“Chúng tôi liên lạc với các em đang mắc kẹt tại nhà người thân ở quê để tập trung chuẩn bị cho năm học mới nhưng không biết bao giờ mới hết dịch để đón các em quay trở lại. Nhiều gia đình người thân của các em cũng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh”, cô Phan Thị Dự, Gia đình số 3, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng lo lắng kể về hoàn cảnh các em nơi đây.
Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố trao 1,6 tấn gạo và 700 hộp cá cho Làng Hy Vọng. Ảnh: Đ.H.L |
Trẻ em nghèo, bất hạnh và trẻ em nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những đối tượng rất dễ bị tổn thương khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Hàng trăm trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phải chống chọi với dịch bệnh khi trở thành F0, những em khác thì gặp khó khăn về vật chất, điều kiện học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày vì phải ở lại gia đình người thân sau đợt nghỉ hè.
Thiếu thốn về vật chất
Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngôi nhà gia đình số 3 của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (đường 16 An Trung Đông 6, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) trở nên yên ắng hơn ngày thường. Nhiều em nghỉ hè về chơi với người thân nhưng do dịch bệnh đã không trở lại Trung tâm được, một số em ở lại học nghề cũng bị mắc kẹt tại đây, không có điều kiện để về thăm gia đình người thân. Cô Phan Thị Dự, một trong 3 mẹ nuôi dạy trẻ ở gia đình số 3 cho biết, một số cháu xin về thăm gia đình cô, dì, chú, bác trong đợt nghỉ hè vừa rồi, đến nay vẫn chưa ra được vì tránh dịch. Do thực hiện giãn cách xã hội, các tổ chức, câu lạc bộ từ thiện cũng không đến giúp đỡ như trước. “Hiện gia đình số 3 chỉ còn 6 em ra học nghề trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Trong thời gian qua, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm do không đi chợ được. Lâu lâu, bên phường hỗ trợ một ít rau, củ, quả nhưng không có gạo và mì ăn liền. Dù vậy, chúng tôi cũng cố gắng cho các cháu ăn uống bảo đảm chế độ 20.000 đồng/ngày/em theo đúng quy định”, cô Phan Thị Dự giải thích.
Ông Đặng Hữu Bảo, Giám đốc Trung tâm từ thiện thuộc Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố cho biết, trung tâm đang nuôi dưỡng 7 trẻ em và 36 sinh viên. Vừa qua, trước trung tâm có vài nhà cho thuê có người bị nhiễm Covid-19 nên trung tâm cũng nằm trong khu vực cách ly y tế. Để bảo đảm an toàn chống dịch, nhân viên bảo vệ trung tâm tuyệt đối không cho các em ra ngoài. Các em chỉ được tham gia các hoạt động rèn luyện thể thao bên trong khuôn viên trung tâm như bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông... Trong thời gian cách ly y tế, Mặt trận tổ dân phố hỗ trợ các loại rau, củ, quả và cá, thêm vào đó là sự tài trợ của tổ chức Trả lại tuổi thơ của Hoa Kỳ nên trung tâm tích trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm như gạo, mắm, muối. Ngoài tài trợ của tổ chức này, trong 2 năm qua, trung tâm không nhận được sự trợ giúp nào bên ngoài nên cũng gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn của trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố cho biết, không chỉ thu nhập của gia đình các em bị ảnh hưởng mà các em còn đối mặt với tâm lý lo sợ Covid-19, đặc biệt các em phải ở trong nhà, không được vui chơi bên ngoài nên tinh thần rất bức bối. Tính đến ngày 31-8, thành phố Đà Nẵng có hơn 500 trẻ em F0, hơn 1.200 trẻ em F1 phải đi cách ly tập trung. Các em mắc Covid-19 và trẻ em nghèo rơi vào hoàn cảnh rất thương tâm. Nhiều trẻ em các xã miền núi ở huyện Hòa Vang cũng không có máy tính để học trực tuyến, nhất là các em học lớp 1.
