Nhiều người nước ngoài đến Đà Nẵng trong một chuyến du lịch rồi quyết định gắn bó lâu dài khi nhận thấy thành phố này mang lại cho họ hạnh phúc và cảm hứng sống. Để rồi, khi chia sẻ trên blog cá nhân, không ít người đã dùng từ “Our Danang” (Đà Nẵng của chúng tôi) khi nhắc đến Đà Nẵng và những trải nghiệm của mình ở thành phố biển xinh đẹp này.
Shanti (quốc tịch Thụy Điển) đang sinh sống tại Đà Nẵng và thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. (Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp tháng 1-2021) |
1. Anh Antonio Gabrić là một blogger du lịch người Croatia, hiện sống tại Đà Nẵng và đi du lịch khắp khu vực Đông Nam Á bằng chiếc Honda Wave. Anh nói mình đã đến nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, từ vùng núi xa xôi hẻo lánh đến những thành phố sầm uất như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng quyết định chọn Đà Nẵng để gắn bó và trợ giúp những người đang có kế hoạch đi du lịch tại Việt Nam. “Đà Nẵng của chúng tôi chắc chắn là một thành phố đáng ghé thăm. Cho dù bạn đang có kế hoạch sống ở Đà Nẵng hay đơn giản chỉ là muốn khám phá nó với tư cách một khách du lịch. Tôi đã sống ở Đà Nẵng và yêu thích từng ngày ở đây”, Antonio Gabrić nói.
Không chỉ dành tình cảm cho Đà Nẵng, Antonio Gabrić thường xuyên chia sẻ lý do mình chọn nơi này sinh sống: “Đà Nẵng có thức ăn đường phố ngon, đa dạng và giá cả phải chăng. Tôi thích hải sản và tìm được nhiều quán ngon. Bãi biển xinh đẹp, nơi tôi có thể thư giãn và tận hưởng thời gian của mình. Mạng lưới giao thông tốt, con người thân thiện, đặc biệt có rất nhiều điểm tham quan như bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, chùa Quán Thế Âm và Bà Nà Hills. Nếu bạn thích lái xe thì sẽ tìm thấy rất nhiều tuyến đường đẹp xung quanh thành phố. Hãy đến và “thưởng thức” Đà Nẵng”, Antonio Gabrić viết trên blog cá nhân.
Khi chúng tôi hỏi cảm nhận của anh về Đà Nẵng, không mất nhiều thời gian, Antonio Gabrić nói: “I’ve been all over Vietnam, but I can call Da Nang my home” (Tôi đã ở khắp Việt Nam, nhưng tôi có thể gọi Đà Nẵng là quê hương của tôi). Anh đang thuê một căn hộ nhỏ tại khu An Thượng, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và dành phần lớn thời gian trải nghiệm việc lái xe qua những cung đường quanh bán đảo Sơn Trà hoặc đèo Hải Vân.
“Tôi thích bán đảo Sơn Trà, nơi có nhiều đường mòn đi bộ và trải nghiệm lái xe tuyệt vời. Thậm chí, chúng tôi có thể ngắm trọn thành phố Đà Nẵng từ đỉnh núi và tắm biển sau khi đổ dốc. Tôi từng đưa nhiều người nước ngoài khám phá Đà Nẵng với tư cách là hướng dẫn viên mà không có bất kỳ khoản phí nào. Tôi chỉ muốn cho mọi người thấy vẻ đẹp của Đà Nẵng mà thôi”, Antonio Gabrić chia sẻ.
Antonio Gabrić bắt đầu hành trình du lịch khắp thế giới từ năm 2015, đi qua rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Antonio Gabrić cho biết, những điều anh chia sẻ hoàn toàn là những trải nghiệm thực tế của bản thân. “Do sơ ý, tôi đã đâm vào chiếc xe đạp khác trước cửa một nhà hàng, nơi các nhân viên bảo vệ đang uống trà. Chỉ sau vài giây, họ đã giúp tôi và người phụ nữ đi trên xe đạp, họ mang đến cho tôi các loại thuốc sơ cứu và thoa lên vết thương. Người phụ nữ do tôi tông phải không gọi cho cảnh sát, cô ấy yêu cầu tôi đưa tiền và dùng toàn bộ số tiền này để mua thuốc cho tôi. Điều này cho tôi thấy người dân ở đây thân thiện đến mức nào - ngay cả trong một vụ tai nạn mà lỗi hoàn toàn do tôi”, Antonio Gabrić chia sẻ.
2. Da Nang Go (địa chỉ 54 An Thượng 2, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) được tạo nên bởi một nhóm bạn trẻ người nước ngoài yêu thích các hoạt động thiện nguyện. Ban đầu, nhóm đến với nhau qua hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung sau cơn bão Linfa (tháng 10-2020). Dịp đó, nhóm tổ chức một sự kiện gây quỹ và quyên góp được 6.500 USD (khoảng hơn 150 triệu đồng) dành tặng đồng bào huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Sau đó, Da Nang Go bắt đầu hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, trại trẻ mồ côi và các trường học trên địa bàn Đà Nẵng để xây dựng một chương trình tình nguyện viên bài bản hơn.
