Bạn nắm chặt tay mình, giọng run run: “Sắp tới rồi”. Vẻ mặt khấp khởi của bạn lúc máy bay vừa hạ cánh cứ làm mình xốn xang. Mười mấy năm rồi bạn mới trở lại quê nhà, có biết bao nhiêu thứ đã đổi thay.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bạn đứng thẫn thờ ở một góc làng, tay chỉ về phía ngôi nhà khang trang, giọng bạn buồn buồn: “Hồi trước chỗ ni có cây dừa bị bom dội có tật ở thân”. Đi thêm một đoạn xa, bạn nhắc: “Xưa chỗ ni là bãi đất trống bọn trẻ con trong làng thường ra đá bóng”. Rồi chợt bạn thẫn thờ trước cổng nhà ngày xưa, bạn đặt tay lên cây xoài già trước cửa, đôi mắt bạn rưng rưng, còn mình thì không dám khóc.
Năm sáu tuổi, cả gia đình bạn chuyển vào Nam sinh sống, nhà bạn ở cạnh nhà mình. Bữa đó, cả xóm xúm lại nghe cái giọng nằng nặng từ miền Trung. Có người nghe và cố gắng hiểu, có người lắc đầu, có người cười đầy cảm thông, có người ngạc nhiên vì thấy lạ...
Bạn bị bọn lớp trên “ăn hiếp” vì cái giọng lơ lớ cộng với gương mặt còn búng ra sữa. Mình và bạn lao vào đánh bọn lớp trên. Bạn nhìn mình cười, trong lúc hai đứa thi nhau thở hổn hển. Từ lần đó, mình với bạn chơi thân với nhau lúc nào không hay. Mình nhớ có lần bạn hớt hải chạy sang nhà hàng xóm, thím Ba vén tai cũng không nghe được bạn nói gì.
Bạn đứng khóc mướt, nắm tay thím Ba chạy về nhà. Mẹ bạn đi ruộng về bước qua đường mương bị té, làm động thai, mẹ bạn nằm ôm bụng mà chẳng biết làm gì. Mọi người trong xóm chở mẹ bạn ra trạm xá, mình nắm tay bạn suốt dọc đường đi. Bạn ngồi bệt xuống đất khi người ta chuyển mẹ bạn lên tuyến trên. Ba bạn đi vác lúa mướn về cũng lật đật bắt xe lên bệnh viện. Đêm mình ngủ lại nhà bạn, bạn cố ngăn tiếng nấc, chỉ có những giọt nước mắt vẫn âm thầm chảy…
Rồi những buổi chiều không tên, ba bạn nằm trên võng thở dài, mẹ bạn ngồi bó gối mắt hướng về xa xăm trong khi chiếc tivi vẫn phát ra những âm thanh nhẹ bâng mà đủ làm tan nát lòng người: miền Trung có bão. Bạn lấy tay dụi vào mắt lúc tivi chiếu cảnh quê hương chìm trong biển nước. Những cuộc gọi trở về quê trong nước mắt, mùa màng, nhà cửa trôi theo sóng nước ngoài kia. Bạn ngó bâng quơ, những ngày này lại thấy nhớ quê da diết. Hình ảnh của ông bà, làng xóm như hiện ra trước mắt.
Ngày bà mất, ba mẹ bạn khăn gói về quê. Đêm đến, bạn ngồi kể cho mình nghe về “khúc ruột miền Trung” quê bạn, những câu chuyện cứ thôi thúc mình phải đặt chân đến dù chỉ một lần. Mình và bạn làm một cuộc “hứa hẹn ngày sau”, sẽ trở về và đi qua những gì bạn kể. Bạn thắp nhang trước sân nhà, vòng khói nhang bảng lảng vẽ trên nền trời chiều thăm thẳm. Bạn ngước mặt lên trời, môi mấp máy câu gì mà mình nghe không được. Mình khoác vai bạn thì thầm: “Bà mày ở trên trời vẫn luôn dõi theo mày”. Bạn gục vào vai mình khóc…
Mình hỏi bạn nhớ gì nhất ở miền Trung, bạn cười: “Cái chi cũng nhớ”. Cho nên, những chiều buồn buồn, bạn lại gieo vào lòng mình một miền ký ức miền Trung. Bạn vẫn phải “múa may quay cuồng”, chỉ trỏ đủ đường thì người trong xóm mới có thể hiểu được ý bạn. Người trong xóm than: “Chung xóm với nó biết bao lâu vậy rồi mà nghe hoài không quen”.
Dường như câu nói đó chẳng làm bạn buồn, bạn cười: “May quá, tao không bị mất gốc”. Gia đình bạn giữ lại nỗi nhớ quê bằng cái giọng đặc trưng giữa miền sông nước mênh mông. Bạn từng vội vã chạy theo người phụ nữ xa lạ chỉ để hỏi câu: “O vô ni lâu chưa o?”.
Bạn dắt mình thăm họ hàng ở quê, những cái ôm thắm thiết, những giọt nước mắt cứ chực chờ rơi xuống. Bạn đưa mình về lại ngôi trường làng ngày xưa, dắt mình đi ăn những món mà chỉ quê bạn có. Bạn gật gù “đúng cái vị ni rồi”, chứ không phải cái vị “nửa vời” trong mấy quán “đặc sản miền Trung” mọc san sát nhau trong lòng thành phố ồn ào chật ních người xe.
Buổi rời đi, mình thấy bạn không dám quay đầu lại, chỉ lầm lũi bước đi. Cứ như bước chậm một chút thì nỗi nhớ sẽ làm bạn chùn chân. Túi quà quê căng đầy bạn ôm vào lòng như báu vật. Máy bay cất cánh, mình ghé sát vào tai bạn: “Lần sau lại về”. Bạn nhìn mình mỉm cười, ngày đó chắc chắn không xa…
NGUYỄN CHÍ NGOAN