Khao khát lan tỏa nét đẹp nguồn cội, Nguyễn Quốc Trí (Kris Nguyễn) không ngừng khai thác sáng tạo bản sắc văn hóa dân tộc trong các thiết kế.
Dự án Nguyễn Triều Nữ Y khái quát những dạng thức trang phục tiêu biểu thời Nguyễn. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Kris Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là một freelancer graphic designer (người thiết kế đồ họa làm việc tự do) và vẽ minh họa.
Dự án “Nguyễn triều nữ y”
Vốn đam mê văn hóa dân tộc, nét vẽ của Kris Nguyễn luôn thể hiện sự tâm huyết về nét đẹp truyền thống của đất nước. Các tác phẩm của họa sĩ nhận được sự quan tâm, yêu mến từ cộng đồng mạng xã hội. Mới đây, trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, chàng trai sinh năm 1997 tiếp tục hoàn thành dự án “Nguyễn triều nữ y”. Dự án bao gồm 14 hình ảnh minh họa theo lối dễ thương, khái quát những dạng thức trang phục tiêu biểu thời Nguyễn, gồm: áo tấc (còn gọi là áo ngũ thân tay thụng), áo ngũ thân tay chẽn, áo vá quàng, yếm và váy đụp, áo giao lãnh, áo mã tiên nữ nhạc, áo mã tiên mạng phụ, áo nhật bình, phụng bào (viên lĩnh)… Mỗi tác phẩm đều được anh tỉ mỉ đính kèm hình ảnh tư liệu và chú thích tên, chất liệu và đặc điểm trang phục ở mỗi vùng, miền.
Kris Nguyễn luôn say mê văn hóa dân tộc. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Nói về động lực sáng tạo dự án, Kris Nguyễn bày tỏ: “Trước đây, tôi từng nghe một số nhận định rằng trang phục thời Nguyễn không đa dạng và đa số mọi người chỉ biết một kiểu áo ngũ thân tay chẽn truyền thống là tiền thân của chiếc áo dài bây giờ. Tuy nhiên, trang phục thời Nguyễn vô cùng phong phú. Từng vùng, miền khác nhau có cách ăn mặc và biến tấu khác nhau trên bộ ngũ thân. Thế nên, qua dự án này, tôi mong muốn đem đến cái nhìn khái quát về các trang phục nữ giới thời đại này”.
Kris Nguyễn đã dành thời gian để tìm tài liệu sách xưa, tư liệu hình ảnh và hoàn thành các bản vẽ. Theo Kris Nguyễn, thuận lợi của anh là có thể tiếp cận nhiều nguồn tư liệu quý giá cũng như nhận được sự giúp đỡ của những người bạn có kiến thức sâu rộng về cổ phong. Song, một trở ngại lớn là không ít người vẫn nhìn nhận những bộ phục trang này “không Việt Nam”. Vì vậy, anh dành nhiều thời gian để sáng tạo chuỗi hình ảnh mới, đơn giản và có thể thuyết phục được cả những người khó tính nhất. Từ đó, Kris Nguyễn lựa chọn phong cách chibi, lược đi một số chi tiết, chỉ minh họa kiểu dáng trang phục một cách khái quát nhất để bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận mà không cảm thấy nhàm chán.
Văn hóa Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận
Kris Nguyễn tâm sự: “Bản thân tôi luôn yêu thích văn hóa châu Á nói chung, văn hóa dân tộc nói riêng. Ngay khi còn trên ghế nhà trường, tôi tìm hiểu thêm các nền văn hóa và khám phá nhiều điều về văn hóa Việt Nam. Tôi luôn muốn mang đến cho mọi người cái nhìn rõ nét về một Việt Nam giàu có, đầy màu sắc, rực rỡ, cũng như hiểu biết hơn về cội nguồn, tinh hoa văn hóa của đất nước”. Vì vậy, các đồ án của Kris Nguyễn đa phần khai thác hình ảnh Việt Nam đậm bản sắc dân tộc.
Trước đó, Kris Nguyễn lựa chọn văn hóa cung đình Huế cho dự án tốt nghiệp là bộ nhận diện thương hiệu “Ngự Trà - Trà cung đình”. Hệ thống hình ảnh minh họa lấy cảm hứng từ trang phục trong cung đình Huế: Nhật Bình, Mã Tiên... cùng nền nếp sinh hoạt, những câu chuyện về trà được lưu truyền trong cung đình xưa. Riêng trà lài và trà hoa sen, tác giả dùng tên hai địa danh nổi tiếng tại kinh thành là hồ Tịnh Tâm và vườn Cơ Hạ. Qua dự án này, Kris Nguyễn hy vọng đưa văn hóa cung đình trở nên quen thuộc hơn với người dân Sài Gòn.
Một dự án khác của anh cũng được yêu thích là bộ nhận diện Bảo tàng Hát bội Việt, mang lại sự hài lòng cho người xem khi kết hợp thú vị giữa truyền thống và hiện đại trong cách thể hiện. Đặc biệt, logo đầy ấn tượng với sự cách điệu hình dạng mặt nạ của tuồng cổ Việt Nam và chữ C.O.M. Đối với mỗi dự án/tác phẩm, Kris Nguyễn đều nghiên cứu dựa trên các hình ảnh, hiện vật cũng như các tài liệu xưa để có thể tái hiện chuẩn xác nhất.
Kris Nguyễn khẳng định: Văn hóa Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo với anh. Thời gian đến, anh sẽ tiếp tục khai thác nhiều hơn yếu tố Việt trong thiết kế, không chỉ để tri ân cội nguồn mà còn lan tỏa tinh hoa văn hóa của dân tộc.
KHA MIÊN