Isis Mok, Giám đốc điều hành Da Nang Go, cho biết tình yêu du lịch, văn hóa đã đưa cô đến Đà Nẵng năm 2015 và bắt đầu công việc quản lý khách sạn. Tại đây, cô thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như dọn rác bãi biển, thăm trại trẻ mồ côi, hỗ trợ nạn nhân lũ lụt. “Tại Da Nang Go, tôi tìm cách kết hợp sở thích giúp đỡ người khác và kết nối những người nước ngoài ở Đà Nẵng vào những hoạt động có ích”, Isis Mok chia sẻ.
Đến từ Anh, Sarah Whitecotton cho biết, cô sinh sống tại Đà Nẵng từ năm 2019 và bắt đầu công việc dạy kèm cho học sinh 2-15 tuổi. Không chỉ dừng lại ở việc kết nối, chia sẻ, Sarah Whitecotton đang tích cực hỗ trợ những bạn trẻ nước ngoài yêu thích hoạt động tình nguyện, thông qua các thế mạnh bản thân như kỹ năng giảng dạy, xây dựng chương trình phát triển ngôn ngữ Anh cho học trò bản xứ.
Cũng đến từ Anh, Jennifer Dolan tốt nghiệp ngành Tuyển dụng tại Nottingham và quyết định đến Úc làm việc năm 2011. Tuy nhiên, sau chuyến du lịch Việt Nam năm 2013, cô thu xếp hành trang, rời Úc đến Đà Nẵng sinh sống và tham gia nhiều chuyến phượt xe máy khắp mọi miền đất nước. “Được trải nghiệm lòng tốt và sự hiếu khách của người Việt Nam, tôi muốn đền đáp, cùng Da Nang Go xây dựng mạng lưới tình nguyện viên dày dạn kinh nghiệm nhằm hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề rác thải, an sinh xã hội”, Jennifer Dolan cho hay.
Chưa đầy một năm hoạt động, Da Nang Go đã kết nối hàng trăm người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng tham gia các hoạt động thiện nguyện như vệ sinh môi trường, chăm sóc trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam và hỗ trợ an sinh cho đồng bào, dân tộc miền núi. “Tôi cảm thấy rất vui khi có thể giúp ích cho người dân Đà Nẵng thông qua các hoạt động thiện nguyện, nhờ đó cuộc sống của tôi dễ chịu và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Ngày 21-4 mới đây, tôi đã cùng bạn bè dọn dẹp rác tại khu vực Bãi Nam thuộc bán đảo Sơn Trà - một sự kiện do Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức cùng Trung tâm Green Viet, nhóm Da Nang Go, Cộng đồng Chạy Xanh và Section 30”, chị Shanti (quốc tịch Thụy Điển) - tình nguyện viên tại Da Nang Go chia sẻ.
3. Quyết tâm mang ẩm thực châu Âu đến Đà Nẵng, Hannah (đến từ Mexico) - người sáng lập cửa hàng Hannah’s Pub tại địa chỉ 28 Ngô Thì Sỹ, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, cửa hàng của Hannah phục vụ các món ăn châu Âu, Mexico, Thái Lan và một số món truyền thống của người Việt. Với các tiêu chí Eat in (ăn tại quán), Take away (mang đi), Delivery (giao hàng) và Catering Service (làm tiệc), Hannah’s Pub trở thành địa chỉ kết nối những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng.
Ngoài công việc kinh doanh, hơn một năm nay, Hannah nấu hàng trăm suất ăn miễn phí cho người lao động và bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. “Tôi muốn mang đến một trải nghiệm nhỏ trong ẩm thực cho các bạn, cũng như chia sẻ một phần khó khăn mà họ đang trải qua. Tôi thường xuyên nấu vào thứ Hai, thứ Ba, mỗi lần khoảng 30 suất. Niềm vui trong công việc và hoạt động vì cộng đồng khiến tôi muốn gắn bó lâu dài với thành phố”, Hannah chia sẻ.
Việc Đà Nẵng công bố người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại 17 dự án trên địa bàn thành phố mở ra cơ hội định cư lâu dài cho những ai muốn sinh sống và làm việc tại đây. Anthony, một thanh niên người Anh đang làm việc tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, sau khi chính quyền thành phố công bố những dự án người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở, bản thân anh ấp ủ dự định gắn bó lâu dài với thành phố.
“Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên dẫn khách đi ngắm voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà và cảm thấy ngày càng yêu thích cuộc sống nhẹ nhàng, phong phú nơi đây. Nếu có cơ hội sở hữu nhà ở, tôi không ngần ngại chọn cho mình một căn hộ tốt để tiếp tục sinh sống, làm việc và trải nghiệm bản thân”, Anthony nói.
TIỂU YẾN