Gắn học tập với trải nghiệm

.

Gần 250 sinh viên chuyên ngành Việt Nam học thuộc khoa Lịch sử, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng vừa hoàn thành khóa học tập, trải nghiệm thực tế tại Sandy Beach Non Nước Resort (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Các bạn trẻ được trực tiếp thực hành nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng cùng trưởng các bộ phận của resort, từ đó tạo sự gắn kết giữa việc học với thực tiễn. Khóa học bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh và hoàn thành vào cuối tháng 4-2021.

Sinh viên ngành Việt Nam học, khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học  Đà Nẵng) trải nghiệm vị trí lễ tân tại Sandy Beach Non Nước Resort.  Ảnh: THANH TÌNH
Sinh viên ngành Việt Nam học, khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) trải nghiệm vị trí lễ tân tại Sandy Beach Non Nước Resort. Ảnh: THANH TÌNH

Trong 2 ngày, gần 250 sinh viên chia 3 nhóm thực hành tất cả các môn về nhà hàng, khách sạn, lễ tân; cứ nhóm này thực hành xong thì xoay vòng đến nhóm khác.

Tự tin hơn khi trải nghiệm

Trong vai nhân viên lễ tân phục vụ khách du lịch tại Sandy Beach, sinh viên Huỳnh Tấn Hùng và Đinh Thị Ngọc Huyền cho biết: “Chúng em đã học rất kỹ phần lý thuyết của những môn học này ở lớp nhưng đó chỉ là nghe và hiểu. Khi trải nghiệm thực tiễn, chúng em không khỏi lúng túng. Được trưởng các bộ phận hướng dẫn tận tình nên sau những bỡ ngỡ ban đầu, chúng em đã thoải mái, tự tin hơn”.

Các sinh viên trong vai trò lễ tân học kỹ năng và cách thức tiếp đón khách cũng như kỹ năng ở bộ phận buồng phòng và nhà hàng. “Ở vị trí lễ tân, em thấy khó nhất là nắm bắt tâm lý khách hàng cũng như nhu cầu, mong muốn của họ để giải đáp, hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, khi thực tập ở resort, khách nước ngoài khá nhiều mà vốn tiếng Anh của chúng em còn hạn hẹp nên ngay sau đợt trải nghiệm này, bản thân em sẽ nỗ lực học thêm ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng giao tiếp, phục vụ tốt hơn cho công việc sau khi ra trường”, sinh viên Huỳnh Tấn Hùng nói thêm.

Hiện Hùng, Huyền và các bạn sinh viên ngoài việc học còn tranh thủ làm thêm tại quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố để vừa có thêm kinh phí trang trải cho việc học tập, vừa trau dồi thêm các kỹ năng nghề.

Đẩy mạnh liên kết

Nhiều doanh nghiệp và trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng đang đẩy mạnh hợp tác, liên kết, cho sinh viên đến kiến tập, thực tập với mong muốn gắn kết giữa việc học với thực tiễn, giúp các bạn trẻ hình dung rõ hơn về công việc và có thêm trải nghiệm.

Chị Thành Thị Tường Vi, Phó phòng Kinh doanh tại Sandy Beach Non Nước Resort cho biết, mấy năm gần đây, các trường ĐH như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Đông Á... đẩy mạnh việc phối hợp với Sandy Beach triển khai các chương trình trải nghiệm thực tế đối với những môn học liên quan đến du lịch, dịch vụ, nghiệp vụ khách sạn.

Việc liên kết không những giúp resort giới thiệu được các dịch vụ, sản phẩm đang có đến người dân, du khách mà còn giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm, cọ xát thực tế. “Qua nhiều khóa sinh viên các trường về thực tập, thực tế, kiến tập tại resort, mình thấy các em nhiệt tình, năng động, ham học hỏi. Nhiều bạn thực tập tốt đã được giữ lại làm việc ở các bộ phận phù hợp. Đây là cách tạo cơ hội việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao”, chị Vi chia sẻ.

Là người trực tiếp dẫn sinh viên trong nhiều chuyến tham quan, học tập trải nghiệm tại doanh nghiệp, Thạc sĩ Tô Văn Hạnh, giảng viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm bày tỏ: “Với phương châm “Học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn, nhà trường gắn liền với doanh nghiệp và xã hội”, những năm qua, việc cho sinh viên học tập, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp luôn được nhà trường đẩy mạnh vì nó gắn chặt với kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường”.

Thạc sĩ Tô Văn Hạnh dẫn chứng đợt thực tập, thực tế tại Sandy Beach Non Nước Resort đã trang bị cho sinh viên những kỹ năng thực tiễn có tính chuyên sâu về nghiệp vụ khách sạn (lễ tân, buồng phòng), nghiệp vụ nhà hàng và những kiến thức liên quan đến kinh doanh phục vụ du khách, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, xác định được môi trường và tính chất công việc của nghề...

“Trường còn thường xuyên tổ chức các hội thi cho sinh viên thử sức với nghề hướng dẫn viên du lịch hay những hoạt động kết nối doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên”, Thạc sĩ Tô Văn Hạnh cho biết thêm.

ĐAN TÂM

;
;
.
.
.
.
.