NỖ LỰC VƯỢT QUA DỊCH BỆNH

Người lao động vượt khó

.

Hai năm nay, do diễn biến phức tạp của Covid-19, người lao động, doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch vô cùng khó khăn. Để vượt qua khó khăn, người chuyển hướng kinh doanh, người làm đủ nghề để tìm nguồn thu tạm thời… chờ ngày ngành du lịch khởi động trở lại.

Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn khách tham quan khu du lịch Bà Nà Hills. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh xảy ra) Ảnh: THANH TÌNH
Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn khách tham quan khu du lịch Bà Nà Hills. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh xảy ra) Ảnh: THANH TÌNH

1. Chuẩn bị xong bữa ăn tối cho gia đình, chị Võ Thị Khánh Huyền (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) lên xe máy khệ nệ buộc thùng hàng vào sau xe đi giao cho khách. Hàng hóa chị Huyền giao chủ yếu là trái cây, thực phẩm sạch từ quê, hàng gia dụng hay thực phẩm chức năng dành cho mẹ và bé. Chị Huyền vừa đi, vừa nói vui: “Dịch miết thế này chắc chẳng mấy chốc mình thành người đi buôn thứ thiệt”.

Chị Huyền có gần 14 năm làm việc trong ngành khách sạn, thu nhập lúc đó ngoại trừ chi phí sinh hoạt hằng ngày, mỗi tháng dành dụm được một khoản tiền kha khá phòng khi con cái ốm đau. Thế nhưng, kể từ tháng 3-2020, các đợt Covid-19 bùng phát liên tiếp, khách sạn đóng cửa, chị Huyền phải ở nhà nên chuyển hướng bán hàng online. “Nhà có 4 người, chỉ dựa vào số tiền thu nhập của chồng thì không đủ chi tiêu cho cả nhà nên tôi phải tìm việc làm. Cũng nhờ bán hàng online, tôi mới có thêm tiền mua bỉm, sữa cho con”, chị Huyền tâm sự.

Anh L.N.B - hướng dẫn viên (HDV) du lịch quốc tế (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cũng mất việc làm do ảnh hưởng Covid-19. Gần 10 năm làm nghề HDV du lịch, anh B. cho biết, tầm này vào mọi năm trước, khách đến Đà Nẵng rất đông, những HDV du lịch như anh luôn kín lịch làm việc. Nhưng nay do dịch bệnh, các HDV du lịch, đặc biệt là HDV làm việc tự do lâm vào cảnh thất nghiệp.

Anh B. bộc bạch: “Tôi thất nghiệp đúng lúc vợ sinh con thứ hai, lúc đó tôi chỉ nghĩ là có thêm thời gian chăm sóc vợ con nhưng dịch bệnh kéo dài đến tận bây giờ buộc tôi phải nỗ lực tìm việc. Sau khi đã thử nhiều cách, làm nhiều công việc, tôi quyết định góp vốn cùng các anh em trong ngành mở cửa hàng chuyên kinh doanh về thiết bị vệ sinh. Cửa hàng mở ra trong thời điểm dịch bệnh nên còn nhiều khó khăn, song ít nhất tôi cũng tìm được cho mình hướng đi”.

2. Gần 5 năm kinh doanh ngành hàng ăn uống, thực phẩm, chị Nguyễn Lê Nguyên Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Tổng hợp Mây (Cloud Group) cho biết, công ty hoạt động ở 2 lĩnh vực: cung cấp các nguyên vật liệu, dụng cụ, máy móc phục vụ nhà hàng, khách sạn, các quán cà phê (Cloud Mart) và mở một quán cà phê sân vườn Cloud Garden Coffee. Trước khi Covid-19 xảy ra, trong mùa du lịch cao điểm, công ty của chị Phượng vừa phục vụ nhu cầu nội địa, vừa đáp ứng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng tham quan, mua sắm. Song, khi dịch bùng phát, công ty bị ảnh hưởng lớn, doanh thu giảm gần 2/3.

Chị Phượng bày tỏ: “Đợt dịch đầu tiên là cơ hội để tôi rà soát lại toàn bộ hoạt động của công ty, cải tổ đội/nhóm, chọn lọc những nhân sự hoạt động hiệu quả… Nhưng năm nay, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp buộc tôi phải chuyển hướng sang đẩy mạnh kênh bán hàng online. Tôi tìm hiểu, học hỏi và khai thác, tận dụng tối đa các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo…; đồng thời gia nhập cộng đồng kinh doanh các sản phẩm giống của mình để tìm kiếm khách hàng cũng như lưu thông nguồn hàng, duy trì hoạt động công ty”.

