Không chỉ là chuyện ẩm thực...

.

Chuyện ăn, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không đến một ngày người ta bất chợt nhìn thấy trái mít non bỗng nhớ đến con cá chuồn, ngó con gà hình dung ra tô mì Quảng, thấy rổ cá bống mường tượng món cá kho tiêu đậm vị ngày mưa… Đó là chưa kể, nhiều người chọn đi du lịch để được thưởng thức món ngon vùng miền và khi trót “phải lòng” thì nhất định phải quay lại để vỗ về cơn nhớ.

Ẩm thực là một trong những yếu tố thu hút du khách tại Đà Nẵng.  (Ảnh chụp tại Khách sạn New Orient tháng 4-2021)
Ẩm thực là một trong những yếu tố thu hút du khách tại Đà Nẵng. (Ảnh chụp tại Khách sạn New Orient tháng 4-2021)

Nhìn hình ảnh người mẹ dáng vẻ mảnh mai, chân chất, lội bùn bắt con cua đồng khi trời vừa hừng sáng để đãi cậu con trai món canh cua đồng nấu mồng tơi khiến tôi hiểu vì sao nhiều người “phải lòng” kênh “Ẩm thực mẹ làm” - kênh Vlog (từ viết tắt của Video Blog) do hai mẹ con bà Dương Thị Cường (57 tuổi) và Đồng Văn Hùng (25 tuổi) ở Thái Nguyên thực hiện từ năm 2019.

Đó là khi bước chân mẹ lội chậm rãi trên cánh đồng còn vương gốc rạ, tìm những con cua béo múp, nằm ẩn dật dưới lớp bùn. Có cua rồi, mẹ mang ra giếng rửa sạch, chia hai phần bằng nhau, một phần mẹ làm món cua đồng rang lá lốt; một phần gỡ yếm, giã nát lấy nước nấu canh mồng tơi. Căn bếp củi thơm lừng dưới bàn tay người mẹ chân phương. Bữa ăn của hai mẹ con hôm ấy kèm thêm chén dưa cải muối chua ngọt đậm đà.

Những món ăn gợi nhớ

Ở kênh “Ẩm thực mẹ làm”, có thể thấy người mẹ ấy không nấu cho con những món sơn hào hải vị, chỉ mộc mạc cùng gà kho sả, cá lóc om tiêu, thịt rim, bánh đúc, sung trộn, măng luộc chấm tương, nộm hoa chuối, rau muống xào tỏi hay đĩa ốc hút thơm lừng lá chanh… Dưới ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, mộc mạc ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), người mẹ cứ việc ra đồng, làm vườn, vào bếp, trong bộ đồ lao động, soạn sửa những món ăn đồng nội.

Nhiều khán giả để lại nhận xét: “Ẩm thực mẹ làm” đã chạm đến điều sâu kín nhất trong lòng họ. Đó là ký ức về bữa cơm mẹ nấu với bao món ăn thấp thoáng sự tảo tần, giản dị, nêm nếm từng gia vị yêu thương.

“Ẩm thực mẹ làm” được thực hiện với mục đích ban đầu ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của hai mẹ con. Thế nhưng, nhờ hình ảnh giản dị, chân phương của mẹ, nhờ căn bếp bập bùng ánh lửa cùng những món ăn gợi nhớ, giàu tình thân, “Ẩm thực mẹ làm” đã truyền cảm xúc đến hàng ngàn người Việt. Đó không chỉ là chuyện nấu ăn, mà còn là câu chuyện chở theo bao kỷ niệm đời người.

Với Lê Hạ Huyền - người sáng lập kênh YouTube Helen's Recipes (có hơn 360.000 người đăng ký), cô gái Đà Nẵng này có 11 năm sống xa Việt Nam, chủ yếu ở Singapore và Đức. Thời gian ở nước ngoài, nỗi nhớ vị mặn mòi của nước mắm đã thôi thúc cô làm video đầu tiên hướng dẫn cách pha chế nước chấm. Video nhận về những phản hồi tích cực đã thôi thúc Huyền tìm tòi, chế biến thêm nhiều món mới. Những lần về thăm nhà, cô nàng thường lang thang ghi lại món ăn đường phố, viết lời giới thiệu bằng ngôn ngữ Việt - Anh và chia sẻ cách thưởng thức đến bạn bè thế giới.

Lê Hạ Huyền cho biết, hiện nay mỗi tuần cô thực hiện 1 video về ẩm thực, chủ yếu là những món ăn mang hương vị miền Trung. Tính theo vị trí địa lý, khoảng 50% người xem trang YouTube của Huyền đến từ Mỹ; còn lại là Việt Nam, Canada, Úc, Hà Lan, Đức…

Cô cũng là tác giả của 4 đầu sách dạy nấu ăn Vietnamese Food with Helen’s Recipes, Món ăn Việt với Helen (2014), Simply Pho (NXB Quarto, New York) và Xì Xà Xì Xụp (2017). Để độc giả dễ dàng làm theo, các cuốn sách của Huyền là sự kết hợp giữa công thức, nguyên liệu, hướng dẫn từng bước bằng hình ảnh và liên kết đến các video giới thiệu trên kênh YouTube. Những video giới thiệu món ăn giúp Huyền lọt vào top 4 Influence Asia Award 2017 (Top nhân vật ảnh hưởng nhất mạng xã hội châu Á) lĩnh vực ẩm thực.

Theo Huyền, những món ăn Việt sẽ kém hấp dẫn nếu không ăn kèm với rau thơm, rau sống. Ví như, hành lá, húng quế, bạc hà, tía tô, thìa là…, mỗi loại một dáng vẻ, một hương thơm đặc trưng, một mùi vị khác biệt, không chỉ góp phần điểm tô màu sắc, tạo ấn tượng thị giác mà còn làm nên nét riêng cho từng món ăn, góp phần khắc họa sự đa dạng trong ẩm thực các vùng miền.

“Nếu trong tô bún bò Đà Nẵng luôn có hành tây thái mỏng, hành lá, ngò rí, thì ở Sài Gòn, bún bò được thưởng thức chung với bắp chuối, rau muống bào sợi, giá đỗ và rau húng. Một số nơi còn ăn kèm với lá kinh giới, tía tô, xà lách trụng qua nước sôi. Nguyên liệu chính tuy đều là bún (tinh bột), bò và heo các loại nhưng chỉ một chút thay đổi trong phần rau thơm, rau sống ăn kèm sẽ tạo ra bún bò Đà Nẵng, bún bò Huế hoặc Sài Gòn”, Huyền nói.

Lê Hạ Huyền miệt mài giới thiệu món ăn Việt đến bạn bè thế giới. (Ảnh facebook nhân vật)
Lê Hạ Huyền miệt mài giới thiệu món ăn Việt đến bạn bè thế giới. (Ảnh facebook nhân vật)

Đồng hành với Lê Hạ Huyền trong hành trình đưa ẩm thực Đà Nẵng ra thế giới là cô em gái Lê Hạ Uyên. Hai chị em đều có khoảng thời gian sinh sống, học tập tại nước ngoài trước khi Uyên quyết định về Đà Nẵng mở Nén Restaurant tại phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn). Nén Restaurant là sự kết hợp giữa món ăn truyền thống Việt Nam với cách bài trí tinh tế, nhiều hương vị, là nơi hai chị em thỏa sức bay bổng với những món ăn gợi nhớ trên hành trình khôn lớn và trưởng thành.

Nghĩ về du lịch ẩm thực

Được đánh giá là vùng đất giao thoa, hội tụ văn hóa nhiều vùng, miền khác nhau, thời gian qua, Đà Nẵng tập trung phát triển du lịch ẩm thực nhằm thu hút khách. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch luôn khuyến khích các loại hình lưu trú, dịch vụ tổ chức các hoạt động lễ hội ẩm thực.

Ngoài quảng bá những món ăn mang hương vị đặc trưng như bún chả cá, bún mắm thịt heo, bánh xèo, chả bò, nem nướng, gỏi cá Nam Ô, bánh tráng cuốn thịt heo, việc mời đầu bếp quốc tế đến làm việc tại Đà Nẵng tạo cơ hội hình thành một nền ẩm thực phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc. Ngoài ra, hải sản Đà Nẵng đang nhận nhiều “điểm cộng” so với địa phương khác, như nguyên liệu phong phú, tươi ngon, giá rẻ, chế biến giữ được hương vị biển khơi. Bên cạnh những hàng quán bình dân thì các khu nghỉ dưỡng (resort), nhà hàng hạng sang có kỹ thuật chế biến đạt chuẩn và phong cách phục vụ tốt.

Ông Lê Như Thảo, giảng viên ẩm thực Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), đồng thời là bếp trưởng tại Khách sạn New Orient cho rằng, hiện nay đặc trưng ẩm thực Đà Nẵng vẫn 3 món chính là bánh xèo, bánh tráng cuốn thịt heo và mì Quảng. Ngoài ra, cùng với lợi thế hải sản tươi sống, thành phố có thể phát triển chuỗi ẩm thực hải sản ngay trên bãi biển.

“Sau nhiều năm làm việc trong ngành du lịch, tôi nhận thấy ẩm thực là một trong những lựa chọn không thể thiếu của khách du lịch. Tuy nhiên, ở thời đại 4.0, khi mọi thông tin trở nên rõ ràng, cụ thể hơn, khách có xu thế tìm đến địa chỉ ăn uống nổi tiếng, ăn những món ăn gợi nhớ chứ không thích mô hình ẩm thực tập trung như tuyến phố ẩm thực”, ông Lê Như Thảo nói.

Thực tế, nhiều du khách đến Đà Nẵng, khi về đã mang theo không ít đặc sản Đà Nẵng như hải sản khô, rong biển Nam Ô, mắm cái, gỏi cá… Năm 2011, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp thành phố: “Nghiên cứu đặc sản ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Đà Nẵng”, chỉ ra hàng loạt món ăn tạo nên đặc trưng Đà Nẵng như mì Quảng, bún mắm thịt heo, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng sắn cuốn cá nục, gỏi cá Nam Ô, gỏi trứng cá chuồn, cá rô Xuân Thiều, ốc bươu Bàu Nghè, mực hấp, mít non trộn sứa, chả bò, tré, bánh tráng đập, bánh khô mè, bánh tổ, nước mắm Nam Ô…

Nhóm nghiên cứu nhận thấy tinh hoa ẩm thực Đà Nẵng thể hiện trong cách lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bày biện và cách thưởng thức. Nguyên liệu chế biến phải tươi, ngon, sạch, lành và phải biết ăn uống đúng cách, đúng kiểu, đúng thời điểm mới có thể tận hưởng hương vị tuyệt vời của đồ ăn thức uống.

Nói về ẩm thực, nhà văn Vũ Bằng viết trong cuốn Món lạ miền Nam (NXB Văn học, 1994): “Tự nhiên, không vì lý do gì hết, vào một buổi chiều xuống mầu kia, mình thấy miếng thịt gà đậm đà hơn, trái su su thoang thoáng ngọt và con cá chìa vôi ăn béo mà thơm. Ồ, tại sao lại thế? Thì ra ngon hay không là ở tự lòng mình, có lẽ vì bây giờ mình nhận thức được lòng thương yêu của những người ở chung quanh rõ rệt, đậm đà hơn trước”.

Có thể nói, văn hóa ẩm thực luôn có một ngôn ngữ riêng. Ví như ai chưa từng ăn vặt ở chợ Cồn, sẽ khó hình dung được vì sao các hàng ăn vặt nơi đây luôn đông khách. Giữa lối đi “chật như nêm” ấy, hàng chục gánh hàng chen chúc, người đến sau kiên nhẫn chờ đến lượt để được thưởng thức những món ăn nóng hổi, rộn ràng kia.

Cũng như, dù có thể chế biến hàng trăm món ăn ngon, bổ dưỡng, nhưng Lê Hạ Huyền cho biết vào mỗi mùa đông rét buốt ở Đức, cô luôn thèm mâm cơm giản dị, có phần đơn sơ của ba mẹ với đĩa rau luộc, chén mắm dưa ăn kèm cơm trắng.

“Với mình, mỗi món ăn là một câu chuyện được trau chuốt bằng hương vị của yêu thương và tình thân. Một món ăn dù không được xuất sắc, nhưng chắc chắn sẽ ngon miệng nếu bạn ăn giữa tiếng cười, giữa yêu thương và giữa không khí đầm ấm của gia đình”, Huyền nói.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
công ty dịch vụ nấu ăn ngonMua chảo chống dính bếp từ tại Minhaus Gía gà Nướng cơm lam Nhà Hàng Dragon Palace Cách phối hợp hương vịKhám phá Phở Quang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