Ruộng khuyến học

.

* Ngày trước, loại ruộng dành riêng cho việc khuyến học (học điền) ở làng xã được bố trí như thế nào và hoạt động ra sao? (Ngô Ngọc Dũng, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

- Theo Từ điến tiếng Việt, học điền là ruộng đất dành riêng lấy hoa lợi để chi phí cho việc học ở một địa phương (cũ). Đây là loại ruộng do Nhà nước hay làng xã dành ra để khuyến khích việc học tập của nhân dân địa phương.

Theo học giả Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” (Quan Hải tùng thư, Huế, 1938), hình thức học điền xuất hiện đầu tiên ở nước ta từ năm 1398 dưới thời Hồ Quý Ly. Năm đó, Hồ Quý Ly đặt quan Giáo thụ tại các châu, các phủ những lộ Sơn Nam (nay là Nam Định); Ninh Bắc (nay là Bắc Ninh) và Hải Đông (nay là Hải Dương); tùy theo châu phủ lớn nhỏ mà cấp học điền là 15, 12 hay 10 mẫu.

Học điền được thực hiện tương đối đầy đủ hơn vào năm 1722 (thời Lê - Trịnh) và 1790 (thời Quang Trung). Loại ruộng này phổ biến trong các làng xã Việt Nam vào các thế kỷ XVII, XVIII và XIX; thông thường được chia tách thành ruộng nuôi thầy, ruộng giấy bút, ruộng khuyến khích học tập, ruộng thưởng những người đỗ đạt và được xem như thuộc sở hữu làng xã.

Năm Tự Đức thứ sáu (1853), vua định rằng xưa nay các thôn, xã ở trong kinh ngoài trấn, đôi nơi trích lấy ruộng công hoặc tậu ruộng tư đặt làm học điền. Đó cũng là phong tục tốt, nên chuẩn y ý nguyện của dân, lệnh cho bọn hào cường và lý dịch không được làm càn mà ngăn trở.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Mùi trong bài “Vài nét về tình hình giáo dục Nho học ở cấp làng xã qua tư liệu văn bia” đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4 (71) năm 2005 cho biết, việc đặt học điền thông qua hai hình thức là trích ruộng công của làng xã và huy động ruộng tư trong dân, trong đó hình thức huy động ruộng tư trong dân được ghi nhận nhiều nhất, chiếm số lượng lớn trên hầu hết số bia về học điền.

Cũng như dựng trường, việc đặt học điền thường kèm theo một số điều khoản nhất định nhằm quản lý và sử dụng tốt số ruộng vườn hiện có. Nó cũng tùy từng nơi, từng lúc mà có những cách thức quản lý khác nhau, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Người dân xã Trạch Lộ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, quy định: “Nếu người nào vi phạm ruộng công học, toàn dân xã cùng nhau hội họp, tâu trình với quan ty để cảnh cáo người đó, giúp phong tục tư đạo trở nên tốt đẹp”. Dân thôn Chu Xá, xã Hữu Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, dặn dò nhau: “Nếu kẻ nào dám bàn đến chuyện đem ruộng này [học điền] làm việc khác để phá hoại học đường thì người ấy trở thành tội nhân muôn đời”...

Ở Quảng Nam xưa, theo học giả Nguyễn Văn Xuân trong cuốn “Phong trào Duy Tân” (NXB Đà Nẵng, 1995, tr. 168-169), trong phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp (bấy giờ là giáo thọ Thăng Bình) đã diễn thuyết kêu gọi hàng ngũ thân hào nhân sĩ khuếch trương sự học. Bị lôi cuốn bởi những lời biện luận chặt chẽ, hùng hồn, hay chân thành thân mật, thân hào nhân sĩ tự động đứng lên, kẻ góp của, người góp công, lấy đất học điền của xã cho thuê rồi dựng nên những ngôi trường Duy Tân trong các làng xóm cổ lổ...

Tại Đà Nẵng, theo bài viết “Tiếng vang An Phước” trong cuốn “110 năm Tiểu học An Phước (NXB Đà Nẵng, 2018, tr.12), ở Trường Cẩm Toại (tiền thân của “Nghĩa thục An Phước”, nay là Trường Tiểu học An Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), thầy giáo đầu tiên là cụ Nghè Lâm Quang Tự, đi dạy nhưng không hưởng lương. Học trò không những không đóng học phí mà còn được cấp giấy bút, sách vở.

Phải chăng vì thấy vậy không đành nên sau đó cả tổng An Phước (ngày đó thuộc huyện Đại Lộc), đi đầu là làng Cẩm Toại, hương lý cho trích công điền lập riêng một thửa ruộng dành cho khuyến học gọi là khuyến học điền, cử người canh tác thu hoa lợi trợ cấp cho thầy.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.