Góc nhớ

Mùa sen chín

.

Tháng 6, sen nô nức nở hồng khắp nẻo, từ Tháp Mười ra đến Huế, Đà Nẵng, rồi Hồ Tây…

Tháng 6 là thời điểm mùa hoa sen nở rộ nhất. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM
Tháng 6 là thời điểm mùa hoa sen nở rộ nhất. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, người dân thành phố muốn ngắm sen cũng không cần nhọc công xuống tận miền Tây. Chỉ cần chạy xe máy qua khỏi hầm Thủ Thiêm, tìm hồ sen Tam Đa ở vùng ven quận 9 là tha hồ ngắm sen, chụp hình sen, mua sen về chưng các kiểu. Hoặc siêng hơn nữa có thể tìm đến những trảng sen nho nhỏ ở Tây Ninh, hay tìm sen trong khu du lịch Bửu Long. Dĩ nhiên, những nơi này sen không dày đặc, nhưng cũng góp phần điểm tô cho cảnh sắc thêm duyên dáng, bằng cái màu ngọt ngào, nhẹ nhàng và cả dáng đứng điềm tĩnh, dịu dàng vươn lên đón nắng.

Tháng 6, sen vào độ chín muồi nhất, nở hoa to nhất, đẹp nhất, màu trên cánh hoa cũng ngọt lịm. Và hương sen đương nhiên cũng tỏa ra thơm ngát cả một vùng. Thú chơi sen từ xưa được xem trọng vì vừa bình dị, vừa tao nhã, thanh cao, dù chỉ quẩn quanh mấy loại sen quỳ, sen bách diệp, bạch sen…, chứ không có sen trăm cánh, sen siêu to… như bây giờ.

Mùa này, Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, mọi hoạt động dường như chững lại nhưng người dân lại có cách khiến lòng tĩnh tâm hơn với sen. Người phương xa chắc chắn ngạc nhiên khi thấy người dân Thành phố Hồ Chí Minh mang sen từ ruộng bùn lên sân thượng để… trồng. Sen là loài thực vật thủy sinh nên đương nhiên chúng không thể sống thiếu nước và bùn - yếu tố vật chất giúp sen bám rễ sống tốt. Mùa hè phương Nam nắng đến độ rám da, mưa như trút hết giận hờn, nhưng sen trên sân thượng vẫn không thể ngừng khoe vẻ đẹp của mình. Ngồi bên “ao sen” vài mét vuông quây từ những tấm bạt, tấm tôn, thùng nước cũ, cũng không vì vậy mà thấy mình cũ đi.

Mùa này, nhìn những cánh sen hồng, sen trắng nở khắp nơi, tôi nhớ một người chị họ. Khi còn ở quê, chị tiếc mấy công đất ruộng bỏ không nên tận dụng ngày cuối tuần, chị mua sen giống về ghim cho đầy hết mặt ruộng. Chỉ vài tháng sau, lá sen đã phủ xanh hết mấy công đất. Rồi cũng tới lứa sen đầu tiên trồi lên, bung từng lớp cánh mềm mại như thiếu nữ duyên dáng trước nắng mai. Chị hồ hởi gọi đây là “mùa sen chín”. Tôi vụng việc cắm hoa, mà chị cũng chỉ thích để sen nở tự nhiên, tàn tự nhiên, rồi chờ thu gương sen, nhặt hạt. Vậy nên mỗi “mùa sen chín”, chị rủ tôi ướp trà sen hay vì hái hoa về chưng cắm.

Trà để ướp phải lựa loại ngon. Hôm nào thấy sen nhiều thì nhanh tay lựa những nụ sen hàm tiếu (chưa nở), khéo léo đưa nhúm trà vào bên trong nụ, rồi lấy lá sen úp nụ hoa lại, buộc hờ. Hương thơm của nụ sen ôm trọn lấy nhúm trà, len lỏi vào tận bên trong. Sau một đêm được tẩm hương, trà sẽ tự nhiên tỏa mùi thơm rất lạ lùng. Thú ướp trà, thưởng trà sen thanh tao này xuất phát từ cung đình xưa. Chị thuộc kiểu phụ nữ nhẹ nhàng, lại ưa bếp núc, nên rành về ẩm thực. Trà sen qua tay chị không còn là món trà đơn điệu nữa. Rồi cũng nhờ món trà sen đó mà chị chinh phục được người chồng vốn là Việt kiều xa xứ.

Gần hai mươi năm xa quê, chị bảo mình nhớ “mùa sen chín” đến nao lòng. Nơi đất khách, mùi thơm của những loại hoa ngoại vẫn không át được mùi sen quê nhà. Có những vẻ đẹp, mùi hương đặc biệt mà khi rời xa, người ta phải dựa niềm thương, nương nỗi nhớ để tìm về…

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.