* Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17-8-2020 đăng bài “Kiểu lập vi bằng khó hiểu của một nhân viên Thừa phát lại”. Xin cho hỏi, Thừa phát lại là gì? Thẩm quyền của Thừa phát lại? (Trần Mỹ Hồng, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
- “Thừa phát lại là một nghề xuất hiện trên thế giới hàng trăm năm nay, hiện có 72 nước là thành viên của Liên minh Thừa phát lại quốc tế. Ở Việt Nam, Thừa phát lại xuất hiện từ thời Pháp thuộc, miền Bắc gọi là Chưởng tòa, miền Trung gọi là Mõ tòa, miền Nam là Thừa phát lại.
Vì nhiều lý do nên sau năm 1954 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở miền Nam), chế định Thừa phát lại không duy trì nữa”, theo bài viết “Tìm hiểu về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật Việt Nam” đăng trên trang tks.edu.vn (Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội).
Cũng theo bài đã dẫn, thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự, nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên), ngày 14-11-2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, quy định: Giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định của các văn bản hiện hành, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan.
Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động trên cơ sở Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 61/2009/NĐ-CP dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
Ngày 8-1-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại. Điều 3 Nghị định này quy định 4 công việc Thừa phát lại được làm: (1) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật; (2) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định; (3) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật; (4) Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Điều 4 (của Nghị định) quy định những việc Thừa phát lại không được làm: (1) Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; (2) Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; (3) Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản; (4) Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì; (5) Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
ĐNCT