Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc Covid-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vắc-xin mà bỏ lỡ một “lá chắn” quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.
Kiểm tra huyết áp trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. (Ảnh chụp tại điểm tiêm chủng Cung Thể thao Tiên Sơn) Ảnh: PHÚC AN |
1. Lúc có những tranh luận trên mạng xã hội về việc nên dùng vắc-xin Covid-19 nào, anh bạn đồng nghiệp kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất ý vị: Cách đây vài chục năm, một người hàng xóm trong khu tập thể để lửa bùng lên bất ngờ, ông hàng xóm chỉ kịp vớ lấy chai mắm bên cạnh đổ xối xả và dập được ngọn lửa. Khi lửa tắt, cả xóm được một phen nín thở vì mùi mắm bốc lên khắp nơi. Khó chịu thật, nhưng điều may mắn nhất là ngọn lửa đã được chặn đứng và cái họa khôn lường đã không xảy ra nhờ sự nhanh trí và phản ứng rất kịp thời của ông hàng xóm.
Khi nguy cấp, chúng ta chọn giải pháp tức thời, khả dĩ nhất, tương đối ổn nhất. Điều này hoàn toàn khác và không nên, hay không thể so sánh với tình huống lúc bình thường.
Covid-19 là một đại dịch phi tiền lệ, vậy nên những gì nhân loại ứng xử với nó đều là các giải pháp chưa từng có kinh nghiệm. Theo đó, sẽ phải có thử và sai, rút kinh nghiệm từ thành công, thất bại để tiếp tục ứng phó, vượt qua.
Xem xét một chiến lược hay giải pháp chống Covid-19, nếu tách rời khỏi bối cảnh thời gian, hoàn cảnh thực tế và thậm chí là hoàn cảnh tâm lý, người ta dễ có xu hướng đánh giá theo kiểu “thầy bói xem voi”, “thấy ngọn mà không thấy gốc”, “thấy cây mà không thấy rừng”, từ đó dễ ngả theo các thiên kiến chủ quan và cực đoan. Đây là thực tế đã thấy trong các cuộc tranh luận dữ dội thời gian qua trên mạng xã hội về một số chính sách phòng, chống dịch.
2. Tại phiên họp Chính phủ đầu tiên của khóa XV (2021-2026) vào chiều 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vắc-xin, vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”. Thế nhưng, tâm lý kén chọn vắc-xin vẫn xảy ra, có thể do nhiều người lo ngại về một số phản ứng phụ sau khi tiêm. Trong khi đó, WHO đã kêu gọi người dân ở các quốc gia đi tiêm phòng sớm nhất có thể ngay cả khi đã từng mắc Covid-19, tránh tình trạng chờ đợi và lựa chọn vắc-xin mà bỏ lỡ một “lá chắn” quan trọng để phòng vệ trước dịch bệnh.
Vắc-xin Covid-19 giúp hệ miễn dịch nhận biết, sẵn sàng chống lại virus nếu chúng xâm nhập cơ thể và cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian, sau đó sẽ phải tiêm nhắc lại nếu cần. Điều quan trọng là virus không chờ thời điểm “đẹp” để lây nhiễm cho mỗi người, như cách ai đó đang chờ thời điểm “đẹp” để có vắc-xin “tốt” như họ nghĩ. Virus không phân biệt sang hèn hay đâu là ranh giới giữa các khu vực, quốc gia, châu lục. Vậy nên, tiêm sớm thì được bảo vệ sớm, đơn giản là vậy.
3. Tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện gần đây với TS. Cao Anh Tuấn, Việt kiều ở Mỹ, Giám đốc điều hành một công ty chuyên về công nghệ giải mã gen để chẩn đoán và phòng tránh bệnh tật. Trong đại dịch, công ty của anh đã phát triển thành công gói giải pháp chẩn đoán gen để giúp mọi người biết được ai có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn và nếu mắc thì ai sẽ có nguy cơ bị nặng hơn những người khác, từ đó giúp mọi người có biện pháp phòng bị cẩn thận hơn.
Khi tôi hỏi anh có chọn tiêm loại vắc-xin Covid-19 nào không thì anh cười và bảo: “Nếu chọn thì tôi sẽ chọn loại tiêm một mũi của Johnson & Johnson để đỡ mất thời gian nhất vì loại nào cũng vậy thôi, đều giúp bảo vệ mình cả”. TS. Cao Anh Tuấn là lãnh đạo doanh nghiệp có trụ sở tại thung lũng Silicon (Mỹ) chuyên về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe, chia sẻ của anh là một thông điệp đáng suy nghĩ.
Mới đây nhất, tôi lại có dịp trò chuyện với một vị tiến sĩ Việt khác là người phụ trách chương trình thử nghiệm lâm sàng của một loại vắc-xin nội, cũng về chủ đề vắc-xin và tâm lý do dự, lựa chọn vắc-xin. Anh cho biết, hiệu quả phòng bệnh của tất cả vắc-xin hiện có còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác bên cạnh bản thân vắc-xin, trong đó có việc tuân thủ các biện pháp 5K… “Giống như khi bạn gặp mưa trên đường, nếu mưa nhỏ, chiếc áo mưa đủ che để bạn không bị ướt; nhưng nếu mưa lớn quá, bạn vẫn bị ướt như thường mà”, cô bạn làm nghiên cứu sinh về công nghệ y sinh tại Bỉ từng giải thích với tôi như vậy về các trường hợp tiêm vắc-xin rồi vẫn bị mắc bệnh.
4. Xét đến cùng, vắc-xin là mấu chốt cho mọi kế hoạch, lộ trình mở cửa lại của các quốc gia. Theo đó, các nước tất yếu phải đạt tới một độ phủ vắc-xin nhất định ở mức an toàn tương đối, lý tưởng là từ 70% dân số trở lên.
Về lý thuyết, dường như đây là điều không còn tranh cãi. Nhưng về thực tế, làm sao để hiện thực hóa mục tiêu đó lại là câu chuyện nhiều thách thức khác. Ngoài trách nhiệm của chính quyền trong việc nỗ lực tìm giải pháp khai thông nguồn cung vắc-xin nhanh nhất và nhiều nhất có thể, sự hợp tác của người dân cũng là điều vô cùng quan trọng. Và ngay cả khi chưa thể tiêm ngừa, nếu mỗi người tự biết cách phòng bệnh cho bản thân và người khác thì họ đã góp phần thiết thực để giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường nhanh hơn.
DƯƠNG KIM THOA