Mỗi năm, hàng trăm gia đình chính sách được địa phương hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-7-2017 của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công cách mạng. Nhờ chính sách nhân văn này, nhiều gia đình có điều kiện cải thiện không gian sống, chăm chút nơi thờ tự cũng như vơi dần nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến.
Bà Nguyễn Thị Vinh (75 tuổi, thương binh 4/4, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) về ở căn hộ 302, Chung cư A6 Vũng Thùng nằm trên đường Phạm Huy Thông, phường Nại Hiên Đông. Ảnh: T.Y |
Đứng trước căn nhà mới xây xong phần thô, bà Đinh Thị Bé (con liệt sĩ, tổ 69, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nói điều làm bà vui nhất là từ nay gia đình có nơi thờ tự ấm cúng và khang trang. Chuyện dỡ bỏ ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm thấp để xây mới không phải là quyết định dễ dàng với bà Bé, nếu không có sự động viên, hỗ trợ 60 triệu đồng từ UBND quận Sơn Trà.
Niềm vui từ chính sách hỗ trợ nhà ở
Bà Đinh Thị Bé kể, mùa mưa bão năm 2020 kéo dài khiến ngôi nhà cấp 4 của gia đình xuống cấp trầm trọng, khu vực thờ cúng thấm dột, chân tường xuất hiện vài vết nứt. Nhìn công trình xây dựng từ năm 1985 ẩm mốc, bà Bé không khỏi lo lắng. Gia đình nhiều lần bàn tính chuyện cất nhà mới, nhưng số tiền dành dụm được quá ít ỏi. Cuối năm đó, trong lần đón cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công phường Thọ Quang xuống khảo sát tình trạng nhà ở hộ gia đình chính sách, bà Bé bày tỏ mong muốn có ngôi nhà mới để vơi bớt nỗi lo mùa mưa, bảo đảm hương khói liệt sĩ. Được sự động viên của cán bộ phường, bà viết đơn xin hỗ trợ kinh phí xây nhà mới. Đơn của bà được cấp trên duyệt mức hỗ trợ 60 triệu đồng. Nghe tin này, bà Bé mừng lắm. Viên gạch đầu tiên đã có, gia đình bà quyết tâm khởi công xây dựng trên nền đất ông bà để lại.
Ngày bà Bé tháo dỡ ngôi nhà cũ, bà con hàng xóm khấp khởi vui cùng. Người mang đến biếu thợ gói trà, người mua cho vài gói thuốc. Niềm vui xây nhà hòa lẫn trong niềm vui được chính quyền, bà con hàng xóm quan tâm khiến nước mắt bà Bé cứ rơi. Gần 5 tháng khởi công, ngôi nhà nhỏ đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. “Nếu không có gì thay đổi thì cuối tháng 7 này nhà xây xong, 7 thành viên trong gia đình sẽ có nơi ở mới khang trang. Điều tôi thấy mừng nhất là từ nay gia đình có nơi thờ tự ấm cúng, không còn lo nắng, lo mưa”, bà Bé chia sẻ.
878 là số căn nhà hỗ trợ hộ gia đình chính sách xây mới và sửa chữa trong năm 2021 trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó xây mới 216 căn. Trung bình mỗi căn xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng, mỗi căn sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vận động khác. Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng |
Trong ngôi nhà nhỏ thoang thoảng khói trầm tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Năng chậm rãi kể với chúng tôi chuyện an cư. Từ ngày chồng hy sinh, bà ở vậy, bươn chải nuôi hai con khôn lớn. Ngôi nhà 3 gian xuống cấp, mục nát mà không có tiền sửa chữa. Khi trời mưa lớn, nước thấm qua lớp tôn lủng, chảy dần xuống chân tường gây ẩm mốc. Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm trước. Nay, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và vay mượn thêm, bà Tuyết đã cất được ngôi nhà mới. Trong ngôi nhà đó, bà ngày ngày chăm chút gian thờ, nơi đặt bài vị người chồng liệt sĩ. “Từ ngày có nhà mới, việc thờ cúng chồng tươm tất hơn, đây là điều tôi an lòng nhất tuổi xế chiều”, bà Tuyết bộc bạch.
Xây dựng nhà ở là công trình tâm huyết đời người, nhưng không phải ai cũng may mắn có được niềm vui đó. Bà Nguyễn Thị Vinh (75 tuổi, thương binh 4/4, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) sau nhiều năm chật vật mưu sinh, đã quyết định bán căn nhà nhỏ, lấy tiền cho 3 con ra riêng. Tuổi già không nhà, bà Vinh về sống cùng gia đình con trai cả. Căn nhà nhỏ của vợ chồng trai cả vỏn vẹn 2 phòng ngủ và 1 gian thờ. Bà Vinh không nằm được máy lạnh nên kê một chiếc giường nhỏ dưới chân cầu thang làm chỗ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, phía trên cầu thang là giếng trời, chói chang ngày nắng, phía dưới rền rĩ tiếng máy bơm nước, máy giặt khiến giấc ngủ bà Vinh cứ chập chờn. Tuổi già bệnh tật, lại thêm mất ngủ triền miên khiến sức khỏe bà Vinh giảm sút.