Giúp các em vượt qua nghịch cảnh
Tại hội nghị trực tuyến đánh giá và triển khai một số giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 8-9-2021, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho hay, trong thời gian thực hiện giãn cách, thành phố gặp nhiều lúng túng trong việc chăm sóc trẻ em là F0, F1, nhất là việc ăn ở, sinh hoạt, tư vấn tâm lý... Việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp rất khó thực hiện do các biện pháp pháp lý ứng phó an toàn cho trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh chưa có. Sở đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động cho trẻ em để sớm trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tiêm vắc-xin cho trẻ em. “Chúng ta cần quan tâm giải pháp này trước khi có các giải pháp tiếp theo. Đây cũng là biện pháp quan trọng để mở cửa trường học, dịch vụ và các hoạt động thường ngày”, ông Nguyên đề xuất.
Để giúp trẻ em nằm trong vùng cách ly y tế giảm bớt khó khăn, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng đã vận động các hội viên và mạnh thường quân chung tay hỗ trợ các em tiền mặt và thực phẩm. Đặc biệt, hội từ thiện các cấp từ quận/huyện đến phường/xã và các câu lạc bộ từ thiện tích cực tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, trong đó có 905 người là chủ tịch hội từ thiện quận/huyện, phường/xã và hội viên. “Tuy thực hiện giãn cách xã hội, các hội quận/huyện đã sử dụng hiệu quả zalo để kết nối với các hội phường/xã, các câu lạc bộ từ thiện nắm bắt thông tin, vận động quyên góp, giúp đỡ các em nghèo và khó khăn. Chỉ tính riêng từ ngày 7-7 đến cuối tháng 8-2021, các cấp hội đã vận động hơn 6 tỷ đồng; trao 7 phương tiện sinh kế và sửa chữa 8 căn nhà. Bên cạnh đó, trong tháng 6-2021, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố đã phát động Tháng hành động vì trẻ em, kêu gọi các hội viên và các nhà hảo tâm quyên góp được 211 triệu đồng để trao hơn 200 suất quà cho các em nghèo, khó khăn. Ngoài ra, hội còn trao 56 suất quà cho 56 trẻ em đặc biệt khó khăn, mỗi suất gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 1 thùng sữa”, bà Lê Thị Tám chia sẻ.
Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng đang nuôi dưỡng 120/1.400 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng phối hợp UBND huyện Hòa Vang chỉnh trang nâng cấp cảnh quan môi trường Cơ sở 3 Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng với tổng trị giá 270 triệu đồng.
Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng cho biết, rất may, các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong đợt dịch này chưa ai bị nhiễm Covid-19. Ở địa phương, các gia đình nạn nhân đều nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2021), Hội phối hợp với Tổng Công ty Khí Việt Nam tặng 30 chiếc xe lăn, 14 chiếc xe đạp cho học sinh có thân nhân nạn nhân da cam và gạo, nhu yếu phẩm với tổng trị giá 497 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội tặng quà cho 450 nạn nhân da cam chất độc da cam bị ảnh hưởng Covid-19, trị giá 225 triệu đồng. “Vừa qua, thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Hội cũng nhận được 145 suất quà để tặng cho các gia đình nạn nhân từ các tổ chức, đơn vị và cá nhân hảo tâm, nhưng do thực hiện biện pháp “ai ở đâu ở đó” nên hội sẽ tổ chức trao ngay sau khi tình hình dịch bệnh lắng xuống”, ông Lành cho biết thêm.
11.822 là số trẻ em F0 trên cả nước, tính đến đầu tháng 9-2021; ngoài ra, có 27.334 trẻ em là F1. Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, sang chấn tâm lý. Việc học trực tuyến của các em học sinh không phải nơi nào cũng thuận lợi. Vì vậy, cần có các giải pháp sớm để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG