Khi ta còn trẻ

.

Thỉnh thoảng có mấy ngày nghỉ (nghỉ lễ, nghỉ phép), tôi thường không đi đâu xa nhưng vẫn luôn có kế hoạch cho những ngày nghỉ như thế. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cái gọi là kế hoạch ấy khó mà được thực hiện trót lọt. Ở nhà mấy ngày mới thấy thời gian sao mà dài quá! Không thấy “đã” như những lần mệt nhoài thường mơ ước có dịp sẽ chỉ ăn và ngủ.

Mới hết 2 ngày nghỉ mà đã nhớ cái không khí tất bật bù đầu của ngày thường, thấy ăn uống không ngon miệng như những lúc buông công việc ra, giấc ngủ cũng chập chờn vì không đến phòng tập thể dục mỗi ngày, thậm chí xuất hiện những suy nghĩ bi quan… Hóa ra, sự bận rộn trong công việc không chỉ để kiếm tiền, mà nó còn “cứu rỗi” nhiều thứ lắm.

Trong cuộc sống hiện đại, với vòng quay công việc và nhiều mối quan hệ đan xen, những ẩn ức thường dễ nảy sinh. Mỗi khi có vấn đề về tâm lý ảnh hưởng đến tinh thần, những lần nặng phải dùng đến thuốc, nhẹ hơn thì chia sẻ với những ai có thể kéo mình ra khỏi khoảng thời gian u ám đó, câu mà mọi người thường khuyên là: Đừng để mình rảnh rỗi, tìm cái gì đó làm đi! Quả là lời khuyên đó rất hiệu nghiệm.

Làm một cái gì đó, đôi khi không phải ai cũng tìm ra thứ mình thích để làm, nhưng cứ tìm, chắc chắn sẽ có. Hoặc khi chưa thể nghĩ ra thứ gì đó để làm, ta chỉ cần diện bộ đồ thể thao thật thoải mái, chọn đôi giày thật êm chân, sau đó tìm một công viên nhiều cây xanh để chạy bộ cho đến khi mệt nhoài, về tắm rồi ngủ một giấc, cơn buồn phiền sẽ trôi qua.

Với người trẻ thì vậy, còn người già, họ làm gì để lấp khoảng trống rảnh rỗi suốt những năm tháng cuối đời? Chỉ mấy ngày nghỉ, tôi đã thấy bứt rứt, thấy thời gian dường như dừng hẳn lại. Nghĩ mới thấy thương những người già. Rồi mình cũng trở thành những người già như thế. Nếu may mắn có con cháu sum vầy hay có sở thích cá nhân nào đó thì còn đỡ… Có biết bao người già chỉ một mình mòn mỏi sống cho đến giây phút cuối đời.

Có rất nhiều ông bố, bà mẹ trải qua quãng thời gian cuối đời mòn mỏi đợi con cái trở về. Nhưng mỗi lần con về chỉ như gió thoảng qua, chẳng kịp chậm lại một nhịp để đón nhận ánh mắt gửi gắm yêu thương, một cái ôm cũng chưa kịp định hình, để mãi những ngày sau này là chuỗi ngày ân hận.

Tôi chạm vào tin nhắn hẹn cà phê của chú - người chú tuổi ngoài bảy mươi nhưng tâm hồn thi sĩ nên luôn nghĩ mình còn trẻ. Tôi biết chú đã già. Những câu chuyện chú nói ngày càng lặp lại nhiều. Có đôi lần tôi thấy khó chịu, phản ứng bằng cách giảm sự chăm chú của mình, nhưng sự hào hứng của chú vẫn không hề giảm, dù câu chuyện ấy chú đã kể không dưới 5 lần. Dần dà, tôi chán gặp chú. Còn chú, luôn chờ tin nhắn trả lời “sắp xếp thời gian đi cà phê” của tôi.

Rồi một ngày nào đó, mình cũng lẩn thẩn kể lại những câu chuyện đã kể bằng ánh mắt rực lên nhất có thể, và người đối diện sẽ lãnh đạm với những câu chuyện ấy. Mình có còn đủ tinh tế để dừng lại, để chuyển đề tài cho cuộc nói chuyện thú vị hơn?

Rồi mình cũng lại dài cổ đợi một cái hẹn của ai đó, chờ đợi và hy vọng. Rồi mình cũng sẽ ngồi bên song cửa, như những cụ già với cặp mắt kèm nhèm dõi về phía xa xăm, vô định. Những người bên cạnh - con cháu, hay cả người dưng đủ lòng trắc ẩn, họ vẫn có phần đời riêng của mình với lắm nỗi lo toan; họ có thể hiểu và thương những người già đang mong chờ những niềm vui bé mọn, nhưng chẳng thể làm gì khác hơn.

Tôi trả lời tin nhắn của người chú hẹn đi cà phê từ tháng trước. Ở phần mềm tin nhắn, hiện đại đến độ thấy được cả tín hiệu người bên kia đang nhắn tin lại. Tôi thấy có lỗi khi đã để chú phải chờ quá lâu cho một câu trả lời nằm trong khả năng của mình. Âu đó cũng là chút việc nhỏ nhưng mang lại niềm vui mà những người còn trẻ nên làm cho người già. Bởi lẽ, một ngày nào đó, những người trẻ cũng sẽ là những người già đợi chờ từng niềm vui bé mọn…

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.