Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng, tại Đà Nẵng, hoạt động bảo tồn được các cấp, ngành và người dân quan tâm với mong muốn giữ được không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lành mạnh, kết hợp giáo dục truyền thống, phục vụ phát triển du lịch và dịch vụ thời gian tới.
Quang cảnh lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê. (Ảnh chụp năm 2015) Ảnh: Huỳnh Bá Truyền |
Ở những ngôi làng chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng như Nam Ô, Mân Thái, Nam Thọ hay Phước Mỹ, vẫn còn đó những lão ngư đau đáu chuyện bảo tồn văn hóa dân gian vùng biển. Bởi lẽ, họ tin rằng, những ngôi miếu thờ thần biển, thần làng, tục thờ cá voi (thường gọi là cá Ông)… sẽ giúp ngư dân tìm ra luồng cá, mang lại cuộc sống no đủ, bình an.
Những lão ngư đau đáu chuyện làng
Ngư dân Trần Ngọc Vinh, người làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) có kinh nghiệm hơn 40 năm đi biển cho biết ông đang dồn tâm sức cho việc bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng dân gian vùng biển. Hơn 10 năm ông đảm nhận vai trò Trưởng ban tổ chức lễ hội cầu ngư làng Nam Ô, thuộc lòng các bài văn khấn, các bước tế cáo của làng.
Theo ông Vinh, làng chài Nam Ô còn nhiều di tích, miếu thờ gắn với đời sống tín ngưỡng của người dân. Có lẽ vì thế mà năm 2018, bà con đã mở tiệc ăn mừng khi hay tin lãnh đạo thành phố thống nhất giữ lại nguyên vẹn lăng thờ Ngư ông cũng như các miếu thờ trong quá trình điều chỉnh quy hoạch khu du lịch sinh thái Nam Ô. Trước đó, đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu, giai đoạn 2015-2022, cũng nhấn mạnh việc cần giữ gìn các giá trị văn hóa tâm linh vùng biển, trong đó có cụm di tích tâm linh làng Nam Ô như khu vực lăng Ngư ông, miếu Âm Linh, miếu Bà Liễu Hạnh…
Ông Vinh cho biết, đề án trên giúp các di tích văn hóa, tâm linh tại Nam Ô có cơ hội được phục dựng, bảo tồn. Ví như khu vực miếu Bà (tương truyền thờ vọng Huyền Trân Công chúa, người được vua Trần Nhân Tông gả cho vua Chiêm để đổi hai châu Ô, Lý về Đại Việt - PV) nằm trong quần thể di tích giếng cổ, lăng thờ cá Ông, chùa làng Ba Sơn, miếu thờ Bà Liễu Hạnh từng rơi vào cảnh mục nát, cây cối vây quanh, nay ít nhiều được dọn dẹp và định hình vị trí trong bản đồ di tích Nam Ô.
“Hiện nay, nguyện vọng của dân làng Nam Ô là Nhà nước sớm quan tâm, trùng tu và giữ gìn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với đời sống ngư dân vùng biển, để bức tranh văn hóa biển không phai mờ trong tiến trình đô thị hóa về sau”, ông Vinh mong mỏi.
Không như đình là chốn thâm nghiêm, thường ngày cửa đóng then cài, các lăng, miếu thờ nằm dọc bãi biển Đà Nẵng luôn rộng cửa (hoặc không có cửa) để người dân dễ tới lui. Văn hóa tâm linh mang lại sức mạnh tinh thần to lớn giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển.
Lão ngư Phan Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, hình thức thờ cúng trên biển có nhiều điểm tương đồng với nghi lễ mục đồng của người nông dân. Đích đến của tục thờ cúng là cầu mưa thuận gió hòa, gặt hái mùa vàng và thể hiện lòng biết ơn đối với các thế lực siêu nhiên (các vị thần trong vũ trụ) đã che chở họ suốt những năm tháng hành nghề.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các bước cúng tế của người dân vùng biển khá phong phú và đa dạng. Ví như, bên cạnh lễ hội cầu ngư, ngư dân còn nhiều nghi lễ gắn với quá trình đóng thuyền, như lễ phạt mộc, giáp ghim, hạ thủy, khai quang điểm nhãn, đưa dăm tống mộc, lễ cúng sương mành, lễ nhúng nghề, lễ tất niên thuyền, cúng cáo thủy và nhiều nghi lễ xung quanh công việc đánh bắt cá như lễ cầu bông cầu ba (cầu mùa), lễ cúng tạ, lễ tống cói, lễ cúng vũng, cúng vịnh…
Là chủ 2 con tàu công suất lớn khai thác ngư trường Hoàng Sa, lão ngư Phan Văn Minh rành rẽ mọi lễ nghi và phong tục trên biển. Ông Minh nói, nếu như lễ phạt mộc đánh dấu thời điểm khởi công con thuyền (nghi thức cầm rìu phạt vào khúc gỗ dùng đóng bộ phận quan trọng nhất của thuyền) thì lễ khai quang điểm nhãn gắn với tục vẽ mắt thuyền, lễ vật gồm hoa, rượu, nón thúng và bộ tam sên (thịt heo, tôm hoặc cua, trứng vịt). Sau lễ điểm nhãn, ghe được xem là đã “mở mắt”, đủ điều kiện hạ thủy.
