Những cửa hiệu không tên

.

1. Tôi dừng chân trước ngôi nhà ngói đỏ, bức tường lát đá phủ rêu phong, cánh cổng gỗ mái vòm hướng vào một khu vườn chan hòa ánh nắng. Khắp không gian đang dậy lên mùi cà phê ngào ngạt. Đây không phải là một chốn sinh ra để sở hữu, nó được tạo thành hẳn là để rộng mở, mời ai đó bước vào - tôi miên man nghĩ, mạnh dạn dắt xe tiến sâu vào bên trong.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đúng mà, những dấu hiệu vốn đã chứa đựng câu trả lời. Nơi này chính là một quán cà phê vườn.

Gọi một ly cà phê sữa đá, tôi cất bước dạo quanh. Nếu nội thất bài trí bên trong quán chủ yếu mang tông trầm của các đồ dùng được làm hoàn toàn từ gỗ, thì ở đây, bên ngoài khu vườn đang ánh lên những gam màu tươi sáng từ lá xanh, từ đá tảng, đá cuội, và những lạch nước trong veo…

Nguyên thủy khu đất này vốn dĩ nằm trên một ngọn đồi. Để tạo sự thông thoáng cho những không gian chức năng riêng biệt, chủ quán cùng lúc đan xen những lối đi, con dốc, hành lang đầy hoa cỏ, đồng thời tạo ra những khoảng trống nhờ việc bố trí những bức tường đá cao chưa quá nửa người. Những kè đá này vừa là bờ taluy giúp giữ đất cho những gốc cây lâu năm, vừa có tác dụng như những chiếc ghế đá nghỉ chân cho khách bộ hành.

Tôi lần theo những hàng cây đang chuồi ra những dải hoa li ti. Có chỗ, vì đã thoát khỏi bóng cây nên các nụ hoa đã chuyển màu theo bước đi của ánh sáng, nó giã từ màu trắng ngà dịu dàng để bóng lên màu vàng cam rực rỡ, sống động, lung linh.

Khi gần chạm đến bờ cỏ sát mép tường rào, tôi gặp một ông già tóc bạc, có lẽ là chủ khu vườn, tay ông đang cầm bình xịt. Ông nói: “Đây là một quán cà phê, nhưng cũng là một khu vườn, một chốn nghỉ ngơi, thư giãn. Ở đây có hai cây me, một cây phượng, một cây bồ kết, một cây khế, có thêm hàng rào được kết thành từ những bụi ngâu. Những cây đã trưởng thành thì không cần tưới nước, nhưng những cụm ngâu này, càng đẫm nước thì hoa nở sẽ càng thơm. Hoa ngâu còn chữa được bệnh, hay sao khô làm trà…”.

Không chỉ ông mà hầu hết những người làm vườn mà tôi từng gặp ở vùng này cũng luôn như vậy. Họ lựa chọn những loại cây phù hợp, trồng theo lớp lang từ ngoài cổng vào đến trong sân nhà. Loài để ngửi hương, có loài để hưởng trái, có loài chỉ để ngắm hoa, lại có loài để cung cấp bóng mát… Việc họ làm không đơn giản là trồng cây, chăm bón. Họ đang tổ chức một không gian sống hội tụ nhiều tinh hoa, thuật phong thủy. Họ tạo nên khu vườn bao gồm nhiều dấu hiệu, những dấu hiệu biết kể chuyện và mời chào.

2. Mỗi lần háo ngọt, tôi ghé quán bánh gần ngã tư. Quán bề rộng không lớn lắm, nhưng có chiều sâu. Phía trước là một căn phòng hình vuông, tít sơn trắng, ô cửa kính hướng ra đường luôn sáng choang, từ đó cũng tỏa ra đủ mùi hương ngạt ngào từ bột, đường, sữa và các loại siro.

Lần nào cũng thế, khi xe vừa trờ đến đầu phố, khứu giác của tôi đã khởi động những lựa chọn ngon lành. Tuy nhiên, ở đây có một điểm khác với những tiệm bánh ngọt thường gặp, ngoài các loại bánh Âu sang trọng, đẹp mắt, cô chủ người miền Tây còn cung cấp thêm đủ loại bánh dân dã gợi nhớ quê hương: Bánh da lợn, bánh tằm, bánh bò, bánh khoai mì nhân chuối…

Trước đây, để làm bánh khoai mì, mẹ tôi phải huy động sự giúp sức của toàn bộ chị em. Mẹ hì hục mài củ mì vắt lấy bột, chị tôi phụ sên chuối sứ làm nhân, còn tôi và cu Út chăm chỉ tước lá chuối, rửa sạch để làm vỏ bánh. Mẹ múc phần bột bánh đã được nhồi nhuyễn với đường vào lá, phết nhân vào rồi gói lại như gói bánh ít, bánh gai. Tay mẹ thoăn thoắt, gọn gàng. Khi mẻ bột vơi đi cũng là lúc rổ bánh đầy lên một màu xanh mơn mởn.

Ngày ấy, chỉ với món bánh khoai mì nhưng mấy chị em tôi tưởng như cao lương mỹ vị. Trong gian bếp nhỏ, mỗi đứa sáng tạo ra một cách nhấm nháp riêng. Thằng Út cắn phần rìa bột ăn trước, dành phần có nhân lại. Chị tôi hảo ngọt nhất nhà nên ăn một miếng bánh thì phải chấm kèm một ngụm cốt dừa, đủng đà đủng đỉnh. Còn tôi, trước khi ăn phải cẩn thận bóc từng mảnh lá, hít thật đã, thật căng lòng ngực mùi thơm của bột củ mì quyện với mùi lá chuối được hấp chín.

Tôi hỏi chủ quán, tại sao chị không làm một tấm biển, hay xây dựng một thương hiệu bánh Âu, bánh quê gì đó thật đặc sắc để thu hút khách hàng. Chị cười: “Giữa nhớ và ghi nhớ luôn khác nhau. Chị không làm biển hiệu vì muốn sống cùng những dấu hiệu của quán bánh này, đó chính là mùi thơm. Khách quen mùi sẽ tìm tới và nhất định sẽ trở lại. Mùi thơm không chỉ giúp bánh ngon hơn mà còn là thứ biết kể chuyện, những câu chuyện của sự trở về. Và đôi lúc, chị cũng như em, ngồi ở phố mà nghe được tiếng củi lửa tí tách, nghe tiếng những người thân quen cùng ta nói cười ríu rít trong gian bếp cũ um khói oi nồng…”.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.