Mấy hôm nay, sáng nào ông cụ cũng dậy sớm vén rèm cửa sổ nhìn xuống đường với dáng vẻ trông mong. Sài Gòn mùa dịch vắng lặng, nhà nào cũng cửa đóng then cài. Trước kia mới mờ sớm con hẻm đã đông người qua lại. Tiếng loa rao rè rè: Ai bánh chưng, bánh giò? Ai bánh khúc không? Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm bơ năm ngàn một ổ. Tiếng bà mẹ nào đó quát con dậy ăn sáng nhanh còn đến trường không muộn. Tiếng mở cửa xếp của quán tạp hóa kêu rèn rẹt. Tiếng nồi niêu xoong chảo va vào nhau long cong. Tiếng cãi cọ đâu đó từ dãy trọ phía dưới vọng lên. Mỗi giọng nói một vùng miền, ông cụ buồn buồn ngồi đoán xem quê quán họ ở đâu. Có lúc tưởng như ông sắp chìm dần vào mớ âm thanh hỗn độn ấy thì tiếng chuông cửa vang lên. Kính cong! Kính cong! Ông giật mình choàng tỉnh, lật đật xuống mở cửa nhận từ tay thằng bé tờ vé số. Thằng nhỏ nhoẻn cười hỏi: Đêm qua ông có ngủ ngon không ạ? Ông có thấy đau ở đâu không? Ông nhớ nấu cơm ăn và uống thuốc đúng giờ? Hỏi han, dặn dò vài câu rồi thằng nhỏ chạy vụt đi. Chỉ một nhoáng là cái bóng loắt choắt của nó đã khuất sau con hẻm. Ông cầm tờ vé số trên tay, khẽ mỉm cười.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội được bao ngày rồi, ông cũng không nhớ nữa. Từ lâu khái niệm ngày tháng đối với ông trở nên mờ nhạt. Thời gian của ông đọng lại trong căn nhà này với từng ấy công việc trong ngày. Ông không phải bước chân ra đường mua bất cứ thứ gì. Từ cái tăm, bó rau, cân thịt hay cuộn giấy vệ sinh đều có người quen mang đến tận nhà. Các con ông đều định cư ở nước ngoài đã nhiều năm. Chúng thay nhau gọi về nhà mỗi ngày hỏi thuốc bổ còn nhiều hay ít, cậu bác sĩ trẻ có sang khám cho ba đều đặn không... Còn ông bạn già cuối cùng sống ở Quận 1 thỉnh thoảng gọi hỏi thăm: Thằng nhỏ bán vé số sáng nào cũng ghé qua chứ hả? Biết đâu có ngày ông trúng giải độc đắc thì hên. Ông cụ cười, nhìn đống vé số xếp thành tệp ở góc nhà tự hỏi có khi nào mình bỏ quên giải độc đắc trong đó hay không? Ông mua vé số đâu phải để dò trúng hay không. Mua chỉ vì ngày nào cũng muốn gặp thằng nhóc nhỏ thó, đen thui, có hàm răng trắng bóc, hay cười. Hồi còn khỏe hay đi bộ ra bờ hồ gần nhà tập thể dục, ông gặp thằng bé ở đó. Lúc ấy, nó chừng sáu tuổi, răng sún hết, nói còn hơi ngọng. Nó bằng tuổi cháu nội của ông. Chỉ khác là cháu ông mắt xanh, tóc vàng, nói tiếng nước ngoài sành hơn tiếng Việt. Thằng bé này nhìn đã thấy cái nắng gió quê nghèo thấm vào da thịt, khóe mắt, môi cười. Nó giơ tay chỉ tút hút về phía cửa nhà đông đúc bảo:
- Cháu ở đó cùng mẹ, thuê nhà gần chân cầu. Mẹ đi buôn ve chai còn cháu thì bán vé số.
- Thế cháu quê quán ở đâu?
Thằng bé lắc đầu cười. Có thể mở ngăn ký ức ra nó chỉ thấy Sài Gòn hiện hữu. Quê hương có thể ở một vùng ven biển gió Lào, cát nóng. Có thể nó đã theo mẹ đến Sài Gòn khi còn nằm trong bụng, đấy là ông cụ đoán thế. Thẳng nhỏ hay chuyện, cứ làm như Sài Gòn nằm trong lòng tay nó vậy. Ngõ ngách nào cũng hay, bao nhiêu chuyện buồn vui thằng nhỏ đều mang về kể cho ông cụ. Có lần nó hỏi:
- Cụ ở một mình sợ gì nhất?
- Sợ thời gian, cháu à.
- Sao lại sợ thời gian hả cụ?
- Ngày dài quá khiến con người ta chìm trong nhớ nhung hoài niệm.
