Vẻ đẹp nhìn từ trái tim

.

Khi dùng trái tim để nhìn, lắng nghe và cảm nhận cuộc sống, các giá trị sống sẽ lần lượt tồn tại, lưu dấu và thấm bền lâu vào trong mỗi “bảo tàng” tâm hồn; trong đó có cả những dìu dắt và nâng đỡ, những yêu thương của chúng ta, từ đó, sẽ trọn vẹn hơn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bạn tôi là bác sĩ làm việc ở một bệnh viện tỉnh. Ngoài công tác chuyên môn, thỉnh thoảng bạn theo đoàn đến những vùng sâu vùng xa để khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Bạn kể, đó là những chuyến đi kết hợp nên thường kéo dài ít nhất vài ngày. Nếu đoàn cán bộ y tế khám bệnh phát thuốc, thì đoàn của lực lượng Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia giải quyết các thủ tục pháp lý, tư vấn về Luật Hôn nhân và gia đình, kiến thức phòng tránh thai và chăm sóc trẻ; đoàn thanh niên tình nguyện tham gia làm cầu, làm đường, sửa sang trường học và nhà cửa cho bà con trước mùa mưa.

Một trong những điều làm bạn cảm động nhất chính là tính cách thân thiện, cởi mở của bà con dân bản. Có gì ngon nhất, tốt nhất họ đều gom lại đem tặng cho đoàn. Lắm lúc trên xe trở về đồng bằng đầy ắp những chuối, măng, rau rừng. Có lần anh trưởng thôn còn đan giỏ, rổ mây tặng cho đoàn nữa.

- Bà con ở núi cao mà cũng biết cách lấy lòng cán bộ nhỉ, chắc đó là những món quà cảm ơn xã giao của họ, tôi buột miệng bảo.

- Không hề, bạn hiểu sai rồi. Bà con ai cũng dễ thương và đáng quý. Tấm lòng của họ thật trong trẻo và hồn nhiên. Nhiều nơi còn sống khổ lắm nhưng những gì tốt nhất, họ vẫn sẵn sàng mang tặng người khác. Nơi mát nhất, sạch sẽ nhất, họ cũng nhường cho khách ngồi. Những già làng mặc dù khác ngôn ngữ nhưng chỉ cần mình thể hiện sự gắn kết, tôn trọng, là họ say sưa kể chuyện. Sử thi của họ hay, hào hùng và rất giàu giá trị. Bản thân mình luôn trân trọng và ghi nhớ những chuyến đi về với bản làng.

Như vậy, trong cùng một câu chuyện, tôi đã dùng đôi mắt của kẻ đề phòng để đánh giá nội dung; còn bạn tôi, một vị bác sĩ rất mực bận rộn lại biết cách dùng trái tim để lưu dấu và trân trọng từng khoảnh khắc.

Và đúng như bạn nói, dù quen hay lạ thì mỗi chúng ta chỉ có mặt trong cuộc đời của một ai đó vào những giai đoạn, thời khắc nhất định. Nếu chúng ta ý thức trọn vẹn về từng khoảnh khắc được có mặt cùng nhau, ta sẽ chủ động vun vén, ghi nhận và tạo dựng những giá trị để những khoảnh khắc sẽ trở thành điều mãi mãi.

Câu chuyện của bạn chợt gợi nhắc cho tôi về lời khuyên của bố tôi, một nhà giáo về hưu và có tấm lòng hướng thiện. Ông bảo, con gái khi bước chân về nhà chồng, vì xa lạ, vì khác nếp sống và thói quen nên mới càng cần nhiều vun đắp và yêu thương hơn nữa. Gia đình không phải là mảnh ruộng để những đường cày của lý trí thi nhau phô diễn độ nông sâu, hơn thiệt, mà gia đình chính là cánh đồng để gieo xuống những hạt giống của tình yêu. Dù không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng chỉ cần có đủ yêu thương và nhẫn nại thì từ cánh đồng luôn mọc lên những bông hoa.

Bố dạy,  gia đình chính là bếp lửa, muốn ấm áp, muốn tựu thành những sớm mai ăn ngon, những lúc chiều về sum họp thì người phụ nữ phải biết dùng trái tim yêu thương để thắp lên ngọn lửa của sự kết nối đầy ấm áp và an toàn. Chỉ khi biết nhìn mọi chuyện từ trái tim thì các thành viên mới biết cùng nhau bù đắp, nâng đỡ và vực dậy. Lý trí dễ dàng khiến một mối quan hệ còn mới mẻ vỡ tan, dễ cắt đứt mọi sợi dây mong manh mang tên ràng buộc. Chỉ có trái tim mới mang đến sự tha thứ và chữa lành. Từ đó thắt chặt, níu gần mọi khoảng cách.

Cuộc đời không phải lúc nào cũng là một bức tranh đẹp, một giai điệu hay. Tuy nhiên, bạn hãy luôn dùng một trái tim biết yêu thương để lắng nghe và đối diện, khi ấy điều bạn quan sát được không chỉ là màu sắc mà còn là vẻ đẹp, không chỉ là nội dung câu chuyện mà còn là sự khai mở những giá trị từ nguồn thông tin, không chỉ là một tồn tại của khoảnh khắc hân hoan mà còn là những thiên thu hạnh phúc.

Tôi từng nghe ai đó nói rằng “người yếu đuối là người dùng trái tim”, nhưng thực tế không phải như vậy. Bạn và tôi rồi sẽ nhận ra, yêu và sống chậm bằng những nhịp đập trái tim, ta sẽ thấy mạnh mẽ mỗi ngày.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.