Trưa nay, thấy mẹ ngồi ngẩn ngơ ngoài hiên, trên tay cầm lá trầu quả cau vừa mới thắp hương rằm. Tôi biết mẹ đang nhớ ngoại, những ký ức có khi lại ùa về. Tôi chợt nhớ câu thơ: “Biết bao người không còn mẹ để mà thương/ Miếng trầu quả cau thắp hương rồi để héo…”(*). Như mẹ mỗi lần thấy quả cau ngon là rơm rớm: “Giá mà bà còn sống”.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh bà ngồi dựa cột hè, tay bổ cau, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Răng bà đen. Môi bà đỏ. Những câu chuyện ngày xửa ngày xưa nồng mùi vôi, cay mùi thuốc lào. Bà như kho sử sống, cứ thủng thẳng kể khối chuyện thâm cung bí sử của làng. Có đôi lúc tôi mơ hồ không biết chuyện nào thực nào hư. Hay chính bởi sự hư hư thực thực ấy đã khiến lũ trẻ chúng tôi cứ bám lấy bà. Nhờ bà, tôi mới biết về thời bao cấp, tem phiếu, cửa hàng mậu dịch, về cách tính công điểm của hợp tác xã. Bà còn dạy tôi cách nhuộm vải ngày xưa bằng vỏ cây.
Bà kể về dấu tích của một ngôi chùa nào đó từng tồn tại trong làng, kể về ngôi nhà của ông bà được dựng lên trên một hố bom sâu. Rồi bà đưa chúng tôi vào một thế giới cổ tích rất riêng mà không có sách vở nào ghi lại. Chúng tôi dùng cả những năm tháng về sau để chiêm nghiệm những câu chuyện bà từng kể. Đôi khi sống chậm, soi lại người xưa chuyện cũ bỗng thấy mình trong đó, những tham sân si rất đỗi con người. Khi miếng trầu đã nhạt rồi, bà nhổ đi, đưa tay vuốt miệng. Mắt bà mờ đục nhìn vào thăm thẳm đất trời, miệng ngâm nga Kiều của Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Rồi những người già trong làng cứ lần lượt ra đi. Vẫn cây đa, bến nước, sân đình ấy thôi nhưng cái hồn của làng quê đã khác. Những người trẻ như chúng tôi vội vàng, gấp gáp với nhịp sống thời đại, mấy ai đủ thảnh thơi nghĩ về điều xưa cũ. Bây giờ cũng sắp hết dần người giữ tục ăn trầu. Trong đám cưới, những đĩa trầu têm cánh phượng bị bỏ héo. Dây trầu sau nhà cứ cằn cỗi dần đi dù được tưới tắm thường xuyên.
Có phải chúng nhớ bàn tay của bà nâng niu từng chiếc lá. Tôi chợt nhớ những dòng chia sẻ đầy xúc động của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi kể về người mẹ quá cố của mình - người đã cho ông nguồn cảm hứng viết bài thơ nổi tiếng “Đánh thức trầu”: “Một tối, mẹ tôi bảo tôi mang đèn ra vườn hái trầu, nhớ vặn to ngọn đèn, để cây trầu nhận ra chủ, không phải là kẻ trộm. Trước khi hái, phải nói: Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm/ Tỉnh dậy cho tao hái”.
Đọc những dòng chữ đó, mắt tôi bỗng cay xè, bởi mấy câu ca dao này tôi cũng từng được nghe bà đọc. Mỗi lần xem đâu đó những cánh rừng nguyên sinh bị đốn hạ, những gốc cây cổ thụ ven đường đã biến mất sau một đêm chỉ còn lại dấu cưa, tôi lại nhớ đến bà ngoại của mình, người thích trò chuyện với từng con vật nhỏ, từng gốc cây trong vườn. Hôm bà mất, mọi người không quên xé khăn tang buộc cho con chó, con mèo, cho cây ổi, cây xoài, cây mít… Lúc còn sống, bà từng nói nếu không cho cây cối và con vật chở tang thì có thể chúng vì nhớ thương mà chết theo chủ.
Nhớ thương một miếng trầu cay thật ra là nhớ thương cả một lớp người, một lớp văn hóa sống. Mà khi họ không còn nữa, mọi thứ thuộc về họ cũng dần mai một. Sẽ không còn ai kể cổ tích hay như bà nữa. Nên những ai còn ông, còn bà thì một buổi chiều nào đó thử cho phép mình thảnh thơi ngồi bên họ mà xem họ cất giữ biết bao điều thú vị, bao lẽ sống ở đời. Có những điều chúng ta loay mãi ngoài kia mà vẫn không tìm thấy. Sao trong giây phút này tôi thèm được gối đầu lên chân bà rồi ngủ quên giữa câu Kiều và mùi trầu cay nồng xộc tận vào cánh mũi…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG
(*) Trích bài thơ “Đừng giận mẹ”, khuyết danh.