Năm 2018, nhà thơ Vạn Lộc ra mắt tập thơ Chín chín nhịp. Đó là một tập thơ tốt, có nhiều bài hay, tạo bất ngờ đối với một số người quen đọc thơ chị. Giờ đây, chị xuất bản tập Gió miền lục bát (NXB Hội Nhà văn, 2021). Tập thơ đều tay, có nhiều bài khá và hay, không có câu lắp, câu lạc nhịp hoặc những chữ mòn cũ. Đây là một bước tiến mới của một nhà thơ nữ.
Nhìn chung, tập thơ vẫn nằm trong mạch cảm xúc của chị lâu nay. Đó là những bài viết về tình yêu, vợ chồng, về ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, về những vùng đất mà nhà thơ đã đi qua và để lại những cảm xúc sâu đậm. Điều đặc biệt thấy rõ hơn là trong tập thơ này, chị có một mảng thơ, tạm gọi là thơ thiền, đầy suy ngẫm về sự có - không, được - mất, về lẽ tử sinh của đời người.
Ở lứa tuổi chị, sự suy ngẫm về những vấn đề trên là hợp lẽ, là cần thiết, cũng là bước chuẩn bị hành trang tinh thần thấu đáo, để bình tâm và sẵn sàng cho những chuyến đi xa của đời mình.
Hãy đọc những câu thơ nặng trĩu suy nghĩ và tâm tình: Ôm mặt thấy nỗi bàng hoàng / Thấy hồn mình chít khăn tang đời mình/ Câu thơ tôi viết thay kinh/ Ăn năn tụng một chữ tình cho nhau (Ôm mặt trần gian).
Chị day dứt về sự hữu hạn của đời người: Đã đi đến trọn kiếp người/ Đã đau đến tận nụ cười cũng đau/ Thôi thì thưa với xưa sau/ Trắng tay, trắng cả mái đầu rồi thôi (Bài thơ tạ từ).
Chị đau xót tưởng tượng cảnh mình về lại trần gian sau khi đã chết: Tôi qua ngang cửa nhà tôi/ Như cơn gió, như mây trôi, thẫn thờ,/ Là nhà mình mà ngẩn ngơ/ Mà xa vắng, có ai xưa nhớ mình? (Mai rồi xong cuộc tử sinh).
Tôi có thể trích thêm nhiều câu thơ hay và xúc động nữa trong tập này, khi chị viết về mẹ, về con, cháu, về nỗi day dứt có chút gì bao dung tha thứ trong tình yêu… Nhưng có lẽ thú vị hơn là xin “giấu” kỹ đó, để bạn đọc tự tìm hiểu và khám phá, hồi hộp khi được tự đồng hành và đồng cảm cùng tác giả.
Đọc xong Gió miền lục bát, tâm trí tôi vẫn lưu luyến mãi nhiều bài thơ của chị. Đó là các bài: Ôm mặt trần gian, Đóa vô ưu, Mai rồi xong cuộc tử sinh, Thiết tha tôi gửi lời chào trần gian, Bài thơ tạ từ…
Không bài nào lặp lại bài nào. Càng đi sâu vào thơ của chị, ta lại càng thấm thía lẽ đời sâu nặng trong triết lý thiền, tưởng thật gần gũi mà cao xa vời vợi.
Có thể nói chùm thơ “thiền” này là chùm thơ hay và có vị trí đặc biệt của Vạn Lộc trong tập thơ. Đọc xong tập thơ, tôi bàng hoàng với sự tỉnh thức của chị trước lẽ sống và cả sự mất mát tưởng chừng nhiều khi vô nghĩa ở đời.
Tuy nhiên, sự thấu thị đó càng làm ta thấm thía hơn, càng làm ta biết yêu hơn cuộc đời mà ta đang sống, càng hiểu sâu thêm về lẽ tử sinh, cả những điều nằm trong vòng tuần hoàn có - không, được - mất. Và chính vì thế, ta càng biết bao dung, độ lượng, càng biết yêu thương và trân trọng nhau hơn. Vậy thì, hãy cho tôi một lần nữa cảm ơn nhà thơ Vạn Lộc vì cái duyên may đã cho tôi đọc tập thơ này.
THANH QUẾ