Sau những tháng học tập căng thẳng, một chuyến du lịch, một hành trình trải nghiệm, học tập kỹ năng sống, đi cắm trại cùng gia đình hoặc bạn bè sẽ mang lại sự thích thú cho trẻ. Thế nhưng, vì tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên đây là năm thứ hai các em vừa nghỉ hè, vừa phòng, chống dịch.
Các em nhỏ được học thêm nhiều kỹ năng sống trong kỳ nghỉ hè đặc biệt. TRONG ẢNH: Tuấn Kiệt và Tuấn Vũ (gần 7 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đang hái rau giúp mẹ. Ảnh: THANH TÌNH |
Đến ngày 9-6-2021, các em mới được theo cha mẹ đi tắm biển khi UBND thành phố có Công văn số 3522/UBND-KGVH về việc cho phép một số hoạt động được mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 9-6 và triển khai các biện pháp áp dụng phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới.
Để kỳ nghỉ không nhàm chán
Hơn 1 tháng nay, tại Đà Nẵng, trẻ em được nghỉ hè sớm hơn so với mọi năm để ứng phó với dịch bệnh. Đối với hai bé Tuấn Kiệt, Tuấn Vũ (gần 7 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), đây là khoảng thời gian được mong đợi nhất bởi các em chỉ ở nhà, ăn, chơi, xem tivi và ngủ “nướng” nhiều hơn. Vậy nhưng, sự hào hứng đó chỉ kéo dài hơn 1 tuần.
Ở mãi trong nhà, Tuấn Kiệt và Tuấn Vũ thấy “cuồng chân” nên bố mẹ phải “vẽ” ra việc các em tranh thủ thời gian này vừa tự học tập, vừa nâng cao kỹ năng sống. Mỗi sáng trước khi đi làm, mẹ Tuấn Kiệt giao cho em chép 2 bài chính tả, đọc và kể lại một câu chuyện, hoặc vẽ một bức tranh với chủ đề tình yêu gia đình, quê hương, thành phố nơi em sống. Mỗi chiều đi làm về, bố mẹ Tuấn Kiệt tranh thủ cho con đạp xe xung quanh chung cư, sau đó về nhà cùng con chơi cờ vua, nấu ăn, tưới cây để con học thêm những kỹ năng cần thiết.
Trong khi đó, mẹ Tuấn Vũ tận dụng khoảnh đất nhỏ trong quán cà phê của gia đình, nơi hứng nhiều ánh nắng nhất để trồng rau. 21 ngày, từ những chồi non mới nhú, nay vườn rau lên xanh mơn mởn với đủ loại rau muống, mồng tơi, rau lang, bồ ngót và nhiều loại rau thơm.
Chị Lương Thị Thu Trang (mẹ Tuấn Vũ) nói: “Để trồng được những thùng rau này, ngày nào mẹ con tôi cũng dậy sớm cùng ủ phân, làm đất, tưới tắm cây, rau mới phát triển và cho rau ăn hằng ngày như bây giờ. Dù vất vả chút nhưng đổi lại cả nhà có thêm rau sạch để ăn và quan trọng là tôi tập cho con cách trồng rau, hái rau, tách con ra khỏi điện thoại, tivi”.
Khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, kỳ nghỉ hè của trẻ cũng bị giới hạn. Nhưng nhiều gia đình lại tìm thấy niềm vui và cơ hội gắn kết giữa các thành viên trong dịp này.
Anh Phan Đức Hùng (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), người sáng lập Công ty Giáo dục Bút Việt, cho biết: “Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, những năm trước không có dịch, cứ đến mùa hè, gia đình sắp xếp 1-2 tuần về quê thăm hai bên nội, ngoại. Năm nay dịch bệnh phức tạp không về quê được, tôi lên kế hoạch để con không thấy nhàm chán. Mỗi ngày tôi cùng con trai lớn đạp xe qua những khu đô thị chưa có người ở để nhặt phân bò về ủ trồng rau ở sân thượng, hay có những hôm rảnh rỗi hai bố con chở nhau lên núi hái rau, trải nghiệm cuộc sống thôn quê”.
