Những ngày cuối tháng Tư, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), hàng chục đoàn viên, thanh niên đến từ Chi đoàn Tòa án nhân dân (TAND) thành phố và Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân thành phố (thuộc Đoàn khối Các cơ quan thành phố) phối hợp với Quận Đoàn Sơn Trà tổ chức phiên tòa giả định bằng hình thức sân khấu hóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Phiên tòa giả định do Đoàn khối Các cơ quan thành phố tổ chức tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) cuối tháng 4-2021. Ảnh: THANH TÌNH |
Phiên tòa giả định xuất phát từ một vụ án có thật về tội cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn thành phố năm 2020. Trong 3 người phạm tội có 1 người thành niên, 2 người chưa thành niên. Từ mâu thuẫn nhỏ, các thanh niên hẹn nhau ra quán nhậu giải quyết. Sau một hồi “lời qua tiếng lại”, hai bên dùng các hung khí tự chế xông vào đánh nhau. Kết quả, 1 người bị thương 26%.
Theo Bộ Luật hình sự, 3 bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích. Trong đó, 1 bị cáo nhận mức án 1 năm 6 tháng tù. Hai bị cáo còn lại chưa thành niên, nhận thức về hành vi phạm tội còn hạn chế, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên án mỗi bị cáo 1 năm tù.
Giáo dục, răn đe, hạn chế tội phạm
Chăm chú theo dõi phiên tòa từ lúc bắt đầu đến khi tuyên án, Nguyễn Duy Tường Quyên (lớp 11/7, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tham dự phiên tòa giả định. Phiên tòa cho em hiểu thêm về các quy định của pháp luật và những hành vi phạm tội. Sau phiên tòa, em sẽ chia sẻ những hiểu biết của mình với bạn bè cùng trang lứa, anh chị em trong gia đình để họ tránh xa những hành vi trái pháp luật, đồng thời tham gia nhiều hơn các hoạt động học tập, từ thiện xã hội để rèn luyện bản thân”.
Phạm Khánh Nguyên (cùng lớp Tường Quyên) nói thêm: “Hành động của các bị cáo rơi vào tâm lý và lứa tuổi gần với chúng em nên chúng em dễ tiếp cận, nhận diện được các hành vi phạm tội, các yếu tố cấu thành tội phạm, các mức hình phạt, từ đó biết cách phòng tránh, tự bảo vệ bản thân”.
Theo thống kê của TAND thành phố, trong năm 2020, ngành tòa án thành phố khởi tố mới 990 vụ án với 1.567 bị can. Trong đó, tội cố ý gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe người khác xảy ra 251 vụ/621 bị can và điều đáng nói là trong 1.567 bị can bị khởi tố, có 117 bị can dưới 18 tuổi. Điều này cho thấy đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Vì vậy, việc tuyên truyền pháp luật trong đoàn viên, thanh niên là rất cần thiết.
Là đơn vị chủ công trong việc xây dựng kịch bản thực hiện phiên tòa giả định, Bí thư Chi đoàn TAND thành phố Phạm Thị Kiều Hạnh nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của những người dưới 18 tuổi là do nhận thức, tâm lý của học sinh, sinh viên về pháp luật chưa cao. Mặt khác, nhiều gia đình ít quan tâm con cái, nhiều học sinh phạm tội do bạn bè xấu rủ rê. Nhiều vụ việc chỉ xuất phát từ một xích mích nhỏ nhưng do nóng vội gây nên các hành vi phạm tội đáng tiếc.
Do đó, qua các phiên tòa giả định, Chi đoàn TAND thành phố mong muốn tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiểu rõ về pháp luật cũng như góp phần hình thành trong các em chuẩn mực ứng xử văn hóa, văn minh, biết trân trọng sức khỏe và tính mạng của người khác.
Tạo cơ hội cho sinh viên rèn nghề
Ngoài tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên, việc triển khai các phiên tòa giả định do Đoàn khối Các cơ quan thành phố tổ chức còn giúp các sinh viên ngành Luật có môi trường thực hành kiến thức pháp lý đã học và làm quen với môi trường làm việc sau tốt nghiệp. Sinh viên Trần Đình Phước (năm 4, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Trong phiên tòa giả định, em được phân vai cán bộ Công an. Tuy không được tham gia sâu vào quá trình tranh tụng của phiên tòa nhưng em có góc quan sát tốt về quy trình làm việc của một phiên tòa trong thực tế. Đồng thời, em hiểu rõ vai trò cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những người tham gia trực tiếp phiên tòa như thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa án, luật sư…".
Trong khi đó, sinh viên Mai Thị Mận (năm 4, Khoa Luật, Trường ĐH Luật - ĐH Huế, hiện thực tập tại TAND thành phố Đà Nẵng) được phân vai luật sư bào chữa cho bị cáo bày tỏ: “Em đã tham gia nhiều phiên tòa giả định trong nhà trường. Lần này em được tham gia phiên tòa giả định từ một vụ án có thật, do các cán bộ, nhân viên ngành Tòa án thực hiện, chính là cơ hội em phát huy hết kỹ năng đã học về ngành Luật cũng như rèn giũa thêm sự tự tin khi đứng trước đám đông, tạo động lực giúp em yêu nghề hơn”.
Bí thư Đoàn Khối các cơ quan thành phố Bùi Thiên Vỹ nhìn nhận: “Với phương thức sân khấu hóa những vụ án, tình huống pháp lý xảy ra trên thực tế, chúng tôi mong các phiên tòa giả định sẽ “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa các tình huống pháp lý đến gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì tiếp cận những điều khoản, quy định của pháp luật một cách khô khan, mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của bị cáo trong buổi xét xử, từ đó tránh những vi phạm tương tự”.
Anh Thiên Vỹ cũng cho biết, từ đây đến hết năm 2021, Đoàn khối Các cơ quan thành phố dự kiến tổ chức thêm 5 phiên tòa giả định tại 5 trường THPT và trường ĐH trên địa bàn thành phố. Không chỉ dừng lại ở việc sân khấu hóa những vụ án, tình huống pháp lý, sau mỗi phiên tòa, các cán bộ, nhân viên tòa án còn dành thời gian để mọi người tham dự phiên tòa hỏi - đáp các thắc mắc liên quan những nội dung, tình tiết của phiên tòa giả định và các vấn đề pháp lý khác thường gặp trong cuộc sống; từ đó góp phần nâng cao ý thức, hình thành thói quen tốt, kỹ năng ứng xử đúng với quy định của pháp luật, tiến đến xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.
THANH TÌNH