- Cháu từng gặp một cụ bà cũng ở một mình. Cụ ấy nói sợ chết mà không ai biết.
- Ừm…
Có lần ông cụ dẫn thằng nhỏ về nhà chơi. Tính không kể với ai, vậy mà bị thằng con trai bên Mỹ gọi về la: Ba biết ai tốt ai xấu mà dễ dãi cho vào nhà như thế. Sao ba tin đứa đầu đường xó chợ nhỡ bị nó lừa thì sao. Ông định bảo nhà này đâu có gì ngoài một ông già gần đất xa trời mà tối ngày lo mất. Lúc dẫn thằng nhỏ về, ông quên béng con trai mình lắp camera theo dõi từ xa. Mọi nhất cử nhất động của ông ở nhà đều được giám sát kỹ càng. Camera ở mọi xó trong nhà, từ cổng vào phòng ngủ. Lần trước về chơi, nó còn đòi lắp cả trong nhà vệ sinh “lỡ ba cảm hay đột quỵ vào lúc tắm thì sao, ba ở một mình đâu ai biết được”. Nhưng ông cụ bảo: “Mày coi làm vậy cũng được sao con?”. Thằng cả thở dài, lần nào về cũng cằn nhằn hoài cái chuyện sao ông không bán quách căn nhà, hoặc đóng cửa để đó theo con cháu sang trời tây sinh sống có phải sung sướng hơn không. Nhưng ông cụ đâu có chịu rời Sài Gòn. Ông không còn trẻ để ao ước những vùng đất mới. Người già chỉ tha thiết với những gì đã từng gắn bó. Căn nhà nhỏ, con hẻm nghèo và cả những người bạn già đã lần lượt về thế giới bên kia. Vợ ông mất, nắm tro còn ở lại nơi này. Ông không muốn phải trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách quê người. Ngay cả lúc nhắm mắt chìm vào giấc ngủ, ông cũng phải nghe âm thanh của Sài Gòn mới thấy yên tâm.
Sức khỏe của ông cụ yếu dần, lại thêm Covid-19 nên ông cụ không ra ngoài nữa. Ông gửi nó tiền vé số cả năm, để sáng nào thằng nhỏ cũng qua nhà đưa một tờ “may mắn”. Thằng nhỏ vui lắm, hứa với ông sẽ đến đều đặn mỗi ngày. Lần cuối cùng ông gặp thằng nhỏ là trước khi Sài Gòn giãn cách, ngưng hoạt động vé số. Nó dặn ông gắng giữ gìn sức khỏe, khi nào hết dịch sẽ lại được gặp nhau.
Thế rồi dịch bùng lên, Sài Gòn oằn mình chống đỡ. Xe cứu thương chạy suốt đêm ngày, vọng vào tim ông thứ âm thanh của bất an và hoảng loạn. Chuông điện thoại reo liên tục, con cháu ở xa gọi về dặn dò đủ thứ. Đứa con gái bật khóc khi đọc quá nhiều thông tin trên mạng. Y tế quá tải, nhiều F0 nguy kịch, số người chết vì Covid-19 tăng lên mỗi ngày. Trong thâm tâm, ông cũng không chắc mình còn được gặp lại các con bởi người già như ông nếu chẳng may nhiễm bệnh thì cơ hội sống sót là rất ít. Các con dặn ông nhớ sạc pin điện thoại, nhớ để chuông để chúng có thể gọi bất cứ lúc nào, nhận đồ từ bên ngoài thì phải khử khuẩn cẩn thận. Ông nhìn đống thuốc thang được gửi đến chỉ biết thở dài. Sáng dậy sớm nấu nồi nước gừng, ông lại nhớ thằng nhỏ vé số. Không biết dịch bệnh thế này mẹ con nó sống sao? Còn ở đây hay đã theo dòng người “đường xa vạn dặm” về quê tránh dịch? Nếu ở lại, chủ nhà trọ liệu có miễn giảm tiền thuê? Thực phẩm cứu trợ có đến được tay mẹ con thằng bé? Lúc một mình ngồi nhìn xuống đường vắng hoe, cơn tủi thân dâng lên khóe mắt. Sài Gòn chưa bao giờ buồn như thế này chăng!