Nhiều năm làm chủ tế lễ hội cầu ngư, ông Phan Văn Minh được lãnh đạo phường Nại Hiên Đông tin tưởng, nhờ viết kịch bản dân ca, bài chòi “Hồn biển” để phục vụ lễ hội cầu ngư phường Nại Hiên Đông tại lăng Ông cửa khẩu sông Hàn trong thời gian tới. Được biết, “Hồn biển” vừa kể câu chuyện đi biển được thần linh phù hộ, vừa khuyên ngư dân khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để muôn đời ấm no. “Tôi mong rằng, việc đưa giá trị tín ngưỡng dân gian lên sân khấu sẽ giúp người dân hiểu hơn về các lễ, tục vùng biển, từ đó yêu mến và cùng nhau giữ gìn”, ông Minh chia sẻ.
Bảo tồn trong bảo tàng
Góp phần bảo tồn văn hóa cư dân vùng biển, Bảo tàng Đà Nẵng đã dành một góc trang trọng để trưng bày các hiện vật, tài liệu liên quan. Ông Trần Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết mô hình chiếc ghe bầu - đặc trưng của xứ Quảng nói riêng và của cư dân biển khu vực Nam Trung Bộ nói chung là điểm nhấn quan trọng trong các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.
Ông Trần Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng, giới thiệu với khách tham quan thông tin chiếc ghe bầu gắn liền với đời sống ngư dân Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Theo ông Chuẩn, tên gọi “ghe bầu” xuất phát từ 2 từ biến âm trong tiếng Mã Lai - Nam Đảo (nguồn gốc của tiếng Chăm) là từ “gay” (ghe, thuyền) và “pràu” (tiếng chỉ loại thuyền buồm Mã Lai), hoặc có thể là từ gọi theo hình dáng của loại ghe này. Đây là loại thuyền biển có tải trọng lớn (từ 50-100 tấn), dùng vận chuyển hàng hóa giữa các vùng miền trong nước và giao thương, buôn bán với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…
“Chúng tôi thường xuyên giới thiệu cho khách tham quan về lịch sử văn hóa, truyền thống của ngư dân Đà Nẵng trong tiến trình xây dựng, phát triển vùng đất. Ngoài ghe bầu, bảo tàng cũng dành không gian trưng bày các loại ngư cụ, từ thô sơ (lưới, vó, cào ốc…) đến hiện đại để khách dễ dàng hình dung quá trình đánh bắt thủy hải sản trên biển của ngư dân”, ông Chuẩn nói.
Sau khi thành lập năm 2011, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tái tạo không gian lễ hội cầu ngư phường Mân Thái, quận Sơn Trà (thường diễn ra các ngày 25, 26 tháng Giêng âm lịch), giúp lưu giữ một phần văn hóa tín ngưỡng của người dân vùng này. Theo ông Chuẩn, không gian tái tạo phần chính điện trong lăng thờ đức ngư ông ở khu vực Tân Thái, phường Mân Thái.
Lăng được lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Chính điện có tả ban (thờ tả ban liệt vị), hữu ban (thờ hữu ban liệt vị) và hậu tẩm (thờ các bậc công thần thượng sơn hạ thủy). Trong quá trình thuyết minh, hướng dẫn viên nói rõ hơn nội dung phần lễ trong lễ hội cầu ngư, như lễ vọng, nghinh ông, lễ cúng âm linh, hò bả trạo (còn gọi là hát bạn chèo), lễ thỉnh văn, lễ xây chầu hát lễ và các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội.
Ngoài ra, để phục vụ cho việc thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 27-9-2021 của UBND thành phố), ngành văn hóa Đà Nẵng đã tổ chức kiểm kê, điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá toàn bộ hiện trạng việc tổ chức lễ hội cầu ngư tại các địa phương có thiết chế thờ tự cá Ông (Thần Nam Hải); hỗ trợ địa phương khôi phục, kiện toàn Ban quản lý lăng thờ tự cá Ông và Ban tế lễ trực tiếp thực hành nghi lễ tại các cơ sở thờ tự; tổ chức lễ vinh danh “Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng” là di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng tiến hành số hóa lễ hội cầu ngư, thông qua nội dung phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp hình, quay phim làm tư liệu, lưu trữ và phục vụ người dân.
"Chúng tôi thường xuyên giới thiệu với khách tham quan về lịch sử văn hóa, truyền thống của ngư dân Đà Nẵng trong tiến trình xây dựng, phát triển vùng đất. Ngoài ghe bầu, bảo tàng cũng dành không gian trưng bày các loại ngư cụ, từ thô sơ (lưới, vó, cào ốc…) đến hiện đại để khách dễ dàng hình dung quá trình đánh bắt thủy hải sản trên biển của ngư dân” Ông Trần Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng |
TIỂU YẾN