Mùa hè, bao giờ cũng vậy, luôn là thời điểm mà ta vừa muốn qua đi thật nhanh vì khí nóng tràn về, nhưng cũng là mùa còn lại ở đó cả trời hoài niệm tuổi thơ. Chả “ai” lại như mùa hè, dẫu nóng nực đến mấy thì chỉ cần nói đến một màu hoa, dòng sông, con đường, ngọn núi... mà bàn chân và tâm trí đã từng lưu lại ở đấy, thì cũng thừa sức khiến người ta dành những lời lẽ dịu dàng, mê say nhất để kể, để nhắc nhớ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi nhớ kỷ niệm những ngày hè ở nông thôn, trẻ con thường không mấy khi ngủ trưa, rình lúc bố mẹ không để ý là nhảy rào trốn đi chơi. Tụi tôi khi ấy thường có mấy trò chơi trận giả, trốn tìm mà địa điểm chính thường hẹn nhau ở núi. Buổi trưa, gió từ những cây lớn thổi về rất mát, và dẫu sau buổi trốn ngủ đi chơi ấy thế nào về cũng bị la mắng nhưng chẳng hề chi, được lăn lộn cùng chúng bạn ở thiên đường tuổi thơ ấy là nhất trên đời.
Ba tháng nghỉ hè của trẻ em nông thôn quá dài. Cả xã làm nông nghiệp nên hầu như nhà nào cũng có một con trâu. Bố mẹ cày cấy dưới đồng, trẻ con chăn trâu ven chân núi. Chúng tôi phó mặc đàn trâu cho cỏ cây bờ bãi rồi rủ nhau chơi trò trốn tìm. Cả đám gần chục đứa phân bổ khắp lưng chừng núi, vừa có thể đưa mắt nhìn xuống ngó trâu nhưng quan trọng hơn, lưng núi là địa điểm lý tưởng để tổ chức nhiều trò chơi của đám mục đồng. Núi dạo ấy có những hang nhỏ, chui vào rất mát và có thể trốn rất kỹ. Ai trốn lâu nhất, không bị tìm ra thì sẽ là người thắng cuộc. Gió từ đâu thổi về lũ lượt, cây cối reo xào xạc và hình như đưa hương của những loài hoa dại xua tan cái nóng ngày hè.
Chơi xong, thấm mệt, chúng tôi tổ chức nhóm bếp củi nướng khoai dưới chân núi. Tóc tai bết bát mồ hôi, miệng mũi nhem nhuốc vì than củi mà yên vui đầm ấm. Và ở nơi mênh mang đồi núi ấy, chúng tôi đã rỉ tai nhau những chuyện... động trời, như cái T. vừa ăn trộm một núm xôi em nó giấu trong chạn bát, thằng P. làm mất chìa khóa nhà bếp, hay thằng V. nếm trộm rượu ngô của bố nó... Nhưng có lẽ đọng lại trong trí nhớ của tôi không hẳn là mùi thơm khoai nướng mà là mùi khói. Phải vậy, mùi khói. Mùi khói bay ra từ củi mục và cỏ gianh, thơm kiểu đồng đất quê mùa. Làn khói bay lên, lan tỏa một đường viền dài ven chân núi, quấn quyện vào cây cỏ như một lớp mù sa ảo ảnh. Đẹp như một cơn mộng nơi thôn trang bình dị.
Không biết ai đã mang về núi trồng một giàn hoa giấy. Khi tôi vào tiểu học, giàn hoa đã lớn lắm rồi, mùa nào cũng nở hoa bạt ngàn, kéo dài một khoảng rất rộng nơi sườn núi. Mỗi buổi sớm đi thả trâu, tôi hay đứng từ phía bờ ruộng, cách một kênh mương, chừa một khoảng xa vừa đủ để có thể bao quát hết giàn hoa giấy. Màu hồng đỏ của hoa điệp vào màu đen trầm của núi, giữa những đóa hoa đang xuân thì sức sống và sự trầm ngâm thinh lặng của đá núi gợi lên bao xúc cảm về xuân sắc và tàn phai, ra đi và trở lại, cạn kiệt và lấp đầy... Hồn núi vẫn ngàn năm ở đó cho hồn hoa nương tựa, như sự bao dung, nhẫn nại vốn có của thiên nhiên.
Lớn lên, đi học xa nhà, mỗi khi chiếc xe máy chở đi lên quốc lộ bắt xe khách để lên trường thì lại thêm một lần ngóng núi. Tay ôm ba lô nhưng mắt cứ ngoảnh lại đằng sau để nhìn bóng núi. Bóng núi cứ xa dần, khuất dần, lòng dạ lại thêm một lần nhẩm tính lần về quê tiếp theo. Bóng núi khuất dần là nhà khuất dần. Làng đã ở lại phía sau. Giá như có thể là cỏ cây để gửi đến núi một lời tạm biệt, rằng tôi ra đi sẽ lại trở về, để lại được nhìn núi ở khoảng gần vừa đủ, như là bình yên mỏng mảnh trong tầm tay.
Có những điều đã vĩnh viễn trở thành kỷ niệm. Bất chấp những đổi thay của thời cuộc xoay vần, trong trí nhớ của những người đã trải qua một đoạn đời ở đó, ngọn núi, cánh đồng hay dòng sông, mãi mãi là địa vực có khả năng ôm chứa an toàn nhất, và thiêng liêng nhất.
NGUYÊN HƯƠNG