Từ thực tế này, cuối năm 2020, bà Vinh viết đơn xin thành phố cho thuê căn hộ chung cư để yên tĩnh tuổi già. Sau 6 tháng ngược xuôi, bà Vinh vui mừng nhận quyết định về ở căn hộ 302, Chung cư A6 Vũng Thùng nằm trên đường Phạm Huy Thông (phường Nại Hiên Đông). Căn chung cư rộng chừng 43m2, gồm 1 phòng ngủ, khu vực nhà vệ sinh, phòng khách, bếp, trở thành nơi an cư của người phụ nữ từng tham gia phòng tuyến bảo vệ bờ biển Cửa Lò trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hằng ngày, bà Vinh dậy sớm tập thể dục, chăm tưới mấy chậu cây đặt ngoài ban công rồi đi chợ nấu ăn, đọc sách. Khu chung cư yên tĩnh giúp bà có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. “Sống một mình cũng buồn nhưng đổi lại tôi có nhiều thời gian chăm sóc bản thân. Tôi dự định sống ở đây một thời gian, khi nào già yếu, không thể tự chăm sóc sẽ về lại gia đình con trai”, bà Vinh bộc bạch.
Đồng hành gia đình người có công
Ông Bùi Phùng (SN 1957, con liệt sĩ, tổ 14, phường Hòa Khê) là một trong 21 trường hợp tại quận Thanh Khê được địa phương hỗ trợ xây mới nhà ở năm 2021. Ông Phùng cho biết, dựa theo chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở hộ gia đình có công, ông gửi đơn xin hỗ trợ xây mới nhà ở. Đơn của ông nhanh chóng được UBND quận Thanh Khê giải quyết và đưa vào danh sách hỗ trợ năm 2021.
Để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn, từ đầu năm, Thường trực Quận ủy Thanh Khê trực tiếp chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở hộ gia đình chính sách; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành đặc biệt quan tâm đến đối tượng chính sách là hộ nghèo, hộ khó khăn, phân công cán bộ theo dõi, nắm bắt tiến độ thi công và lập thủ tục chuyển kinh phí đúng quy định. Nhờ đó, các công trình xây mới, sửa chữa nhà ở đều bảo đảm kỹ thuật, hoàn thành trước mùa mưa bão.
Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) quận Thanh Khê, năm 2021, ngoài 21 trường hợp xây mới, toàn quận có kế hoạch sửa chữa cho 88 trường hợp khác với tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng (VietinBank) trực tiếp hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 26 trường hợp khác với số tiền 900 triệu đồng. Đặc biệt, đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở xuống cấp không có tiền tích lũy, UBND quận quyết định hỗ trợ thêm một phần kinh phí.
Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, hiện nay việc hỗ trợ gia đình người có công cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế từng gia đình. Ngoài số tiền hỗ trợ theo quy định, mỗi gia đình sẽ được UBND thành phố trích ngân sách tặng 1 chiếc tivi 32 inch, màn hình led.
Năm 2021 là năm thứ 8 cả nước thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công về nhà ở. Chính sách nhân văn này đã giúp hàng nghìn gia đình có công cách mạng có điều kiện cải thiện không gian, môi trường sống. Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Nguyễn Văn An cho biết, theo kế hoạch, năm 2021, toàn thành phố sẽ xây mới và sửa chữa 878 nhà ở cho hộ gia đình chính sách, trong đó xây mới 216 căn. Trung bình mỗi căn xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng, sửa chữa 20 triệu đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vận động khác.
Những trường hợp nhận hỗ trợ cơ bản đáp ứng những điều kiện theo quy định, dựa trên kết quả khảo sát từ các địa phương. Ngoài ngân sách Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương tích cực vận động nguồn lực xã hội hóa, tranh thủ sự giúp đỡ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đơn cử, trong số 216 trường hợp xây mới nhà ở trong năm nay, VietinBank hỗ trợ 5 tỷ đồng, số còn lại từ ngân sách thành phố và các nguồn xã hội hóa khác. Đối với gia đình chính sách đông con, thời gian tới UBND thành phố sẽ có kế hoạch bố trí căn hộ chung cư, dựa theo nội dung Đề án xây dựng các khu nhà chung cư bố trí cho gia đình người có công, giai đoạn 2020-2025, được ban hành tháng 12-2020.
Chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở mang đến niềm vui an cư cho nhiều gia đình chính sách. Tuy nhiên, thực tế có không ít ngôi nhà trong diện di dời, giải tỏa chưa được bố trí đất tái định cư nên khó khăn chuyện xây mới. Thậm chí, nhiều hộ nằm trong dự án treo, không bảo đảm điều kiện nhận hỗ trợ. Ông Nguyễn Hữu Công nói rằng, trong quá trình theo sát hoạt động này, điều ông trăn trở nhất là không ít trường hợp sống trong những ngôi nhà xuống cấp được phê duyệt danh sách hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhưng vì kinh tế khó khăn nên chưa thể tiến hành xây dựng trong năm.
TIỂU YẾN