Ông cụ ngồi lim dim chìm trong khoảng nắng hắt vào từ cửa sổ. Lạ lắm, những ngày này, không khí trở nên trong trẻo, dịu dàng. Bầu trời hình như xanh hơn, nắng cũng không còn gay gắt nữa. Như thể đất trời đang cố gắng xoa dịu những đau đớn, mất mát, bất an này. Chuông cửa lại reo lên. Suốt mấy hôm nay ngày nào chuông cửa cũng reo ít nhất một lần. Khi thì của đoàn cứu trợ nào đó mang gạo, rau, mắm muối đến. Khi thì Cha bên trường dòng đến tặng thanh long. Khi thì các tăng ni, Phật tử mang khoai, gạo tặng. Thường thì ông cụ không nhận gì, đứng trong nhà nhìn ra, nở nụ cười cảm ơn sau lớp khẩu trang xua tay bảo: “Nhà dự trữ đồ đủ rồi, xin nhường cho người khác”. Ông đứng đó nhìn theo bóng họ lúi húi giữa hẻm nghèo mà cứ thấy chuông cửa reo mãi trong lòng. Những ngày này, người ta dễ hoang mang, lo sợ nhưng cũng dễ mủi lòng.
Hôm nay, ông cụ đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Nghe nói nhiều người tiêm xong bị sốt cao, đau người ê ẩm, phù nề nên ông cũng có phần lo lắng. Biết ông chỉ sống một mình nên hàng xóm dặn dò “có gì cứ gọi chúng con”. Lâu lâu không thấy ông xuất hiện bên cửa sổ là hàng xóm lo lắng, gọi điện sang. Ông dù mệt cũng cố đi lại phía cửa sổ vẫy tay chào để họ yên tâm. Trưa đó có bịch trái cây treo trước cửa nhà kèm mảnh giấy ghi vài dòng nắn nót: “Cụ đừng bỏ bữa. Cụ nhớ uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả”. Ông cụ run run đưa tay quệt khóe mắt. Chẳng biết có phải vì mùi tinh dầu từ vỏ cam không mà ông thấy đầu óc dễ chịu hơn. Chầm chậm bỏ từng múi cam vào miệng, ông cụ mỉm cười một mình. Hóa ra cam ngày dịch ngon hơn, chắc là vì nó thấm cái tình người trong đó. Ông không nỡ vứt mấy miếng vỏ cam nên để ở cửa sổ tầng hai cho thơm phòng. Ông nằm xuống bên chiếc giường cạnh cửa sổ, nhắm mắt vào đã thấy hình ảnh người vợ tào khang của mình. Bà đang lúi húi bên những chậu hoa ngoài ban công. Tưới nước, tỉa cành, nâng niu, hít hà những bông hoa mới nở. Rồi bà thoăn thoắt nhặt rau, nấu cơm, lao xao bát đũa. Bà hỏi ông muốn ăn canh chua vị sấu hay me, hay là nấu với trái bần? Rồi hình ảnh các con ông khi còn tề tịu trong căn nhà này. Đứa này về thì đứa kia đi. Chỉ khi thấy dép chúng ở nhà, nghe tiếng thở đều đều trong những căn phòng nhỏ ông mới thấy yên tâm. Hình ảnh ông bà tiễn từng đứa con đi xa. Chỉ còn lại hai ông bà già đứng lơ ngơ ở sân bay, cố ngửa cổ ngó theo chiếc máy bay lẫn màu mây trời vời vợi. Cuộc đưa tiễn nào cũng bùi ngùi, mất mát. Một thứ mất mát vô hình không thể nào lý giải. Vì chẳng biết cuộc tiễn nào sẽ là lần cuối. Ông chìm vào giấc ngủ…
Con hẻm nhỏ lại đông đúc trở lại. Tiếng loa rao ve chai, mua tivi, quạt máy, điện thoại cũ hỏng, đổi tiền rách vang tận đầu giường. Ông cụ cố nằm thêm chút nữa, để đoán xem từng âm thanh phát ra ở nhà nào, khúc nào trong con hẻm thân thuộc này. Tụi nhỏ hình như đã rục rịch cho một năm học mới. Đứa đòi mẹ mua cặp sách hình siêu nhân. Đứa kêu: “Trời ơi, áo đồng phục của con có một vết ố vàng”. Anh chồng nhà hàng xóm kế bên hình như vừa chạy xuống cầu thang vừa hỏi: “Em có thấy cái cà vạt màu xanh lá của anh đâu không? Sao hết dịch sờ thứ gì cũng mất?”. Cô vợ hình như cũng vội, ra đến cổng rồi vẫn nói với vào: “Em sắp muộn làm rồi, anh tự tìm đi. Chiều đi qua nhớ để ý xem dì ba đã bán cua lại chưa, mua cho con đổi món”. Mùi phở gia truyền ở đầu ngõ bay vào thơm quá. Hình như có tiếng rao “vé số đây” lẫn đâu đó trong tiếng còi xe inh ỏi. Tiếng rao quen lắm, đúng là của thằng bé đen nhẻm ấy rồi. Ông cụ cố gắng dùng tâm trí len lỏi qua thế giới âm thanh hỗn tạp ấy để tìm một giọng nói thân quen. Chợt tiếng chuông cửa vang lên. Kính cong! Kính cong! Ông không biết mình đang mơ hay tỉnh…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG