(Đọc tập Lần đường theo bóng của Văn Thành Lê, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021)
Tập chân dung văn học Lần đường theo bóng với 20 chân dung nhà văn, được tác giả xây dựng bằng lối viết riêng. Văn học là hư cấu trên thực tế và xây dựng trên cốt truyện đời thực, nhưng chân dung nhà văn, ở góc nhìn của nhà văn Văn Thành Lê, một nửa chân dung là cuộc đời thật tiếp cận trên trang viết.
Lần đường theo bóng góp phần nối mạch phê bình văn học song hành tác giả - tác phẩm, khái quát được một số chân dung nhà văn Việt Nam có ảnh hưởng trên thi đàn Việt những năm gần đây, trong đó có nhiều tác giả trẻ nhưng đã đánh dấu được vị trí trong dòng chảy văn học. Cuốn sách chứa đựng nhiều nguồn tri thức mà Văn Thành Lê đã dày công nhặt nhạnh, tìm tòi và đọc rất nhiều để có thể gói trọn trong hơn 200 trang viết đầy đặn.
Những gương mặt nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình thuộc thế hệ cha chú như Ngô Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, đến thế hệ kế cận đầy nội lực như Thuận, Đỗ Tiến Thuỵ, Phong Điệp, Hoàng Thuỵ Anh, đến các gương mặt trẻ như Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Hoà, Hoàng Công Danh, Khải Đơn, Nguyễn Thiên Ngân, Hiền Tran, Cao Nguyệt Nguyên lần lượt được Văn Thành Lê gọi tên bằng những kỷ niệm nằm lòng với riêng từng tác giả/cùng các tác phẩm đã gắn liền và làm nên tên tuổi họ.
Văn Thành Lê đã tinh nhạy tiếp cận và “đọc vị” được ít nhất một trong những nét đặc trưng hình thành nên phong cách của từng tác giả. Nhà văn viết về nhà văn, sẽ không tránh khỏi những cảm quan cá nhân, nhưng trong cuốn chân dung nhà văn này, tác giả đã khéo léo thể hiện mạch viết một cách khách quan, ngắn gọn nhưng “tinh”. Từ đó, khái quát được tầm ảnh hưởng của mỗi tác giả trong chính tác phẩm của họ và sự lan tỏa các giá trị văn học mà các tác giả đã và đang nỗ lực làm phong phú thêm cho đời sống văn học.
Trong các giá trị văn học mà các tác giả đã và đang cống hiến cho độc giả đến hôm nay, mỗi người được xây dựng bằng góc nhìn. Cách Văn Thành Lê trích dẫn các tác phẩm của từng tác giả để khắc họa nên từng chân dung đủ để khớp giữa tác giả - tác phẩm. Người đọc có thể tìm được nhiều nguồn tư liệu liên quan đến từng tác giả đơn thuần như việc đọc chân dung nhà văn nhưng cũng có thể tiếp cận như tài liệu tham khảo khi thực hiện nghiên cứu chuyên sâu.
Người đọc hình dung được những nét vẽ chân dung nhà văn trong cách viết của Văn Thành Lê, không sử dụng ngôn ngữ cầu kỳ, không quá khắt khe nhưng đủ để truyền tải điều tâm huyết trong hành trình chuyển động không ngừng của đời sống văn học. Một cách tiếp cận chân dung văn học lạ của Văn Thành Lê được thể hiện trong tập sách Lần đường theo bóng, như cách đuổi chữ để gặp lại bóng dáng nhà văn trong từng trang sách và thấp thoáng đâu đây những ánh mắt ưu tư đầy trăn trở.
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO