Với người Việt Nam, tre đã trở nên quá thân thuộc. Những hàng tre giăng lũy giăng thành trên mỗi xóm làng, nghiêng bóng xuống bờ sông… đã trở thành nguồn sống và cũng là nguồn thi ca bất tận. Cây tre không chỉ che bóng mát rười rượi những trưa nắng oi, dìu dặt tiếng ru những chiều gió nổi, mà ngả bóng xuống tâm hồn biết bao người từ làng quê yêu dấu…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bàn tay tạo hóa sắp đặt con người giữa thiên nhiên trên một mối quan hệ hài hòa, minh triết. Cây tre ở xứ sở nhiệt đới, dễ sản, dễ sinh để phục vụ nhu cầu của con người. Những hàng tre không chỉ “chắn bão giông”, mà còn “ngăn nắng lửa”; và tự trong mình, những vật dụng từ tre đem lại cảm giác thanh bình, bởi chảy trong từng lóng tre là một dòng đối lưu hiền hòa, mát lạnh.
Tuổi thơ tôi đắm chìm với tre, nơi khóm tre xanh ru dặt dìu trước ngõ; trong ngôi nhà với mè, rui, phên, cột… cùng những vật dụng hằng ngày thân thương bằng tre; nên đến bây giờ, quắt quay nỗi nhớ về tre vẫn hiện hằng… Tre hiện diện trong tôi hình ảnh cụ thể nhất, đó chính là chiếc giường tre. Bởi lẽ, với riêng tôi, có thể nói là diễm phúc, khi cuộc đời bắt đầu gắn bó với chiếc giường tre do chính tay cha tôi làm. Từ chiếc giường tre nơi tôi cất tiếng khóc oe oe chào đời, cho đến tuổi thiếu niên nơi xóm làng nghèo khó, nhiều nắng gió, bão lũ miền Trung.
Cha tôi là một nghệ nhân, một “bậc thầy” về tre. Sớm vác rựa theo ông nội tôi truyền nghề từ nhỏ, cộng thêm bản tính thận trọng và chất phác, thật thà, cha tôi cần mẫn với tre và hiểu tre đến độ tâm giao. Vì thế, những sản phẩm từ tre, như giần, sàn, nong, nia, thúng, mủng cho đến giường tre, nhà tre..., cha tôi đều làm rất đẹp. Tôi nghĩ, cha tôi đã gửi cả hồn mình vào đó!
Để làm giường, cha bao giờ cũng chọn tre già vừa đến độ, tùy theo kích cỡ của thân tre to nhỏ mà phân thành các loại thanh dọc thanh ngang, thanh trên thanh dưới và làm vạt giường. Những cây tre đực, chắc ruột thì làm thanh; loại tre mềm hơn, lóng dài, đường kính to và rỗng thì đem làm vạt.
Tôi thích nhất là ngồi xem cha dùng rựa tiện những hoa văn trên thanh tre. Với cánh tay cứng rắn và bàn tay khéo léo của mình, cha ôm rựa kẹp sát vào thân tre để tiện mắt và tiện những hoa văn uốn lượn trên thân. Với thanh tre làm vạt, cha có thể tiện những đường nét mà khi sắp xếp lại sẽ thành những hoa văn đẹp mắt hoặc chữ “song hỷ” hay tên của chủ nhân chiếc giường… Sau khi tiện các thanh tre và chẻ những chiếc nan giường rồi sắp xếp theo thứ tự, cha bó lại đem ngâm dưới ao, hồ.
Có lẽ, trải qua những tháng năm dãi dầu cùng nắng gió trên cạn, được ngâm dưới bùn non, tre trở màu vàng nâu óng ả, cứng cáp và không mối mọt nào đục thủng nổi. Đủ tháng đủ ngày, cha vớt tre lên và bắt đầu công đoạn thứ hai, đó là đục, khoan các lỗ mộng, ráp thanh và bện vạt giường. Vui nhất là dưới bàn tay thoăn thoắt của cha, những hình ảnh được tiện trước đây lớp lang hiện lên theo đường bện bằng sợi mây hay cước, rất diệu kỳ...
Chiếc giường tre gắn với gia đình tôi, với thời niên thiếu của tôi như một phần tươi đẹp trong đời sống. Những ngày hè oi ả, nằm trên chiếc giường dưới bóng tre, nghe cảm giác êm mát từ vạt giường mềm mại nhẹ tênh êm lên, nghe dịu dàng từ tiếng lá reo vui hòa cùng muôn vàn tiếng chim líu lo lảnh lót trong vườn nhà.
Rồi những tối có trăng, khiêng chiếc giường tre ra sân, cả nhà quây quần bên mâm cơm, sau đó trải chiếu, nằm ngủ dưới ánh trăng cùng cơn gió nồm mát rượi hay phe phẩy chiếc quạt làm từ mo tre hoặc nan tre bồi giấy… Cả những đêm đông mưa gió, nghe tiếng tre quật từng hồi trên mái tranh, cơn lạnh lùa qua bức phên tre, nhưng sực ấm dưới chiếc giường tre là nồi than đặt trên chiếc rế tre được cha cời ủ tự bao giờ…
Khi dòng chảy thời gian trôi qua trên mỗi phận người, không hạnh phúc gì hơn là có những mảnh ký ức dịu êm để chúng ta bám víu, nâng niu, cùng đi đến cuối con đường… Nằm trên chiếc giường tre những ngày xa xưa ấy, tôi chưa từng nghĩ vậy.
ANH QUÂN