Tại một sa mạc khắc nghiệt ở tây bắc Trung Quốc, hàng trăm xác ướp nguyên vẹn tuyệt đẹp, chôn cất trong thuyền, được phát hiện vào những năm 1990. Các xác ướp thời kỳ đồ đồng có niên đại cách đây 4.000 năm. Danh tính của họ đã gây khó khăn cho các nhà khảo cổ học từ lâu.
Người Tarim sống trên sa mạc chôn cất người chết trong quan tài hình chiếc thuyền, dùng mái chèo làm vật đánh dấu mộ. |
Các xác ướp tìm thấy được chôn trong thuyền ở lưu vực Tarim, Tây An, tây bắc Trung Quốc. Địa điểm này được gọi là Nghĩa trang Xiaohe.
Nhiều thập kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hàng trăm thi thể ướp xác tự nhiên bị chôn vùi trong thuyền tại một sa mạc cằn cỗi ở tây bắc Trung Quốc. Có niên đại khoảng 4.000 năm trước, quần áo và đồ tùy táng của xác ướp khiến một số học giả cho rằng họ là những người di cư từ Tây Á. Nhưng bằng chứng DNA mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy cái gọi là xác ướp người Tarim thực sự có nguồn gốc trực tiếp từ một quần thể sống trong khu vực trong Kỷ Băng hà.
Quan tài gỗ hình chiếc thuyền được phủ bằng da thú. Ảnh: CNN |
Hài cốt người được tìm thấy trong nhiều nghĩa trang ở lưu vực Tarim của khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, đã được chôn cất trong một thời gian dài, từ khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Chúng được phát hiện lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 20, với phần lớn các cuộc khai quật được hoàn thành vào những năm 1990.
Nhờ điều kiện khô ráo của lưu vực, các xác ướp được bảo quản rất tốt, thường là tóc và quần áo của họ vẫn còn nguyên vẹn. Văn hóa của họ dường như rất đặc biệt. Mặc dù sống ở vùng sa mạc, họ được chôn cất trong những cấu trúc hình chiếc thuyền được bọc bằng da bò với những hình mái chèo làm điểm đánh dấu mộ - một tập tục thường gắn liền với người Viking.
Theo tạp chí Live Science báo cáo các cuộc khai quật trước đây tại các địa điểm khảo cổ ở Tarim đã thu được những chiếc lưới cổ đại có khả năng được sử dụng để đánh cá ở các con sông chảy qua sa mạc. Những chiếc thuyền có thể đóng vai trò như một sự tôn vinh tầm quan trọng của những con sông này, vốn đã tạo ra môi trường ốc đảo thuận lợi cho sự tồn tại trong khí hậu khắc nghiệt.
Quần áo của các xác ướp làm từ len, dạ và da thú, đây quả là điều khác thường đối với khu vực. Một số người đã qua đời có mái tóc màu đỏ hoặc màu nhạt và các đặc điểm trên khuôn mặt không bình thường ở các nhóm dân cư châu Á. Và một số xác ướp gần đây hơn được chôn với những miếng pho mát quanh cổ, có lẽ nhằm mục đích làm thức ăn khi sang thế giới bên kia. Những yếu tố này khiến một số nhà khảo cổ đưa ra giả thuyết rằng những cá thể bí ẩn là những người di cư từ miền nam Siberia hoặc từ vùng núi Trung Á.
Nhà nhân chủng học Christina Warinner tại Đại học Harvard nói: “Người Tarim dường như đã pha trộn văn hóa với các nước láng giềng của họ, áp dụng các tập quán như chăn gia súc, dê và cừu, cũng như trồng lúa mì, lúa mạch và kê. Mặc dù bị cô lập về mặt di truyền, các dân tộc thời kỳ đồ đồng ở lưu vực Tarim có tính quốc tế cao về mặt văn hóa.
Răng của xác ướp cho thấy bằng chứng về protein từ các sản phẩm sữa, rằng nền văn minh của họ đã bắt đầu áp dụng chăn nuôi gia súc từ rất sớm. Dân số Tarim rất thấp nhưng họ đã kết hợp được việc chăn nuôi gia súc để có sữa phục vụ cuộc sống của họ.”
HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)