HẬU PHƯƠNG CHỐNG DỊCH

Phép thử của lòng yêu thương

.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19, các khu cách ly và khu dân cư bị phong tỏa đều thực hiện quy định rất nghiêm ngặt. Điều này gây không ít khó chịu cho người dân lúc ban đầu do chưa quen. Nhưng tình yêu thương, sẻ chia của các nhân viên y tế và cả những người đang thực hiện cách ly với nhau đã giúp họ vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về cuộc sống bình thường. Đây được xem là phép thử của lòng yêu thương, trắc ẩn giữa con người với con người trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Câu lạc bộ Máu nóng “Hiểu và Thương” trao quà cho người dân ở tổ 47 và tổ 48, khu phố Thị An, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) khi khu dân cư này bị phong tỏa để phòng, chống dịch. Ảnh: Đ.H.L
Câu lạc bộ Máu nóng “Hiểu và Thương” trao quà cho người dân ở tổ 47 và tổ 48, khu phố Thị An, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) khi khu dân cư này bị phong tỏa để phòng, chống dịch. Ảnh: Đ.H.L

“Cảm ơn cách làm của Đà Nẵng”

Vừa hoàn thành thời gian cách ly y tế tại một khu cách ly tập trung ở địa chỉ 300 Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê), anh Lê Thắng (công tác tại Trường Đại học Duy Tân) cho biết, lúc đầu mới vào cách ly, anh cảm thấy khá khó chịu do không được đi đâu, đặc biệt là phải đeo khẩu trang 24/24 giờ làm sưng đỏ vành tai. Khu cách ly cũng hạn chế việc cho mang đồ ăn từ bên ngoài vào.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của mọi người trong phòng nên mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn, cụ thể như chia sẻ cho nhau từng gói mì lúc đói vào đêm khuya. Bên cạnh đó, nhân viên y tế rất chu đáo, nhiệt tình và dễ mến. Ngày nào họ cũng đến phòng đo nhiệt độ cơ thể và động viên mọi người cố gắng đeo khẩu trang liên tục để giữ sức khỏe. “Những câu nói quen thuộc hằng ngày như “Cố gắng lên mọi người ơi!”,

“Còn mấy ngày nữa mình được về rồi!” luôn làm chúng tôi cảm thấy vui vẻ và phấn chấn. Điều đặc biệt là việc tôi ăn chay vẫn được đáp ứng. Đến giờ ăn, các suất cơm được các anh, chị mang đến tận phòng. Thỉnh thoảng xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly mọi người trong phòng ai cũng rất lo lắng vì nếu người cùng phòng dương tính thì tất cả phải thực hiện cách ly lại từ đầu. Do đó, tất cả đều cố gắng tuân thủ nghiêm túc các quy định vì bản thân mình và vì nhau. Lúc ra về, các bác sĩ còn chúc mừng và dặn dò chu đáo nên cảm thấy rất yên tâm”, anh Lê Thắng chia sẻ.

Không chỉ chăm sóc sức khỏe thể chất cho các trường hợp F1, các bác sĩ và cơ quan chức năng còn quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Với những trường hợp mới vào cách ly, tâm lý bị khủng hoảng, lo sợ sẽ được các chuyên gia tâm lý đến tư vấn, hỗ trợ.

Điển hình, hôm 14-5, có một ca F1 cách ly tại một khu cách ly ở quận Sơn Trà rơi vào tình trạng khủng khoảng tinh thần nghiêm trọng. Tuy nhiên, ca F1 này đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi được TS. Nguyễn Hằng Phương (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) vào tận khu cách ly tư vấn kịp thời.

“Với tinh thần luôn sẵn sàng, tôi đã được trao nhiệm vụ đến tâm dịch để hỗ trợ tâm lý cho một trường hợp F1 có những suy nghĩ tiêu cực. Trong tôi tràn ngập nhiều cảm xúc bởi đây là lần đầu tiên trải nghiệm đi vào khu cách ly, lần đầu mặc bộ đồ bảo hộ bịt bùng trò chuyện với thân chủ trong một khung cảnh chưa bao giờ hình dung được. Sau 1 giờ trò chuyện đầy nước mắt và nụ cười, em ấy đã cảm thấy nhẹ nhõm và nhắn tin cảm ơn tôi. Tôi vô cùng cảm ơn cách làm việc của chính quyền Đà Nẵng, luôn luôn lắng nghe người dân và bảo hộ an toàn cho những người làm nhiệm vụ”, TS. Nguyễn Hằng Phương phấn khởi cho biết.

