Có nhiều cuốn sách viết về tỷ phú Elon Musk, nhưng vẫn còn nhiều điều người ta chưa hiểu hết về vị doanh nhân đặc biệt của làng công nghệ Mỹ. Đã có lúc ông Musk phải bước vào “canh bạc” cuộc đời khi dồn mọi tài sản vào những nỗ lực công nghệ mà không ai có thể dám chắc thành công.
Ông Elon Musk, tỷ phú người Mỹ sở hữu nhiều công ty cùng lúc và thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau như vận tải vũ trụ, xe điện, làm pin dự trữ năng lượng, xây dựng đường hầm… Ảnh: New York Times |
Tháng 8-2008, ông Musk chăm chú và vui vẻ theo dõi cuộc phóng tên lửa Falcon 1 do Công ty SpaceX của ông phát triển từ một đảo san hô trên Thái Bình Dương. Và rồi ông thất kinh, ngay sau khi tầng một của tên lửa được tách ra, nó đã gặp sự cố, lộn nhào không kiểm soát.
Thử thách ngàn cân
Toàn bộ những gì phóng theo tên lửa Falcon 1, trong đó có một vệ tinh của Không lực Hoa Kỳ, và phần tro cốt của cố diễn viên James Doohan (người nổi tiếng với vai diễn Scotty - kỹ sư trưởng trong loạt phim khoa học viễn tưởng Star Trek), đã lao xuống biển sau sự cố. Đó là lần thứ ba SpaceX thất bại khi phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Ông Musk đã không lên kế hoạch ngân sách cho lần phóng nào khác. “Tôi nghĩ nếu chúng tôi không thể đưa vệ tinh này lên quỹ đạo trong 3 lần thất bại”, sau này tỷ phú Mỹ bộc bạch về kỷ niệm đau đớn đó.
Vài tuần sau biến cố, ông Musk triệu tập cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao của Công ty xe điện Tesla và thông báo công ty sắp hết tiền. Lúc đó, họ đã “nướng sạch” hàng triệu USD tiền đặt mua trước mẫu xe điện cao cấp Roadster của nhiều khách hàng. Tesla đã hứa nhưng vẫn chưa thể giao xe.
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tỷ phú người Mỹ, gốc Nam Phi đã có một quyết định dứt khoát. Musk sa thải Giám đốc điều hành Tesla, tự bổ nhiệm mình vào vị trí đó và xúc tiến kế hoạch giảm 25% nhân sự.
Trong bữa tối với một trong các nhà đầu tư của công ty tại nhà hàng beefsteak ở thành phố Beverly Hills, bang California, ông Musk thừa nhận công ty chỉ còn tiền hoạt động trong 3 tuần nữa. Rồi ông rút ra chiếc điện thoại BlackBerry, khoe với nhà đầu tư hình ảnh mô phỏng mẫu xe hơi sang trọng ông dự kiến Tesla sẽ phát triển.
Đó là khoảng thời gian tồi tệ với SpaceX và Tesla đang bên bờ vực phá sản. Đó cũng là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới được đánh dấu bằng sự kiện Lehman Brothers - một trong những ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ - tuyên bố phá sản. Các ông trùm trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi như General Motors, Ford và Chrysler cũng mấp mé bên bờ sụp đổ.
Vì sao ông Musk thành công?
Hai cuốn sách mới nhất viết về ông Musk, cuốn Elon Musk and the Desperate Early Days that Launched SpaceX (tạm dịch: Elon Musk và những ngày đầu tuyệt vọng đã làm nên SpaceX) của Eric Berger (nhà báo của trang Ars Technica) xuất bản năm 2020, và cuốn Tesla, Elon Musk and the Bet of the Century (tạm dịch: Tesla, Elon Musk và canh bạc của thế kỷ) của tác giả Tim Higgins (nhà báo của báo Wall Street Journal) dự kiến phát hành vào đầu tháng 8 này, đã cố gắng giải mã những điều làm nên thành công của tỷ phú sinh năm 1971.
Cả hai tác giả, qua câu chuyện của họ, đều muốn độc giả thấy những thành công của Elon Musk bắt nguồn từ sự am hiểu sâu sắc về vật lý và công nghệ - những nền tảng khoa học phát triển sản phẩm của Tesla và SpaceX. Tác giả Eric Berger tập trung vào những thăng trầm trong các năm tháng đầu tiên của SpaceX, còn nhà báo Tim Higgins chọn kể về hành trình phát triển của Tesla - từ lúc tung ra thị trường mẫu xe hiện đại Roadster năm 2009 tới mẫu xe hạng sang Model S, sau đó là Model 3 - mẫu xe điện đang bán chạy nhất thế giới.
Cuối năm 2008, khi Tesla đối mặt với những vấn đề tài chính nan giải nhất, ông Musk quyết định sẽ nỗ lực hơn nữa để vực dậy doanh nghiệp. Ông trực tiếp đi vay tiền để duy trì công ty và thuyết phục các nhà đầu tư tin tưởng ông. Khi họ miễn cưỡng đồng ý, ông bật khóc.
“Ông ấy lúc đó đã đặt cược toàn bộ tài sản của mình”, nhà báo Higgins viết. “Từ những vực sâu của thời kỳ Đại suy thoái, ông ấy đã làm được điều mà các nhà sản xuất xe hơi khác của Mỹ không thể làm: tránh được phá sản”, ông Higgins viết tiếp.
Thời điểm ấy, ông Musk cũng quyết định sẽ phải thành công ở SpaceX. Ông tập hợp các nhân viên của công ty lại và thông báo có đủ bộ phận để thực hiện cuộc phóng tên lửa lần 4. “Chúng ta đã có một tên lửa khác. “Hãy trở lại hòn đảo và phóng nó trong 6 tuần nữa”, ông nói.
Sáng 28-9-2008, ông Musk đến trụ sở Công ty SpaceX để chỉ đạo vụ phóng tên lửa lần 4. Trong hơn 9 phút, ông và nhóm cộng sự theo dõi trên màn hình tên lửa phóng đi suôn sẻ, tầng thứ hai của Falcon tách ra mà không gặp bất cứ sự cố nào, phần hàng chở theo đã được đưa vào quỹ đạo. Trên sàn của nhà máy, hơn 100 nhân viên SpaceX bắt đầu nhảy múa, hò reo.
Công ty của họ đã được cứu, các chuyến bay vận tải hàng không do tư nhân thực hiện đã trở thành hiện thực. Lúc đó, Elon Musk bước ra và nhắc nhở họ vẫn còn nhiều việc nữa phải làm. “Đây chỉ là bước đầu tiên trong rất nhiều việc”, ông nói.
DƯƠNG KIM THOA (theo New York Times, SpaceX)