Mùa biết ơn

.

“Em viết về Trung thu năm nay nhé, một mùa Trung thu quá đặc biệt. Em có con nhỏ nên hiểu bọn trẻ thiếu gì”. Đó là lời đặt bài tôi nhận được khi còn vài ngày nữa “đêm hội trăng rằm” của trẻ em lại về. Nhưng điều thôi thúc tôi muốn viết cái gì đó không phải là sự thiếu thốn khi dịch bệnh không cho tụi nhỏ được ra ngoài “rồng rắn lên mây”, rước đèn, phá cỗ, xúm xít xem lân, quà bánh rộn ràng. Ngược lại, tôi đang nghĩ về sự đủ đầy và biết ơn những bình an mà chúng đi qua suốt 2 năm đại dịch.

Với những đứa trẻ nhà tôi, nếu có chút thiếu thốn thì chỉ là việc không thể ra sân tung tẩy với đám bạn quanh nhà. Thi thoảng chúng vừa lờn vờn trái bóng cạnh bàn ăn, vừa nhìn ra sân tiếc nuối buông một câu đại loại như vậy. Còn lại hai đứa hay vô tư bảo mẹ: Con thấy dịch mẹ còn khỏe hơn ngày thường khi đỡ đi chợ (vì có người mua hộ)!

Hai đứa nhỏ nói đúng mà, chúng đang được sống an lành giữa những ngổn ngang đau thương và mất mát ở ngoài kia. Mấy hôm nay, tôi quẩn quanh nghĩ về những đứa trẻ bị đại dịch đột ngột biến thành mồ côi. Trong thoáng chốc, sự sum vầy vụt tắt, yêu thương bị cướp đi, đó mới thực sự là nỗi trống vắng cả vật chất lẫn tinh thần không gì bù đắp được.

Từ khi con chập chững đến trường, tôi luôn cố nhắc con không so sánh mình với các bạn khác về sức học, khả năng, điều kiện…, để tránh áp lực và rước những tự ti không đáng. Nhưng những ngày qua, tôi lại muốn con biết so sánh, biết nhìn thêm ra những hoàn cảnh khác không phải để thấy được - hơn, mà để từ đó biết học sự trân trọng. Bữa nọ con bảo chán gõ máy tính, tôi nói con thử nhìn thêm một xíu nữa, ngay trong gia đình mình còn những em đến tận hôm nay, khi năm học mới đã bắt đầu vẫn loay hoay mượn điện thoại cũ để theo được từng giờ trực tuyến. Cảm nhận mình có một chiếc máy tính để tự do lướt đôi tay lên đó, con sẽ không thấy buồn chán mà biết đâu còn rung lên xúc động về sự biết ơn. Từ hôm đó, không nghe con nói thêm cái sự chán này một lần nào nữa.

Trò chuyện với trẻ con những điều lan man “triết lý cuộc đời” cũng có sao nếu chúng hữu ích nhỉ? Tôi hay nói với bọn trẻ về góc nhìn lạc quan, về thái độ khi đối mặt tình huống không như ý trong cuộc sống (đôi khi cũng lấy cớ trò chuyện để tự nhắc chính mình). Chẳng biết chúng hiểu bao nhiêu phần trăm, nhưng một hôm xem chương trình truyền hình thực tế về một người thử sinh tồn đơn độc trên hoang đảo, kết thúc hành trình, nhân vật chính nói đại ý: Quan trọng là tâm thế của mình. Nếu hoảng loạn thì chẳng thấy gì ngoài nỗi sợ hãi, nếu lạc quan vượt qua thử thách, ta sẽ thấy hòn đảo này đẹp như thiên đường... Hai đứa nhỏ hí hửng nhớ ra: Mẹ cũng từng nói ri đây! Chuyện là có hôm cả nhà bàn rất nhiều việc cần làm nhưng cứ mãi lấn cấn, trì trệ vì dịch bệnh. Trong lúc cảm xúc hơi chùng xuống, tôi nói: Đôi khi có quá nhiều việc chẳng đâu vào đâu ập tới, cứ nghĩ “thôi kệ đi” là tự dưng bớt đuối, mà thiệt lạ, nhờ sự bình thản đến giữa bận bịu lại giúp mình gỡ lần lượt từng việc ngon lành… Chắc tụi nhỏ có hiểu đôi chút mới liên kết được sự giống nhau giữa hai câu nói ấy.

Dạo gần đây, tôi hay nghe nhiều người ca thán giới trẻ thích được nuông chiều và thường nghĩ cho bản thân mình hơn cho người khác. Đôi lúc quan sát thấy nhìn nhận này có phần đúng, nhưng tôi vẫn tin người trẻ ích kỷ hay không phần nhiều do người lớn tạo nên. Bởi vậy, nếu mùa Trung thu năm nay, đám trẻ con trong nhà không có lồng đèn, bánh nướng cũng hay đó chứ. Thiêu thiếu một chút giữa bao nhiêu khốn khó của mọi người mới thấy sự sẻ chia, ít nhất là về mặt hưởng thụ. Lồng đèn, bánh trái, có thì vui, không cũng được, chẳng sao cả! Biết đâu nhờ thiêu thiếu mới cảm nhận sự đủ đầy để thêm biết ơn những an lành bấy lâu mình được hưởng.

Một mùa Trung thu đặc biệt nữa lại về, không trống lân rộn rã, không đêm hội tưng bừng, nhưng có khi sự bình lặng này lại giúp con được lớn khôn thêm.

CHÍCH BÔNG

;
;
.
.
.
.
.