Bức tranh tươi sáng cho ngày mai

.

Trong những ngày giãn cách kéo dài, tôi kết nối với những người bạn có chung sở thích chọn những điều có thể trải nghiệm phù hợp với không gian của mình. Việc tập trung vào trải nghiệm giúp tâm trí mỗi người chúng tôi thoát ra khỏi bức tranh u ám về dịch bệnh giữa nơi đang là tâm dịch của cả nước: Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày ở nhà, nếu chỉ quay cuồng với việc mua thực phẩm để gia đình có đủ 3 bữa ăn dinh dưỡng trong ngày, nhận những thông tin về người thân ở nơi này, nơi kia đã dương tính với SARS-CoV-2, chưa kể có những tin xấu hơn như có ca tử vong… Rồi chờ thông tin về ca nhiễm hằng ngày trên báo, lại trồi sụt cảm xúc với những con số mà ở thời cao điểm, nhiều người đã không còn giữ nổi bình tĩnh cho mình. Cứ kéo từ ngày này qua ngày kia như vậy, tôi và kể cả những người vốn đã tập được sự cân bằng nhất định cũng không tránh khỏi những lúc hoang mang, sợ hãi.

Cuộc chiến chống dịch bệnh đang gam go không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng đang hứng chịu chung những mất mát, khó khăn chồng chất. Vậy nên chăng, mỗi người tự tìm “lối thoát” nào đó cho mình, để phần nào đấy làm chủ tình huống tốt hơn, biến sự bị động đáng ghét này thành chủ động.

Sau một thời gian, chúng tôi khoe với nhau về thành tích của mình. Chị bạn tôi kể, từ trước đến nay chưa bao giờ làm việc được ở nhà. Mỗi lần về nhà, dù còn việc phải làm nhưng nhìn không gian căn phòng thì chỉ muốn nằm ngủ. Lần này, chị mày mò tìm những clip về phát triển bản thân trên mạng và thực hành theo. Chị quyết tâm biến căn phòng ngủ của mình thành phòng làm việc bằng cách trang trí cho giống với không gian làm việc hơn. Sau giấc ngủ đêm, chị dọn hết gối mền vào tủ, để đồng hồ báo thức sớm, vận động cơ thể bằng những bài tập nhẹ nhàng trước khi ăn sáng. Sau đó, chị thay hẳn bộ đồ ngủ đêm qua thành bộ đồ chỉn chu hơn, giống như khi mặc ra ngoài. Đến giờ tự quy định, chị ngồi vào bàn và dần dần làm việc hiệu quả không thua gì khi đến chỗ làm.

Người bạn khác kể rằng, 3 tháng chống dịch, chị có niềm tin mạnh mẽ rằng điều gì lặp lại mỗi ngày thì sẽ hình thành thói quen, bởi thói quen là một quá trình chứ không phải một sự kiện. Chị rất hào hứng với điều đó. Ai cũng có nhiều lần 3 tháng trong cuộc đời, vậy thì tiếc gì ta không bỏ ra khoảng thời gian đó để thiết lập một thói quen mới, hay là từ bỏ một thói quen cũ không tốt cho bản thân. Rồi chị vui vẻ liệt kê những thói quen tốt đã tập được, như uống nước ấm mỗi khi thức giấc, đi bộ với máy chạy bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày trước bữa ăn sáng… Khi đã thành thói quen thì mọi thứ diễn ra rất trật tự, cứ đến giờ là cơ thể tự nhớ ra và thực hiện mà không cần nỗ lực gì nhiều nữa.

Cô em út trong nhóm của tôi hào hứng khoe đã chơi được piano - bài mà em ấy rất thích nhưng rất nhiều năm qua, quá trình luyện tập cứ bị gián đoạn bởi công việc nên không thể đàn thành thục. Thời gian vừa rồi em đã dành trọn cho piano,thấy âm nhạc mang lại thư thái và cũng nhờ âm nhạc, em thoát ra được những ý nghĩ tiêu cực, hướng tâm mình về những hy vọng tích cực hơn, nhờ vậy mà có sự cân bằng trong mùa dịch này. Em còn bảo rằng, giờ em đang tranh thủ nốt khoảng thời gian giãn cách còn lại để làm gì đấy cho bản thân mình…

Bất cứ khi nào, nếu chịu nhặt nhạnh, ta sẽ tìm được những cái may trong cái họa. Trong khi đại dịch Covid-19 mang đến những lo lắng, bất an, nếu mỗi người không tự tìm cho mình được những điểm sáng thì sẽ bị nhấn chìm trong bi quan, tổn hại đến tinh thần.

Tôi còn nhớ nghe được một diễn giả nào đó trấn an mọi người trong mùa dịch rằng hãy làm những gì mà bản thân ta cảm thấy làm được. Việc không thể làm được thì đừng nghĩ tới. Như ngay lúc này, điều mỗi người đều làm được đó là giữ cho tâm mình bình an, hướng suy nghĩ đến những điều tích cực, quan tâm người chung quanh… Đó là những điều trong khả năng ta có thể làm được, thay vì lo lắng, ca thán.

Chưa thể có câu trả lời cho việc ngày nào chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, tôi sẽ tiếp tục nhặt nhạnh những điều tích cực nhất để hướng đến bức tranh tươi sáng cho ngày mai.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.