Giữa sự thật và nhân văn

.

Khoảnh khắc tiền vệ Christian Eriksen của tuyển Đan Mạch đổ sập xuống sân cỏ ở phút thứ 43 trận vòng loại gặp tuyển Phần Lan, bảng B, vòng chung kết Euro 2020 hôm 13-6 gợi lên nhiều suy nghĩ và xúc cảm trái chiều về nghề đưa tin và ứng xử trong thời đại văn minh.

Sân vận động Parken ở thủ đô Copenhagen hôm ấy chắc chắn giăng đầy máy quay. Thời điểm Eriksen loạng choạng gục xuống, camera quay trung cảnh. Lúc anh nằm lặng và một đồng đội cúi xuống vỗ vai hỏi han trong khi các cầu thủ khác đang chạy đến, camera ghi cận cảnh, nhưng chỉ 3 giây thôi, rồi chỉnh lại cự ly xa. Trong lúc tổ y tế sơ cứu cho Eriksen, đồng đội Đan Mạch cùng vài tuyển thủ Phần Lan dùng đại kỳ và khăn lớn đứng vây quanh, xoay lưng che chắn. “Bức tường người” ấy được dựng lên trong khoảng 13 phút và cùng di chuyển nhịp nhàng, che cho Eriksen lúc anh nằm cáng đưa ra xe cứu thương… Và, máy quay chính vẫn ghi hình từ xa.

“Bức tường người” nhằm bảo đảm không gian cho tổ y tế sơ cứu Eriksen hiệu quả, đồng thời giữ hình ảnh riêng tư lúc bị nạn của anh. Những hình ảnh đó không nên đập vào mắt người xem trên cầu trường, cũng không được phép để khán giả xem truyền hình trực tiếp nhìn thấy, nhằm tránh gây tổn thương, nhất là với khán giả nhỏ tuổi.

Chỉ khoảng 3 giây ghi hình cận cảnh Eriksen nằm sân thôi mà nhà đài cũng đã phải “ăn đạn”! Trên các diễn đàn báo nước ngoài và mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã lên án nhà đài “thiếu nhân văn” khi quay cận cảnh vẻ mặt Eriksen trên sân cỏ với đôi mắt dại dần và vợ tiền vệ này ôm mặt khóc tức tưởi lúc xuống sân. Trên Twitter, nhiều người chỉ trích đạo diễn (truyền hình) không tôn trọng khán giả, “nhà đài chỉ biết đến tiền” và Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) thì hời hợt, kém chuyên nghiệp.

Nhưng nhà đài - với vai trò là người đưa tin - cũng có cái lý của mình. Lý lẽ được đưa ra là, khi ấy hàng ngàn khán giả tại sân và cả tỷ người hâm mộ xem truyền hình có nhu cầu được biết chuyện gì đã xảy ra, tình trạng của Christian Eriksen ra sao, thao tác của các bác sĩ như thế nào?… Nói chung, nhu cầu được biết là nhu cầu chính đáng và người xem có quyền được tiếp cận thông tin. Trong hoàn cảnh đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, nhà đài cho lên sóng một shot hình tầm 3 giây cận ảnh là chẳng có gì quá đáng!

Giở luật ra mà luận thì bên nào cũng có phần đúng. Nhưng trên cả pháp luật là đạo đức. Tham chiếu dưới góc nhìn nhân văn thì riêng trường hợp Eriksen đột quỵ là phải nói không với những shot hình cận cảnh. Mà đạo đức thì đâu thể “pháp điển hóa” với mọi trường hợp được, do vậy mới phải dựa vào những bộ quy tắc hay nhóm quy chuẩn hành nghề. Tại các quốc gia tiến bộ trên thế giới, với các trường hợp tương tự như Eriksen ở Euro 2020 nói riêng và lĩnh vực báo chí - truyền thông nói chung đều vận dụng luật pháp cũng như bộ quy tắc hành nghề để phán quyết, hành xử; ở Việt Nam là Luật Báo chí và “10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”.

Phạm trù đạo đức vốn đã rộng, đạo đức báo chí - truyền thông cũng bao la. Chính vì giữa mênh mông như vậy nên người trong cuộc đôi khi không phân biệt được đúng và sai. Cũng vì nó rộng quá nên không ít người làm nghề cứ nghĩ bản thân có làm sai cũng chẳng ai làm gì được mình... Nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời, trước đó là nghệ sĩ Chánh Tín, khiến người yêu quý hai ông tiếc thương. Đưa tin về cái chết, viết bài về dấu ấn sự nghiệp hay đóng góp của nghệ sĩ, ghi nhận sự đau buồn của đồng nghiệp, phóng sự ảnh về lễ truy điệu…, chừng ấy là quá đủ. Vậy nhưng, phóng viên này, trang mạng kia vẫn làm livestream miệt mài, nháo nhào đến đám tang để giành nhau phát trực tiếp, mục đích chia sẻ với tang quyến thì ít mà vì câu khách là nhiều. Đừng nhân danh bạn đọc/ khán giả muốn biết “sự thật khách quan” tại đám tang nghệ sĩ mà làm trò vô đạo đức! Công chúng không muốn tiếp cận cái gọi là “sự thật” kiểu như thế và báo chí - truyền thông nhân văn chẳng bao giờ chấp nhận cách làm như thế.

Nhưng làm sao để chấm dứt? Giải pháp văn minh nhất là kiện ra tòa. Như trường hợp đám tang Chí Tài, gia đình cố nghệ sĩ nếu khởi kiện thì hoàn toàn có thể thắng một số bị đơn vì xâm phạm quyền riêng tư. Báo chí càng bị kiện sẽ càng cẩn thận, phóng viên càng thua kiện thì càng thức tỉnh.

Và, chính “phông” văn hóa của từng tòa soạn mới là người thầy dạy dỗ, uốn nắn người làm báo mỗi ngày. Nơi nào có một ban lãnh đạo liêm chính và cống hiến, nơi đó có đội ngũ làm nghề trong sạch và phụng sự bạn đọc.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.