Như một nén tâm nhang nhân kỷ niệm 95 năm chí sĩ Phan Châu Trinh qua đời (1926-2021), Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa tái bản 2 tập Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, với sự bổ sung, chỉnh sửa của tác giả Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), nhà ngoại giao và là cháu ngoại của Cụ Phan.
Trong hơn 1.670 trang sách với nhiều tư liệu quý hiếm mà tác giả Lê Thị Kinh dày công sưu tầm, biên soạn, sửa chữa…, chúng ta bắt gặp chân dung của Cụ Phan - một nhà nho có sức ảnh hưởng lớn trong phong trào yêu nước và dân chủ những năm đầu thế kỷ 20. Khí chất con người Phan Châu Trinh đã làm những nhà cầm quyền Pháp - dù ở chính quốc hay thuộc địa, đều phải kiêng nể và dành những lời đánh giá đúng mực. Những tài liệu mới thể hiện trong 2 tập sách này cho ta thấy rõ hơn điều đó.
“Một nho sĩ có giá trị”
“Thông minh, năng động, khôn ngoan” là những nhận xét chung của chính quyền thực dân Pháp dành cho Cụ Phan. Trước phong trào Trung kỳ dân biến 1908, Phan Châu Trinh nằm trong sự theo dõi của chính quyền Pháp tại thuộc địa. Sau khi bị bắt ngày 31-3-1908 tại Hà Nội vì là “kẻ xúi giục chính trong dân chúng và điều khiển phong trào” (Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới - NXB Đà Nẵng - tái bản 2021, tr.198, tập 1), Cụ Phan bị Phủ Phụ chính của triều đình Huế xử án đày chung thân (bản án thứ hai ngày 12-4-1908) ở Lao Bảo. Tuy nhiên, ngay 10 giờ đêm hôm đó, Khâm sứ Huế gửi công điện cho quan Toàn quyền ở Hà Nội, cho rằng “việc giam giữ phạm nhân rất năng động và rất khôn ngoan này ở Lao Bảo là hoàn toàn không bảo đảm” và đề nghị phải thi hành án ở Côn Đảo (tr. 217, t.1).
Khi Cụ Phan bị giam ở Côn Đảo, trong bức thư từ Sài Gòn gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp đề ngày 19-3-1909, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Klobukowsky thú nhận: “…Tuy nhiên, tôi không giấu Ngài là tôi đã thấy rõ giá trị không thể phủ nhận được của Phan Châu Trinh, tôi có ý định sắp tới, có thể là trong tháng 7 tới, trong dịp đi thăm các nơi lưu đày ở Nam kỳ, tôi sẽ gặp tên An Nam này và hỏi chuyện hắn ta”. Ý đồ của quan Toàn quyền là tiếp cận, thuyết phục, mua chuộc Phan Châu Trinh phục vụ cho sự nghiệp đô hộ của Pháp.
Ý đồ mua chuộc Cụ Phan thường trực trong suy nghĩ và hành động của chính quyền Pháp, lúc Phan Châu Trinh ở Việt Nam hay khi sang Pháp sau này. Trong báo cáo về việc ân xá Phan Châu Trinh đề ngày 7-7-1910 gửi Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, Toàn quyền Đông Dương Klobukowsky nhắc lại: “Người bản xứ này là một nho sĩ có giá trị không thể chối cãi được, ông sẽ được giao việc dịch ra chữ quốc ngữ những sách vở để phổ cập kiến thức và giáo dục” (tr. 346, t.1). Khi Phan Châu Trinh được ân xá và an trí tại Mỹ Tho, Công sứ Couzineau trong báo cáo gửi Thống đốc Nam kỳ ngày 27-7-1910 nêu: “Đối với một con người có đầu óc tinh tế và mạnh dạn và tôi dám nói là một người rất An Nam như Phan Châu Trinh, hết sức cần phải dùng biện pháp kiên trì quen thuộc với người An Nam trong trường hợp tương tự” (tr. 348, t.1).
