Khi Sài Gòn nén đau...

.

Nhạc gia của tôi là người miền Nam, gốc gác tổ tiên miền Tây Nam Bộ nhưng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn từ nhỏ cho đến nay gần 80 năm cuộc đời, nên có thể tự tin nhận mình là “người Sài Gòn”.

Mười mấy năm làm rể, tôi quan sát thấy nhạc gia - người Sài Gòn hiếm khi nói về mình, về dân thành phố, ngay cả những lúc được hỏi. Nhờ công việc có độ quảng giao rộng, tôi được dịp tiếp xúc với nhiều người Sài Gòn gốc, là trí thức, thương gia, cán bộ chính quyền…, cũng thấy họ chẳng mấy khi tự trào về bản thân. Đặc biệt, chưa từng nghe họ tự ca ngợi người Sài Gòn, thành phố Sài Gòn rộng lớn, giàu có.

Nhờ các yếu tố địa - chính trị, văn hóa và kinh tế thuận lợi, cộng với phẩm chất năng động, sáng tạo, đột phá mang tính đặc hữu, thành phố trẻ mới hơn 320 năm tuổi này nay đã sớm trở thành đô thị dẫn đầu cả nước về nhiều mặt. Sài Gòn cũng từ đó trở thành miền đất lành, dang rộng vòng tay đón con dân tứ xứ về mưu sinh, dựng nghiệp và định cư, cùng chung tay xây dựng thành phố ngày càng lớn mạnh.

Chịu ảnh hưởng bởi tánh khí phương Nam chơn chất, hào sảng, lại có điều kiện về kinh tế, Sài Gòn nhờ vậy cũng luôn mở lòng đùm bọc, sẻ chia với 62 tỉnh, thành còn lại. Bất cứ nơi đâu gặp khó khăn, hoạn nạn vì thiên tai, dịch bệnh…, người Sài Gòn- chẳng cần ai nhắc - chủ động tìm về và hỗ trợ, cưu mang.
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh “vì cả nước, cùng cả nước”, không tính toán, kể công… Và, ngay cả khi đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, Sài Gòn là địa phương gánh chịu tổn thất nặng nề nhất, thì thành phố này cũng chẳng than van.

Ấy thế nhưng, có chuyện nơi này nơi kia, doanh nghiệp này, hội nhóm kia, trên đường tình nguyện về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ phòng, chống dịch, chưa kịp làm gì mà đã quá lời: “Đi giải cứu Sài Gòn”. Ngay cả một hãng hàng không cũng thiếu cẩn ngôn khi ban hành thông cáo, với mỗi việc chở đoàn tình nguyện vào Nam thôi mà đã nói phóng lên “mở ra đường Hồ Chí Minh trên không”, hay là “tiếp sức cho chiến trường miền Nam chống dịch”...(!)

Không phải Sài Gòn không cần tiếp sức; mà ngược lại, luôn hân hạnh đón nhận và biết ơn mọi sự giúp đỡ, dù ít hay nhiều. Nhưng thành phố này đang cần sự chung tay thực sự, bằng thực tâm và thực việc chứ không phải những hành động có tính chất trình diễn.

Cũng vì thiếu cẩn ngôn, cũng vì thiếu kiên nhẫn và cũng vì thiếu tôn trọng lẫn nhau nên đã có lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, gây nên sự miệt thị vùng miền và chia rẽ, xào xáo nhơn tâm. Nhiều KOL (người có tiếng nói ảnh hưởng trong công chúng) nhân danh người Sài Gòn mắng chửi các đoàn tình nguyện không thương tiếc, kể cả một vài người mới có chút danh cũng thừa cơ lên giọng, thể hiện tiếng nói rất khó nghe.

Trong lúc tôi viết những dòng này thì Thành phố Hồ Chí Minh vừa bước qua ngày kỷ niệm tròn 45 năm đổi tên từ Sài Gòn - Gia Định (2-7-1976 - 2-7-2021), lẽ ra phải có một đại lễ xứng tầm nhưng thành phố tạm gác lại niềm vui, ưu tiên dồn sức chống dịch. Dẫu đang đối phó với dịch bệnh, song Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không quên nhiệm vụ Trung ương giao: nỗ lực góp phần vào tổng thu ngân sách toàn quốc.

Tương thân tương ái là cái nghĩa đồng bào riêng có của người Việt, phải duy trì và khơi dậy. Động thái hỗ trợ bằng tiền mặt của các tỉnh, thành: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Trị…, hay cuộc vận động góp cá của Quảng Bình cho Thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi có ý nghĩa tinh thần lớn, đáng quý. Hơn lúc nào hết, càng khó khăn vì Covid-19 thì càng phải đoàn kết, nếu lao vào những cuộc tranh luận bất hòa triền miên trên mạng thì có nguy cơ sa vào bẫy của thế lực nào đó đã âm thầm giăng ra…

Đâu chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, mà cả nước cũng luôn giữ truyền thống đoàn kết và đoàn kết hơn nữa để thắng kẻ thù Covid-19!

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.