Một gia đình khác cách ly tại một khách sạn ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu viết thư cảm ơn bác sĩ Phương Bình (Trung tâm Y tế quận Hải Châu): “Sau khi hoàn thành cách ly trở về nhà hơn 2 ngày, hôm nay gia đình em gửi đôi dòng cảm ơn đến bác sĩ Bình. Mặc dù gia đình em chưa ai thấy mặt bác sĩ ra sao. Nhưng cái thấy rõ nhất là sự tận tâm, tận tụy trong công việc. Anh luôn vui vẻ, truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Trời nóng, trong khi mọi người ở phòng lạnh, bác sĩ phải luôn mặc đồ bảo hộ bịt bùng. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm vì luôn ân cần hỏi thăm, động viên gia đình em. Nhớ mãi kỷ niệm đi cách ly này. Mong nhanh hết dịch để anh về cùng gia đình sinh hoạt bình thường”.

Dịch bệnh sẽ qua đi,nhưng tình người còn mãi

Trong đợt dịch lần này, khu vực đường Đống Đa, trong đó có hai tổ dân phố 35 và 36 với hơn 60 hộ gồm 300 nhân khẩu thuộc phường Thuận Phước (quận Hải Châu) là khu dân cư đầu tiên triển khai thực hiện phong tỏa khi có ca nhiễm trong cộng đồng ở vũ trường New Phương Đông. Cuộc sống của các hộ nơi đây bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch bệnh bùng phát trở lại đột ngột. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, các hộ dân đã vững tâm hơn để thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh.

Chị Lê Thúy Hằng, sống trong khu vực phong tỏa trên chia sẻ: Có ai đó đã nói rằng “chúng ta cảm thương người khác trong những bất hạnh mà chính chúng ta đã trải nghiệm”. Thật vậy, khi mới phong tỏa còn bỡ ngỡ, lạ lẫm vì phải thay đổi cách sống trong 21 ngày và lo lắng suy nghĩ về việc ăn gì, làm gì cho hết 100% thời gian tại vị trong nhà. Nhưng rồi, những lời động viên từ người thân, bạn bè, những lời hỏi thăm sức khỏe của các lãnh đạo phường khiến lòng mình trở nên an tâm và nhẹ nhõm.

“Thật sự cảm động khi thấy các em tình nguyện viên áo xanh cứ khoảng 2-3 ngày đem những bì rau củ quả đặt ngay ngắn trước cửa nhà, kèm lời nhắn “Cô ơi, cháu để rau trước nhà, lấy vào kẻo héo nhé”. Ngày hôm sau lại nhận được món quà tặng gồm bao nếp, chai dầu ăn, gói bột nêm, hộp cá từ lãnh đạo phường. Rồi cả những thực đơn giá rau củ ở chợ, đến những số điện thoại của những người bán thịt, cá giá rẻ, không quên kèm theo lời nhắn “free ship (miễn phí chuyển phát - PV) cho bà con nhé”. Xúc động không chỉ vì những món quà, mà qua đó là những hành động quan tâm, lo lắng cho người dân khi gian khó”, chị Hằng bày tỏ.

Cũng tại đây, người dân bên trong khu vực bị phong tỏa đã tự nguyện làm thay công nhân công viên cây xanh tưới nước cho cây cảnh đang bị khô héo do công nhân không thể vào bên trong. Hay các nhân viên Trung tâm Y tế Hòa Vang nhắn nhau cố gắng đi lấy mẫu xét nghiệm sớm cho công nhân Khu Công nghệ cao vào lúc 6 giờ sáng để công nhân không phải chờ đợi lâu sau một đêm làm ca 3 vất vả. Tuy chỉ là việc làm bình thường nhưng thể hiện ý thức trách nhiệm cao của mỗi người dân vì cái chung. Ngày 27-5, khu vực này đã được gỡ bỏ phong tỏa.

Tại khu vực phong tỏa ở tổ 47 và tổ 48 khu phố Thị An, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), đoàn viên, thanh niên và tổ trưởng tổ dân phố đã vận động bà con và các mạnh thường quân đóng góp giúp đỡ, động viên người dân vượt qua khó khăn. Anh Trần Phước Hùng, Chủ nhiệm CLB Máu nóng “Hiểu và Thương” ở khu phố Thị An, phường Hòa Quý, cho biết sau khi nhận được lời kêu gọi của tổ trưởng và chi đoàn khu dân cư, CLB đã đăng bài lên các trang mạng xã hội xin tài trợ và quyên góp hơn 13,5 triệu đồng để trao 76 phần quà gồm các thực phẩm thiết yếu cho bà con hôm 22-5 như: mì gói, dầu ăn, trứng gà, đường …

“Dù món quà không lớn nhưng thể hiện tình cảm với người dân lúc khó khăn. Mỗi khi thiên tai bão lũ, bà con nơi đây thường xuyên quyên góp hỗ trợ cho các hoàn cảnh hoạn nạn thì nay chúng tôi giúp đỡ lại cũng là một lẽ đương nhiên. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi nhưng tình người thì còn mãi”, anh Trần Phước Hùng chia sẻ.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.