Cả một đời hoạt động nhiệt huyết và kiên cường
Khi được sang Pháp theo nguyện vọng vào năm 1911, Phan Châu Trinh tiếp tục hoạt động yêu nước, từ đó gây nên những mối quan tâm cho chính quyền Pháp, ở cả nhóm ủng hộ lẫn không ủng hộ. Capus - đại diện Phủ Toàn quyền tại Văn phòng Bộ Thuộc địa trong báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương Sarraut ngày 16-8-2012 nhận định: “Cả hai nhóm đều cho con người của Trinh là rất thông minh, mẫn cảm và hoàn toàn không thể xem thường, đó cũng là ý nghĩ của tôi đối với nhân vật này từ khi tôi được trò chuyện và tranh luận với ông ta trên nhiều vấn đề” (tr. 475, t.1).
Với những hoạt động cách mạng ngày càng mạnh mẽ, Phan Châu Trinh cùng Phan Văn Trường bị bắt giam tại Pháp với lý do ủng hộ nước Đức (!). Sau khi Phan Châu Trinh được tuyên bố vô can và trả tự do ngày 16-7-1915, chính quyền Pháp muốn buộc ông trở về nước để tránh hiểm họa ngay trên đất Pháp. Phan Châu Trinh dù bị cắt trợ cấp nhưng vẫn được ở lại Pháp, chuyển sang học và làm nghề chấm sửa ảnh, phóng to ảnh chân dung với ông Khánh Ký để mưu cầu việc lớn.
Chính vì tầm ảnh hưởng của Cụ Phan, trong thư gửi Khâm sứ Guesde Paris đề ngày 24-1-1921, Joselme - Trưởng cơ quan kiểm soát người Đông Dương ở khu vực phía Nam (Pháp) thừa nhận: “Phan Châu Trinh, như tôi đã trình báo Ngài, rất được quý mến trong giới người Đông Dương đời tự trị. Ông ta là người duy nhất ở Pháp được người ta gọi là “cụ Phan”. Từ này chỉ có thể được dịch bằng từ Monsieur nhưng phải với hình thức tôn kính rất cao” (tr.24, t.2). Còn báo cáo riêng đề ngày 11-5-1925 của Vụ Chính trị Bộ Thuộc địa cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Daladier về vai trò Phan Châu Trinh đánh giá: “Tóm lại, Phan Châu Trinh vẫn là người cầm cờ cho tất cả yêu sách của những dân Nam muốn thoát khỏi sự bảo hộ của Pháp” (tr. 523, t.2).
Cả một đời hoạt động nhiệt huyết và kiên cường, có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào yêu nước và dân chủ Việt Nam đầu thế kỷ 20, cho đến khi giã biệt cõi đời vào ngày 24-3-1926, chí sĩ Phan Châu Trinh luôn để lại nỗi lo khôn nguôi cho thực dân Pháp. Ngày 23-3-1926, lo ngại đám tang Cụ Phan sẽ là ngọn lửa châm ngòi cho các cuộc biểu tình, Đốc lý Sài Gòn Rouelle ban hành quyết định “Tất cả các cuộc biểu tình trên đường phố đều hoàn toàn bị cấm ngặt”.
Thế nhưng, lễ tang Tây Hồ Phan Châu Trinh diễn ra ở Sài Gòn ngày 4-4-1926 và các lễ tưởng niệm được tổ chức trong và ngoài nước, như Nguyễn Ái Quốc - lúc bấy giờ ở Trung Quốc, theo dõi rất kỹ sự kiện đặc biệt này, đã viết trên tờ Thư tín quốc tế (số 21 năm 1926): “30.000 người Việt Nam ở khắp xứ Nam Kỳ đã làm lễ an táng theo quốc lễ và cả nước đã tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ”(1); và “Người Việt Nam chưa hề được chứng kiến một sự việc to như vậy bao giờ trong lịch sử”(2). Điều đó một lần nữa khẳng định nhân cách, vai trò và tầm ảnh hưởng của Cụ Phan đối với phong trào yêu nước, dân chủ cũng như công cuộc giải phóng dân tộc ta khỏi sự cai trị của chế độ phong kiến và ách đô hộ của thực dân Pháp.
ANH QUÂN
--------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập II, NXB. Chính trị Quốc gia, H., 1996, tr. 15.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập III, Sđd, tr. 20.