho trẻ hình thành nhiều kỹ năng xã hội. Trẻ được hình thành nhiều thói quen văn minh trong ăn uống như: lấy vừa đủ thức ăn, biết xếp hàng, nhường nhịn, đợi chờ; biết tự phục vụ bản thân như lấy đúng các món ăn theo sở thích…

Trong khi ngồi ăn, các bé được dặn dò không được trò chuyện, không chơi đùa, không làm rơi vãi thức ăn, biết hỗ trợ cho bạn nếu bạn không gắp được thức ăn; ngoài thìa, còn biết sử dụng dĩa, nĩa…”. Nhìn những bé 3-4 tuổi biết xếp hàng chờ đến lượt mình, không lấy quá nhiều thức ăn cho mình mới thấy bài học “học ăn, học nói, học gói, học mở” có thể được rèn luyện từ khi còn nhỏ.

Các bé Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) còn có bữa ăn hạnh phúc. Các bé được bố trí ngồi theo từng bàn ăn, các món ăn được bày biện như bữa ăn tại gia đình. Thay vì suất ăn được chia vào từng tô cho trẻ, trẻ sẽ tự lấy thức ăn vừa đúng với nhu cầu ăn của mình. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm,

Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết: “Với bữa ăn hạnh phúc, trẻ học được cách quan tâm, chăm sóc người khác, biết cách tương tác với bạn bè trong bữa ăn, học cách tự phục vụ các nhu cầu của bản thân; các kỹ năng vận động như cầm, nắm, gắp thức ăn… cũng được rèn luyện. Sau giờ ăn, trẻ tự thu dọn bát, đĩa bỏ vào chậu giúp các cô”. Các bé lớp Nhỡ, lớp Lớn còn được cô giáo tập ăn bằng đũa.

Trong các hoạt động ở lớp, Trường Mầm non Bình Minh cũng tổ chức cho trẻ học làm bánh, pha nước chanh, làm sinh tố bơ, xoài, rồi hít hà thưởng thức thành quả lao động của chính mình. Vừa chơi vừa học, các bé còn hỗ trợ các cô cấp dưỡng bóc trứng cút, nhặt rau…

Trong khoảnh vườn nhỏ của trường, ngoài chăm sóc những luống rau, trẻ còn hồi hộp xem mầm cây lớn lên từng ngày từ hạt đậu mà các cháu gieo trồng, thú vị khi xem gà đẻ trứng hồng. Khó có thể tả hết niềm hân hoan, háo hức của trẻ nhỏ khi có điều kiện tiếp xúc và tương tác với môi trường bên ngoài lớp học.

“Sự tương tác giữa phụ huynh - giáo viên và nhà trường có tác động rất tốt để trẻ được phát triển toàn diện. Chính sự đồng thuận cao của phụ huynh mà nhà trường đã mạnh dạn tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm, tự khám phá tìm hiểu, phát huy tính tích cực, khả năng độc lập, sáng tạo và vốn ngôn ngữ cho trẻ. …”, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm chia sẻ.

Những bài học mà các cô giáo dày công tập luyện cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ như cách tự ăn uống, tự thay áo quần, cho áo quần bẩn vào túi bóng, bỏ vào ngăn cặp của bé, tự đi giày dép, tự vệ sinh cá nhân sau khi ăn, tự gấp chăn sau khi ngủ dậy… vẫn được duy trì lúc trẻ sinh hoạt ở nhà, tạo thành một thói quen tốt cho các con sau này.

An toàn trên không gian mạng

Năm học 2020-2021, các trường THCS đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dựa trên những định hướng của Sở GD&ĐT và chương trình của Hội Đồng đội thành phố. Theo đặc điểm, tình hình chung của xã hội, năm học này, các trường được định hướng chú trọng đặc biệt kỹ năng phòng tránh xâm hại trên mạng xã hội, kỹ năng phòng chống bạo lực trên mạng, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng.

Ngoài ra, các nội dung giáo dục kỹ năng sống khác như: kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; nhóm các kỹ năng an toàn như phòng chống tai nạn thương tích, sơ cấp cứu...; nhóm các kỹ năng hỗ trợ học tập như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đọc sách hiệu quả, kỹ năng ôn tập hiệu quả... vẫn được các trường triển khai trong các chuyên đề, các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp.

Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) nhận xét: “Về nội dung kỹ năng an toàn trên mạng xã hội, học sinh thường có tâm lý chung là chủ quan. Các em thường cho rằng, những nguy hiểm từ mạng như: bạo lực, gây nghiện, lừa đảo..., các em đều đã biết và có đủ kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân mình. Mạng xã hội chỉ là nơi để các em giao lưu, chia sẻ, tìm hiểu, giải trí... chứ không thể là nơi có thể gây nguy hiểm cho các em. Vì vậy, học sinh khá dễ dãi với việc chia sẻ thông tin cá nhân, trêu chọc và đánh đố nhau trên mạng, tự do chia sẻ và bình luận thiếu suy nghĩ, thỏa trí tò mò về những nội dung không phù hợp độ tuổi...”.

Tuy nhiên, theo cô Loan, qua quá trình giáo dục về nội dung này, khi cung cấp cho các em những con số, những câu chuyện cụ thể, có thật ngay xung quanh các em về mối nguy hiểm và hậu quả không an toàn từ mạng xã hội như: bạo lực, xâm hại tình dục, ảnh hưởng tâm lý..., các em tỏ ra khá bất ngờ, thậm chí không tin được vào những câu chuyện như thế. Quá trình trao đổi cởi mở giữa cô và trò về các vấn đề như vậy giúp các em có những góc nhìn mới theo hướng đúng đắn và tích cực, từ đó tự giác trang bị thêm cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ.

Nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Công an Đà Nẵng tổ chức chương trình truyền thông giáo dục lối sống, ngăn ngừa học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật, phòng chống ma túy, tội phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Không rao giảng, áp đặt, cũng không triết lý nặng nề mà bằng những câu chuyện có thật, thấm đẫm tình cảm, chương trình đã chạm vào trái tim của mỗi học sinh, giúp các em biết nhìn nhận, hướng tới những giá trị sống tốt đẹp.

Từ chỗ “bắt” các “bệnh” phổ biến của tuổi teen như nghiện điện thoại, mê chơi game online, đến bệnh “bắt chước” thần tượng, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Giáo dục chính trị - tư tưởng, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn học sinh biết kiềm chế những cơn nóng giận, biết quý trọng bản thân mình và bạn bè; biết phân biệt thế nào là bạn tốt, bạn xấu, trong những tình huống không thể tự xử lý được thì nên nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn của thầy cô, cha mẹ hoặc bạn bè…

Trong nỗ lực dài hơi hơn, ngành GD&ĐT thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng triển khai chương trình Rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao năng lực học tập cho học sinh một số trường THPT trên địa bàn nhằm giúp học sinh có sức khỏe thể chất và tâm thần tốt hơn. Thông qua các bài tập, các tình huống thảo luận nhóm, học sinh được phát triển khả năng giải quyết các vấn đề cơ bản trong cuộc sống và các thách thức tại trường học với bạn bè và gia đình; giúp các em có thể học tập, sinh hoạt tốt hơn và tránh đưa ra các lựa chọn tiêu cực trong cuộc sống.

Theo phân tích của bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, những học sinh bị rối loạn tâm lý học đường thường do không vượt quá được áp lực, không tìm được đúng cách giải quyết vấn đề. Dạy các em về sự hài lòng và có kỹ năng sống, đó chính là cách để có cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.