Công ty của chị Phượng chủ yếu kinh doanh theo lối truyền thống là tư vấn, báo giá trực tiếp cho khách hàng, nhưng nay việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, nhất là tận dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử là cách giúp công ty sống chung với dịch. Cũng theo chị Phượng, trước đây, việc bán hàng qua các sàn giao dịch cho doanh thu khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi ngày thì nay doanh thu tăng gấp 2-3 lần (chỉ tính riêng doanh thu bán hàng qua sàn thương mại điện tử).

Tương tự, chị N.T.V.V (chủ một homestay ở địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu) cũng đang từng ngày tìm cách thay đổi phương thức kinh doanh. Chị V. kinh doanh lĩnh vực cho thuê căn hộ, đối tượng chính là khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam; ngoài ra, kết hợp bán tour tuyến du lịch và dịch vụ vận chuyển khách tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Khi Đà Nẵng xuất hiện đợt dịch đầu tiên đến nay, toàn bộ khách hủy phòng đã đặt, homestay của chị V. đóng cửa tạm thời. Lúc đầu, chị V. nghĩ dịch bệnh chỉ xảy ra trong vài tháng nên tranh thủ thời gian ngừng kinh doanh để nâng cấp, sửa chữa homestay đợi đón khách trở lại.

Tuy nhiên, giờ đây chị phải chuyển từ việc cho thuê căn hộ theo ngày sang cho thuê dài hạn theo tháng và tập trung phục vụ khách địa phương. Tuy giá thấp hơn, chưa kể phải liên tục giảm giá phòng để hỗ trợ khách trong thời điểm dịch bệnh, nhưng đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để duy trì hoạt động homestay.

3. Trước những tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch, Hội HDV Du lịch Đà Nẵng liên tiếp tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để các HDV không “quên nghề”; đồng thời, phối hợp các sở, ngành và nhiều đơn vị tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi công việc cho đội ngũ HDV.

Chủ tịch Hội HDV Du lịch Đà Nẵng Võ Văn Anh cho biết: “Từ năm ngoái đến nay, chúng tôi phối hợp đào tạo nhiều lớp thiết kế mô hình kinh doanh cho đội ngũ HDV du lịch để nếu chuyển hướng kinh doanh thì họ cũng được trang bị những kiến thức cơ bản nhất. Song song đó, chúng tôi tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn cho đội ngũ HDV quốc tế nếu họ muốn chuyển qua HDV du lịch nội địa và không thu phí đối với HDV là hội viên”.

Đà Nẵng hiện có khoảng 4.700 HDV quốc tế và nội địa được Sở Du lịch quản lý và cấp thẻ hướng dẫn. Con số HDV lớn đồng nghĩa với việc người thất nghiệp do Covid-19 cũng nhiều. Vì vậy, đại diện Hội HDV Du lịch Đà Nẵng Võ Văn Anh mong muốn thành phố có thêm chính sách hỗ trợ đối với lực lượng lao động là HDV du lịch để giúp họ vượt khó; đồng thời hỗ trợ kinh phí để Hội HDV Du lịch thành phố mở thêm các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng HDV.

Theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, để hỗ trợ lực lượng HDV du lịch nói riêng và người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng Covid-19 nói chung, từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Du lịch phối hợp Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố đề xuất thành phố hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi theo phương thức tín chấp. Các đề xuất này đã được lãnh đạo thành phố đồng ý; các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh việc ra bộ điều kiện và bố trí nguồn tiền hỗ trợ. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiến hành hướng dẫn người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở các lớp tập huấn, cho người lao động đăng ký vay vốn nếu đáp ứng đủ yêu cầu trong bộ điều kiện vay vốn.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh, việc làm này rất có ý nghĩa, nhất là trong thời điểm gần 2 năm nay đội ngũ HDV, nhân viên khách sạn, nhân viên các khu/điểm du lịch, lái xe mất việc vì dịch bệnh. Tuy nhiên, vì vay tín chấp nên bộ điều kiện rất chặt chẽ, cụ thể: người lao động phải bảo đảm các điều kiện như có hộ khẩu tại Đà Nẵng, là thành viên của các Hội, Hiệp hội Du lịch và được Hội, Hiệp hội giới thiệu vay vốn. Đặc biệt, người lao động phải có đề án chuyển đổi ngành nghề khả thi để bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.

Cũng theo ông Dũng, Hiệp hội Du lịch khuyến khích người lao động vay vốn thực hiện các đề án liên quan đến du lịch, sao cho khi ngành du lịch phát triển trở lại, họ vẫn có thể trở lại làm việc, tránh tình trạng ngành du lịch thiếu hụt nguồn nhân lực sau dịch bệnh. Ngoài đối tượng người lao động, ông Dũng cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, giảm tiền ký quỹ cho các công ty lữ hành quốc tế, giảm tiền thuê đất... Sắp tới, Hiệp hội Du lịch sẽ đề xuất thành phố giảm lãi vay hoặc giãn nợ nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Tìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng