Những ngày Covid-19 bùng phát trở lại, không chỉ tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh mà một số tỉnh, thành khác cũng nóng lên từng ngày với những con số lây nhiễm cứ nhích dần. Tính từ ngày 27-4 đến ngày 9-6, cả nước có 6.384 ca nhiễm; số địa phương ghi nhận ca bệnh lên tới 38 tỉnh, thành trên cả nước.
Đại diện Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát JOY (bìa trái) thông qua Báo Đà Nẵng trao 700 suất quà (trị giá 80 triệu đồng) cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng để gửi đến lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 tại Đà Nẵng ngày 10-6. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Điều đáng lo ngại, biến chủng SARS-CoV-2 gây bệnh đợt này (biến chủng Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ) làm bệnh tiến triển xấu nhanh.
Vậy đâu là liệu pháp chữa lành thời Covid?
Sáng nọ, tôi nhấp ngụm cà phê, lướt mạng và đọc vài dòng tổng kết đầy hồ hởi xen lẫn xúc động của một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh về số tiền quyên góp mà anh vận động ủng hộ cho vùng tâm dịch đã lên số hàng trăm triệu đồng. Rồi liên tiếp những tổ chức, cá nhân khác cũng đồng lòng hướng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. Giữa những ồn ào về các vụ từ thiện, vẫn còn đâu đó rất nhiều tấm lòng thiện nguyện từ tâm.
Rồi thông tin một anh bạn trẻ vượt mấy trăm cây số trong đêm đi chi viện Bắc Giang bằng chiếc xe cứu thương mà mình lái hằng ngày. Bạn trẻ ấy mới ngoài hai mươi. Tuổi trẻ và tấm lòng của bạn, đẹp biết bao!
Ở tỉnh Hà Tĩnh, một cụ ông 97 tuổi sau khi nghe thông báo kêu gọi hỗ trợ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ đã tự mình tìm đến nhà Bí thư thôn ủng hộ 10 triệu đồng.
Ở thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 9-6 đã có hàng trăm cá nhân, tập thể, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, riêng ngày 8-6 có hơn 22 tỷ đồng được quyên góp, ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Liệu pháp chữa lành thời dịch bệnh là đây chứ đâu: bình tĩnh sống, tự bảo vệ mình, không sợ hãi, hãy mở lòng chấp nhận và thích nghi, chung tay với cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 vào tối 5-6 ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp với các chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi giải pháp chống dịch theo phương châm mới 5K + vắc-xin và ứng dụng công nghệ. Do đó, tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch.
Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6-2021 được ban hành tối 8-6, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc chiến lược chống dịch mới với vai trò của “vắc-xin” trước “5K” (thực hiện nghiêm phương châm vắc-xin + 5K và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vắc-xin là yếu tố quyết định).
Theo trang thông tin của Bộ Y tế (moh.gov.vn), để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có khoảng 150 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước khoảng hơn 25.000 tỷ đồng. Những ngày này, cả xã hội đang kêu gọi chung tay gây Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, quỹ của tinh thần đoàn kết, sự nhân ái, niềm tin và tinh thần trách nhiệm. Trong đại dịch, nhiều tấm lòng tỏa sáng...
Với những điều tốt đẹp đang hiển hiện đó, lại nhớ đến video clip chơi đàn năm trước của cụ bà May Abboud Melki ở thủ đô Beirut của Lebanon. Giữa đống hoang tàn đổ nát trong căn nhà sau trận nổ hóa chất kinh hoàng khiến Beirut rung chuyển, tiếng đàn piano của bà cụ vẫn bình thản vang lên những giai điệu êm đềm của bản Auld Lang Syne. Hình ảnh một bà cụ tóc trắng phau ngồi chơi đàn gợi lên một tinh thần kiên cường, bất diệt. Nó cho người ta thấy một niềm tin tráng lệ vẫn hiển hiện. Tinh thần của cụ bà ấy cũng chính là tinh thần bất tử của người Lebanon, là biểu tượng của hy vọng và bình an.
Hay như tài tử Keanu Reeves - người con của Beirut, người cũng từng thắt lòng khi nhận hung tin về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Một người đàn ông đã trải qua nhiều biến cố đau thương, người đàn ông cô độc nhất sau ánh hào quang của Hollywood đã từng nhận định về nỗi đau rằng nó “chỉ thay đổi từ hình dạng này sang hình dạng khác, không bao giờ kết thúc cả”. Cái chúng ta cần là sống chung với nó, và sống tốt, sống trọn vẹn.
TRẦN HUYỀN TRANG