Anh Hùng cho rằng, đây có thể là kỳ nghỉ hè bổ ích với trẻ em thành phố. Những kỳ nghỉ hè trước, trẻ em nghỉ học trong khi bố mẹ vẫn đi làm. Để con được an toàn và nâng cao kiến thức, hầu hết các gia đình đăng ký cho con học tại các trung tâm dạy văn hóa hoặc năng khiếu, như thế thì không khác gì so với những ngày đi học. Vì vậy, kỳ nghỉ hè trong mùa dịch cũng là thời gian mà các ông bố, bà mẹ dành nhiều thời gian hơn để chơi cùng con và hiểu hơn về con mình.
Đồng hành với trẻ trong mọi hoạt động
Đưa con ra biển vào ngày 9-6, ngày đầu tiên thành phố nới lỏng các hoạt động, chị Trần Phương Trang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), mẹ của hai con 7 tuổi và 5 tuổi hào hứng nói: “Vậy là từ hôm nay, gia đình tôi có thể ra biển chơi, đi bộ và nghịch cát vào những buổi chiều”.
Về vấn đề dinh dưỡng cho hai con, chị Trang cho biết, trong mùa hè đặc biệt này, các bữa ăn càng cần được chú trọng hơn để bảo đảm dinh dưỡng phát triển thể chất nhưng không làm trẻ béo phì. Vì vậy, chị Trang luôn chuẩn bị các bữa ăn bảo đảm cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; đồng thời nhắc các con uống đủ nước, vừa cung cấp lượng nước cho cơ thể, vừa phòng tránh viêm mũi, họng.
Kỳ nghỉ hè năm nay là kỳ nghỉ đặc biệt lần thứ hai của trẻ, nhiều phụ huynh lo ngại con mình dễ nảy sinh các vấn đề về tâm lý do ít vận động và không được tụ tập cùng bạn bè. Thạc sĩ Tâm lý học, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, trong giai đoạn này, bố mẹ cần đồng hành với các con trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là hoạt động tương tác trên internet.
“Đồng hành ở đây nghĩa là bố mẹ phải cùng các con xây dựng một bảng thỏa thuận để biết chắc rằng con mình sẽ truy cập vào những trang web nào, con làm gì trên đấy, con sẽ kết bạn, trò chuyện với ai và trong những tình huống như thế nào thì phải báo ngay cho bố mẹ biết. Việc bố mẹ đồng hành với con trên môi trường mạng rất cần thiết bởi trẻ nghỉ hè dài ngày trong khi bố mẹ vẫn đi làm việc. Đơn cử như, bố mẹ có thể kiểm soát con bằng cách cho trẻ dưới 5 tuổi sử dụng tối đa các thiết bị điện tử 10-15 phút/ngày, trẻ ở bậc tiểu học trở lên sử dụng từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để hạn chế các nguy cơ”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung nói.
Ngoài ra, cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, bố mẹ cần đồng hành với con ngay trong các hoạt động vui chơi, giải trí tại chính gia đình mình bằng việc cùng tương tác với trẻ thông qua một số trò chơi mang tính đồng đội, cùng tham gia các trò chơi vận động hay trò chơi phát triển tư duy… Chỉ cần mỗi ngày bố mẹ dành khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ để đồng hành với con thì trong mùa dịch, hay trong kỳ nghỉ hè đặc biệt này, trẻ sẽ không cảm thấy bị bỏ rơi mà ngược lại được quan tâm, yêu thương, chăm sóc; lúc đó trẻ sẽ sẵn sàng bộc lộ, chia sẻ với bố mẹ mọi vướng mắc, khó khăn .
THANH TÌNH