Là một người con sinh ra và lớn lên trên “đất lửa” Quảng Trị với bao vết tích khốc liệt của chiến tranh thì những kỷ vật thời chiến luôn gây cho tôi những xúc động mạnh. Những kỷ vật tuy bé nhỏ không chỉ lưu giữ những kỷ niệm đẹp mà còn là vật chứng kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp chúng ta hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử hào hùng mà thế hệ cha ông đã trải qua.
Chiếc xẻng từng được 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc dùng sửa đường trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Vietnam+ |
Ba tôi là người lính nên sau khi hòa bình lập lại, hình ảnh quen thuộc nhất tôi thường thấy là những tấm huân chương, huy chương và những bức ảnh ba chụp cùng đồng đội trong quân ngũ. Đặc biệt, có những bức ảnh do phóng viên chiến trường chụp rồi gửi tặng ba tôi để làm kỷ niệm. Những tấm hình này được ba cất giữ cẩn thận và lưu giữ cho đến khi tôi lớn lên. Qua đó, tôi được ba và các cô chú là bạn chiến đấu cùng “nếm mật nằm gai”, kể lại những kỷ niệm “vào sinh ra tử” trong những trận đánh khốc liệt mà không ít người trong tấm hình đã anh dũng hy sinh. Tuổi thơ tôi luôn được chứng kiến những giây phút xúc động như thế để rồi sau này đi tác nghiệp, mỗi lần viết bài về đề tài chiến tranh, được nghe các nhân chứng sống kể lại những năm tháng chiến đấu anh dũng qua những kỷ vật còn lưu giữ, lòng lại bồi hồi xúc động và biết ơn.
Còn nhớ, trong một lần viết bài về ông Hồ Quảng Thu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) - dũng sĩ diệt Mỹ tí hon từng diệt 52 tên Mỹ, ông Thu cho tôi xem lại bức hình chụp lần đầu ông được gặp Bác Hồ vào ngày 20-12-1968. Bức ảnh là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp tôi cảm thấy dường như câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua và được xích lại gần hơn với những nhân vật trong ảnh khi nhân chứng sống đang ngồi trước mắt mình. Sau 2 tháng đi từ Quảng Nam ra Hà Nội, ông Thu được trực tiếp gặp Bác Hồ tại Hà Nội ở Hội trường Ba Đình dự lễ mít-tinh kỷ niệm 8 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960 - 20-12-1968). Tại hội trường, Bác Hồ xuất hiện giản dị trong bộ áo quần kaki, đầu đội mũ pê-rê công nhân vẫy tay chào mọi người. Bức ảnh này được ông Thu cất giữ như một báu vật lưu giữ kỷ niệm lần đầu gặp Bác và tặng lại cho tôi. Thông qua những câu chuyện cảm động ông kể về Bác, hình ảnh của Người hiện lên trong tôi thật giản dị, mộc mạc và ấm áp.
Kỷ vật chiến tranh gần đây mà tôi có được là một tấm khăn thêu tay do chính bà Hà Thị Phương Lan (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) thêu trong những ngày bị giam cầm vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Bà Lan từng trải qua 6 năm lao tù ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng, trong đó có Tử ngục chín hầm ở Huế. Đây là một nhà tù khét tiếng của Ngô Đình Cẩn. Những năm tháng ở lao tù dù chịu cảnh tra tấn đòn roi độc ác và dã man của kẻ thù, bà Lan vẫn lạc quan tự tay thêu những chiếc khăn tay với hình vẽ những chú chim bồ câu trắng tượng trưng cho ước mơ hòa bình. Cầm chiếc khăn tay được bà lưu giữ hơn nửa thế kỷ qua, hình ảnh những trận đòn roi man rợ của kẻ thù lên cơ thể nhỏ bé của cô gái giao liên 16 tuổi ngày nào cứ hiện lên ám ảnh tôi như một thước phim tài liệu quay chậm tái hiện chân thực về cuộc sống lao tù khổ cực của bà.
Sau này tôi còn may mắn gặp nhiều tư liệu quý của chiến tranh qua các nhân vật lịch sử khác như chiếc ba lô, mũ cối, bi đông, vỏ bom... với những câu chuyện xúc động. Có thể bạn sẽ rất dễ dàng nhìn thấy những kỷ vật chiến tranh trong bảo tàng nhưng được cầm trên tay hiện vật do chính người trong cuộc trao tặng và kể lại là một niềm vinh dự và hạnh phúc. Những kỷ vật ấy là món quà vô giá luôn nhắc nhở chúng ta sống, học tập và làm việc sao cho ý nghĩa và xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh đã giành lại nền hòa bình và độc lập cho ngày hôm nay.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG