Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy là tác giả cuốn biên khảo Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam và các tác phẩm: Khoa bảng Quảng Nam; Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên; Tác giả, tác phẩm Quảng Nam Đà Nẵng (1885-1945)… Sự ra đi của nhà ông vào ngày 9-8-2021 để lại khoảng trống vắng trong mảng nghiên cứu, biên khảo văn học xứ Quảng.
Nhà nghiên cứu Thy Hảo Trương Duy Hy. Ảnh: T.T.S |
Khoảng 10 năm trước, trong một chuyến tham gia Trại sáng tác tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tôi mới có dịp gặp Trương Duy Hy. Cùng đi với ông có nhạc sĩ Trương Đình Quang. Lúc này, hai ông đang phối hợp viết chung một công trình văn hóa dân gian xứ Quảng Hát bả trạo - Hò đưa linh (NXB Văn hóa Dân tộc, 2011), nên bữa cơm nào cũng bàn luận nhau rất tâm đắc và sôi nổi.
Dịp đó, ngoài những câu chuyện “Quảng Nam hay cãi” của hai ông, tôi còn nghe Trương Duy Hy nói thêm về quá trình biên soạn các tập sách, nhất là sự ra đời của cuốn sách Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam. Trương Duy Hy cho biết, từ nhỏ, ông đã quan tâm, yêu thích thơ ca Tú Quỳ. Thuở lên 7, lên 10, khi đứng hầu quạt cho các cụ đồ nho đến nhà, trong các cuộc đàm đạo, luận bàn văn chương, hát bội giữa thân phụ và bạn bè, Trương Duy Hy bắt đầu thuộc nhiều thơ văn Tú Quỳ. Sau này, bước vào việc cầm bút, bằng tất cả sự nể trọng và yêu thích nhà thơ trào phúng, ông quyết tâm bỏ công thu thập tư liệu và vinh danh tên tuổi cho danh sĩ Tú Quỳ. Theo ông: “Tại sao suốt 4 năm ở bậc trung học, về cổ văn, chúng tôi chỉ được học thơ ca của các thi bá Bắc Nam? Miền Trung chỉ học 1-2 bài của Phan Châu Trinh. Kim văn thì học 1-2 bài của Phạm Quỳnh trích trong báo Nam Phong. Trong khi Quảng Nam là đất “ngũ phụng tề phi”, ngày còn nhỏ, ai cũng đọc thơ văn Tú Quỳ, nhưng sao tên tuổi ông ấy không được công nhận?”.
Việc lăn lộn thực địa, điền dã để tập hợp tư liệu, biên soạn về Tú Quỳ kéo dài cả mấy chục năm, nhưng để chính thức in thành sách là một câu chuyện khác. Trương Duy Hy cho biết, ông may mắn gặp gỡ và nhận được sự động viên, hỗ trợ của nhà thơ Hoàng Minh Nhân (1942-2011) - người phụ trách công tác phong trào của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Chính từ sự giới thiệu sốt sắng của Hoàng Minh Nhân, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã tổ chức in lần đầu cuốn biên khảo Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam với bút danh Thy Hảo năm 1993. Sau khi sách ra đời, một thời gian dài, giới nghiên cứu văn học có nhiều ý kiến khác nhau, lo ngại về sự trung thực của những thông tin mà sách đưa ra bởi phần lớn các bài thơ của Tú Quỳ đều được lưu truyền trong dân gian, mà ít có bút tích để lại. Để bảo vệ ý kiến và “đòi lại” tên tuổi cho Tú Quỳ, Trương Duy Hy đã mang sách ra tận Viện Văn học Việt Nam ở Hà Nội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), gặp gỡ những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam để phân tích, đưa ra những dẫn chứng thuyết phục sắc sảo. Cuối cùng, tên Tú Quỳ đã được chính thức công nhận trên văn đàn Việt Nam.
Còn về cuốn Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên (NXB Văn học, 2003), nhà nghiên cứu Trương Duy Hy nêu rõ: Trước đây cũng đã có nhiều tài liệu viết về Huỳnh Thị Bảo Hòa, bởi bà không chỉ người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết, mà còn là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tiên phong trong lĩnh vực khảo cứu, biên soạn với tác phẩm Chiêm thành lược khảo (do Phạm Quỳnh - chủ bút báo Nam Phong - viết lời tựa). Bà còn là một trong những phụ nữ đầu tiên có tư tưởng tiến bộ, tích cực hoạt động xã hội tiến bộ, viết khảo luận, nghiên cứu tuồng… Vì vậy, với tác phẩm này, ông chỉ góp phần làm rõ hơn chân dung và tác phẩm của bà để bạn đọc tiện tham khảo. Về sau, nếu có điều kiện thuận lợi, ông sẽ tiếp tục thực hiện Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa toàn tập.
Ông Trần Ngọc Quế, một người bạn cũ của Trương Duy Hy, viết về ông: “Tôi biết anh, từ khi anh hãy còn là một cậu bé 15 tuổi, sớm mồ côi cha, nhưng nhờ ý chí cương quyết, nghị lực vững vàng, anh đã can đảm vượt qua hết mọi trở ngại lớn lao, để tiếp tục việc học đến ngày thành công. Hồi đó, các giáo sư ai cũng ngợi khen anh. Nếu anh được may mắn sinh trưởng trong một gia đình giàu có thì chắc sự học còn tiến xa hơn nữa. Con người anh thật là tiêu biểu cho dân Quảng Nam: trực tính, ưa tranh luận, thích chỉ huy, rất hăng say trong mọi công tác và sẵn sàng phẫn nộ trước cảnh bất công”.
Về những công trình biên khảo, nghiên cứu của Trương Duy Hy, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân nhận xét: “Công việc khôi phục tác phẩm Tú Quỳ của ông Hy tiến hành chủ yếu bằng con đường điền dã bởi hầu như không thể lục tìm trong các tàng thư. Hy vọng với việc tìm lại được di sản sáng tác của Tú Quỳ, giới nghiên cứu sẽ thấy rõ thêm trong bản đồ văn học cuối thế kỷ XIX một gương mặt làm phong phú thêm một mảng sáng tác lâu nay vẫn được mệnh danh là văn thơ trào phúng”.
Thy Hảo Trương Duy Hy được sinh ra trong một gia đình nho giáo ở làng Minh Hương, thuộc thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), mất ngày 9-8-2021 tại Đà Nẵng. Ông là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông có 12 công trình nghiên cứu về các danh sĩ, hình thái văn hóa, lịch sử của Quảng Nam - Đà Nẵng được giới học thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao. Trong đó, hai nhân vật trong các cuốn sách của ông: nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa và danh sĩ Quảng Nam Tú Quỳ đã được HĐND thành phố Đà Nẵng xét chọn đặt tên đường trên địa bàn quận Liên Chiểu. |
TRẦN TRUNG SÁNG