Làm sao mà quên được

.

Có một ngày mà Thomas Muller sẽ cố quên trong đời mình. Ngày ấy xảy ra trên sân Wembley của nước Anh, nơi đội tuyển Đức bị chủ nhà Anh đánh bại 0-2 và bị loại tức tưởi ngay tại vòng 1/8 Euro 2020. Một tờ báo Anh chạy vội những dòng này kèm bức ảnh tiền đạo Đức quỳ gối trên cỏ, tay ôm đầu và mắt thất thần hướng về phía trời xa như muốn hỏi.

Thomas Muller (bìa trái) tiếc nuối sau khi sút bóng đi chệch khung thành, bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ở phút thứ 81 trong trận gặp Anh.  Ảnh: AP
Thomas Muller (bìa trái) tiếc nuối sau khi sút bóng đi chệch khung thành, bỏ lỡ cơ hội ghi bàn ở phút thứ 81 trong trận gặp Anh. Ảnh: AP

Nếu con người có thể nêu các thắc mắc trái ngang với tạo hóa thì hẳn anh ta sẽ nhờ giải thích giùm vì lẽ gì mà cú sút trong thế trống trải như thế lại khiến bóng bay chệch cầu môn trong gang tấc. Muller là chân sút thuộc hàng đầu của bóng đá Đức và là nòng cốt trong thế công của người khổng lồ Bayern Munich.

Rất hiếm khi anh bỏ lỡ những pha ngon ăn như thế trong các cuộc tranh tài cấp câu lạc bộ, huống chi đây là trận đấu mất còn ở đấu trường châu lục, được hàng triệu người Đức trông chờ. Đường chuyền tinh ý của đồng đội trẻ Kai Havertz đặt anh vào thế một mình đối diện cầu môn rộng mở. Vẫn có đủ thời giờ và không gian để Muller nắn nót dù hậu vệ đối phương bám riết. Jordan Pickford lúc ấy đang bấn loạn giữa khung thành. Vậy mà…

“Đó là khoảnh khắc mà mọi thứ nằm trong tay và mình đủ sức, đủ tài để vực cả đội hình đứng dậy bằng một cú ra chân chính xác gỡ hòa. Cả cộng đồng sẽ hạnh phúc nếu bóng vào lưới, sao tôi lại sút ra ngoài!”. Những lời này Muller viết sáng hôm sau, lúc rời London. Anh viết như một lời trần tình với giọng nhiều hối lỗi và bảo đến lúc ấy mình vẫn còn thấy đau, một nỗi đau thống thiết tựa hồ đang rơi xuống địa ngục: “Tôi đã làm đồng đội, huấn luyện viên, cổ động viên và biết bao người tổn thương vì thất vọng. Nỗi đau sẽ còn dài!”.

Chính nỗi dằn vặt khiến Muller mất ngủ chứ không phải những lời đay nghiến chê bai, dù anh hiểu chưa bao giờ mình hứng chịu đủ lời chê trách cay nghiệt như lúc này. Cả người đàn anh Jurgen Klinsmann từng mặc áo tuyển thủ và từng không ít lần bỏ lỡ những bàn thắng mười mươi cũng quay ra hạch tội đàn em không thương tiếc: “Cả nước trông cậy cậu ấy và rồi cậu ấy đáp lại phũ phàng thế đấy!”.

Nói câu này với giọng đắng cay, Klinsmann dẫn ra cơ sở của niềm tin: Ở World Cup 2010, chính Muller ghi hai bàn giúp tuyển Đức đánh bại tuyển Anh và rằng trong các cuộc đối đầu chính thức gần đây ở nhiều giải đấu lớn, phần thắng thường nghiêng về phía Đức.

Nhưng nếu nhắc đến điều này thì chẳng riêng Muller có một ngày để quên mà cả nền bóng đá Đức cũng có một đêm để đừng nhớ đến. Anh vẫn xem Đức là đối thủ khó chịu nhất, thường cản trở hành trình đi sâu của họ ở các giải đấu từ sau năm 1966. Nhiều thế hệ tuyển thủ Anh vẫn nung nấu khát vọng trở thành những người đầu tiên giúp đội tuyển vượt qua cái “dớp” đầy mặc cảm này.

Cách ăn mừng bàn thắng của Raheem Sterling và đội trưởng Harry Kane nói hết điều này. Không chỉ là trận thắng giành quyền vào tứ kết Euro, đêm Wembley vừa rồi ghi dấu chiến công của một thế hệ biết dùng tài năng và lòng quả cảm để rửa sạch vết buồn chiến bại lưu cửu hằng nửa thế kỷ qua.

“Đã đến lúc chúng ta cần làm lại”. Chính Joachim Low thừa nhận điều này sau khi chỉ ra đội tuyển của mình chơi kém hiệu quả, không làm chủ thế trận nên bị đối phương trừng phạt. Ghế thuyền trưởng của Low sắp phải nhường lại nhưng lẽ nào người Đức yêu bóng đá lại bỏ ngoài tai khuyến cáo thực dụng này.

Họ sẽ đứng dậy làm lại để cái đêm London kia không hề đáng quên!

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.