Với vị trí địa chính trị là cửa ngõ của kinh thành Huế, vùng đất Đà Nẵng được nhà Nguyễn ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển ở khu vực cửa Hàn, xem việc bảo vệ cửa biển này như bảo vệ yết hầu của kinh đô Huế.
Tranh vẽ về một chợ tạm của người Pháp và Tây Ban Nha ở vùng tạm chiếm trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Chợ tạm được hình thành chỉ trong vòng hơn một năm khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng năm 1858. (Ảnh tư liệu) |
1. Ở vùng đất Đà Nẵng thời kỳ sau-sáp-nhập-vào-Quảng-Nam-dinh, người Đại Việt tiếp tục chuyển cư/cộng cư theo đòi hỏi của tiến trình Quảng-Nam-mở-cõi. Kết quả tiếp biến văn hóa Đại Việt - Champa ở giai đoạn sau-Huyền-Trân trên vùng đất này càng được phát huy, nhất là tư duy đại dương/hướng biển, thể hiện qua việc các Chúa Nguyễn bắt đầu khai phá và chiếm hữu thực sự quần đảo Hoàng Sa đương còn vô chủ, chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào - Đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, hay chắc chắn là từ thời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần… Đây cũng là thời kỳ vùng đất Đà Nẵng lần đầu tiên tiếp cận với tàu thuyền các nước phương Tây đến giao thương và truyền giáo. Chẳng hạn, nhờ công quảng bá của thuyền trưởng tàu Albuquerque Atonio Da Faria - người phương Tây đầu tiên đặt chân lên vùng đất này vào năm 1535, nhiều thương nhân Bồ Đào Nha đã đến buôn bán ở khu vực cửa Hàn, tạo điều kiện để vùng đất Đà Nẵng - thông qua cửa Hàn và Lộ Cảnh giang/sông Cổ Cò, sớm trở thành tiền cảng của đô thị cổ Hội An - một kiểu “đặc khu kinh tế” đương thời, góp phần đáng kể vào sự phát triển của Đàng Trong.
Cũng trong thời kỳ này, cửa Hàn chứng kiến hai sự kiện chính trị/ngoại giao: Một là sự kiện năm Đinh Tỵ 1617, do vùng đất Đà Nẵng bị hạn hán nghiêm trọng, để an dân, Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên buộc phải đóng cửa cư sở truyền giáo/ residentia của dòng Tên mới thành lập vào năm 1615 tại khu phố người Bồ Đào Nha ở khu vực cửa Hàn và hạ lệnh trục xuất các giáo sĩ dòng Tên - trong đó có Francesco Buzomi và Francesco de Pina. Hai là sự kiện năm Kỷ Mùi 1679 - sách Đại Nam thực lục Tiền biên chép: “Tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến cùng Cao Lôi Liêm tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ”, Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đã quyết định đưa các bồ thần này vào Biên Hòa và Hà Tiên để lập nghiệp - như một cách góp phần vào tiến trình Quảng-Nam-mở-cõi.
2. Sau hơn 120 năm chia đôi đất nước qua giới tuyến sông Gianh, từ năm Nhâm Tuất 1802, vùng đất Đà Nẵng đã trở thành một địa bàn quan trọng trong đất nước thống nhất và từ thời vua Gia Long, cửa biển Đà Nẵng được xem là cửa ngõ ngoại giao/ngoại thương duy nhất của nước ta. Tháng 10 năm Ất Mùi 1835, vua Minh Mạng hạ lệnh cho các quan tấn thủ trong cả nước: “Lệ tàu phương Tây đậu ở cửa Đà Nẵng, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán. Phép nước rất nghiêm không được làm trái, phải trở ra biển lập tức, không được vào cửa”(1). Đi đôi với quy định này, nhà Nguyễn cho xây dựng hai kho chứa hàng hóa lớn ở Mỹ Thị và Cu Đê .
Vùng đất Đà Nẵng được nhà Nguyễn ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển ở khu vực cửa Hàn, xem việc bảo vệ cửa biển này như bảo vệ yết hầu của kinh đô Huế. Nhiều đại thần có tư duy quân sự và tầm nhìn chiến lược như Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương… được triều đình cử vào vùng đất Đà Nẵng khảo sát thực địa để tham mưu thiết kế hoặc trực tiếp chỉ đạo thi công một số công trình phòng thủ như thành Điện Hải và thành An Hải ở hai bên bờ sông Hàn, như pháo đài Phòng Hải ở bán đảo Sơn Trà… Khi tảng đá sa thạch trên Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng cho khắc ba chữ Vọng Hải Đài vào năm Đinh Dậu 1837 thì đó không còn là một tảng đá nữa mà trở thành một loại tư duy - tư duy vọng-hải-đài xa rộng của người đứng đầu đất nước lúc bấy giờ. Với tư duy vọng-hải-đài của vua Minh Mạng, Hải Vân quan không chỉ và chủ yếu cũng không phải là một trạm kiểm soát trên đường thiên lý Bắc Nam, mà quan trọng là một trạm kiểm soát đăng cao vọng viễn theo hướng Tây Đông để quan sát bằng ống nhòm hiện đại của chính phương Tây tình hình tàu thuyền nước ngoài hằng ngày ra vào cửa biển Đà Nẵng.
Tương tự, đối với tiền tuyến thực sự của cửa biển Đà Nẵng - hòn Sơn Trà từng được Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi nhận “là mốc giới phía Bắc của cửa biển Đà Nẵng”. Với tư duy vọng-hải-đài-đổi-mới của vua Minh Mạng, hòn Sơn Trà/cù Lao Hàn/hòn Chảo đầu sóng ngọn gió không thể nằm ngoài hệ thống phòng thủ cửa biển này. Năm Canh Tý 1840, vua Minh Mạng đặt tên cho “mốc giới phía Bắc” ấy là Ngự Hải đảo nhằm nhấn mạnh vị thế phòng ngự của đảo tiền tiêu này. Để có thể theo dõi các cuộc tiến công của những thế lực thù địch từ phía biển, vua Minh Mạng cho đặt ở đảo Ngự Hải một đài phong hỏa, cử người canh gác ngày đêm, mỗi khi có biến là đốt lửa báo tin. Các vị vua đầu triều Nguyễn không chỉ quan tâm đến Hòn Sơn Trà là đảo gần bờ mà còn quan tâm đến đảo xa bờ - đương thời vẫn chưa giao cho vùng đất Đà Nẵng quản lý - là quần đảo Hoàng Sa. Công cuộc xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khởi đầu từ thời các chúa Nguyễn được tiếp tục sau năm 1802 với nhiều sự kiện lịch sử nổi bật, đáng kể nhất là sự kiện năm Bính Thìn 1816, vua Gia Long cử thủy quân ra kéo lá cờ của nước Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và trở thành nguyên thủ Việt Nam đầu tiên xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa theo đúng thông lệ quốc tế.
Đây cũng là thời kỳ vùng đất Đà Nẵng coi trọng việc học, từ học chữ đến học nghề. Nền giáo dục khoa cử Nho học của triều Nguyễn đương thời bắt đầu nổi lên một số tên tuổi là cư dân vùng đất Đà Nẵng. Nổi bật ở vùng đất Đà Nẵng thời kỳ sau năm 1802 là việc dạy nghề và học nghề theo kiểu cha truyền con nối; qua đó, ngoài việc tiếp tục phát triển nghề làm ruộng và nghề chài lưới, còn duy trì và phát triển một số nghề và làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như nghề và làng nghề điêu khắc đá ở làng Quán Khái, huyện Diên Phước (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) hình thành vào khoảng thế kỷ XVII và có nguồn gốc từ những lưu dân Thanh Hóa, từng được Lê Quý Đôn ghi nhận trong Phủ biên tạp lục và sớm phát triển thành một thương hiệu rất mạnh vào đầu thế kỷ XIX.
3. Năm Mậu Ngọ 1858 được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại vì trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải khởi sự từ ngày 1-9 dương lịch, Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước căng mình đối phó với đại bác tàu đồng của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha, cuối cùng đã đánh bại được cuộc tấn công quân sự này. Thế nhưng, cùng với các cứ điểm phòng thủ ven biển và thành An Hải bên hữu ngạn sông Hàn, thành Điện Hải bên tả ngạn sông Hàn cũng nhanh chóng thất thủ.
Thành trì đã không giữ được nước. Chỉ có lòng dân mới giữ được nước. Dưới quyền chỉ huy của Trần Hoằng, Đào Trí, Lê Đình Lý, Tống Phước Minh và nhất là của Nguyễn Tri Phương, những thường dân Đà Nẵng đã thành nghĩa sĩ cùng với quan quân triều đình tắm mình vào khói lửa chiến tranh. Người dân Đà Nẵng phải tự tay mình châm lửa đốt nhà để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, góp phần vào việc cầm chân quân thù, làm thất bại âm mưu đánh nhanh chiếm nhanh của địch, góp phần làm nên chiến thắng đầu tiên và duy nhất của Đại Nam từ khi khởi sự chiến tranh cho đến khi người Pháp hoàn toàn áp đặt nền cai trị trên toàn bộ lãnh thổ nước ta cũng như trên toàn cõi Đông Dương(2).
Sau thất bại ở mặt trận Đà Nẵng trong cuộc chiến 1858-1860, Pháp đã giành được ưu thế ở nhiều chiến trường trong cả nước, lần lượt chiếm được toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh. Chỉ hơn hai thập niên kể từ cuộc chiến đấu của người Đà Nẵng dưới chân thành Điện Hải, với nhiều hòa ước thực chất là hàng ước bất bình đẳng, cao điểm là Hòa ước Quý Mùi 1883 và Hòa ước Giáp Thân 1884, Pháp đã chính thức đẩy nước ta từ giai đoạn mất đất sang giai đoạn mất nước. Lòng yêu nước lại tiếp tục bùng cháy và thôi thúc nhiều người Đà Nẵng như Nguyễn Hanh, Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Văn Diêu… tham gia Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam khởi sự từ năm Ất Dậu 1885 để tiếp tục đấu tranh vũ trang chống Pháp; nhưng đến năm Đinh Hợi 1887, Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam xem như đã cáo chung. Và chỉ một năm sau - năm Mậu Tý 1888, vùng đất Đà Nẵng được chuyển giao cho Pháp để trở thành Tourane nhượng địa kéo dài hơn 60 năm.
BÙI VĂN TIẾNG
----------------------
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều Chính biên toát yếu, Nxb. Thuận Hóa, 1998.
(2) Bùi Văn Tiếng, Tầm vóc lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc 1858, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 25-2-2018.